Kỳ 2: 'Tranh dân gian: Gian nan bảo tồn'

Để bảo tồn và khôi phục tranh dân gian trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề là một bài toán khó chưa có lời giải đáp.

 

Tranh khó bán

Theo các nguồn tư liệu, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ có cách đây gần 500 năm, vào thế kỷ 16. Và cho tới tận năm 1945 vẫn có tới 17 dòng họ còn theo nghề với rất nhiều xưởng làm tranh trong làng. Thế nhưng đến nay cả làng chỉ có vài ba gia đình còn làm tranh. Ông Nguyễn Đăng Chế, một trong số ít nghệ nhân còn làm tranh ở làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Hiện ở làng Đông Hồ không còn mấy ai mặn mà với nghề. Không phải họ bỏ nghề vì không yêu, vì chán mà nghề làm tranh không đủ để nuôi sống họ và gia đình. Nhu cầu mua tranh không nhiều, tranh không bán được vì thế không đủ nguồn lực để duy trì nghề. Với gia đình ông và một số người khác còn giữ được nghề cho đến ngày nay đã phải trải qua bao nhiêu khó khăn, lăn lộn tìm nguồn tiêu thụ và làm nhiều cách để tranh dân gian thích ứng với cuộc sống hiện đại. “Ngày nay các hộ gia đình trong làng chuyển sang làm hàng mã là do nhu cầu tâm linh, bán được hàng thì người dân có thu nhập, duy trì cuộc sống. Điều tôi luôn ao ước là làm sao nghề làm tranh dân gian có thể sống khỏe được như nghề làm hàng mã”- ông Chế bày tỏ.

Còn đối với tranh dân gian Kim Hoàng (ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), 1 trong 3 dòng tranh dân gian nổi tiếng của miền Bắc cũng có thời kỳ phát triển mạnh vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, nhưng rồi bắt đầu bị thất truyền từ trận lụt năm 1915, khi cả làng bị ngập, nhiều ván in tranh bị nước lũ cuốn trôi. Sau trận lụt đó, nghề làm tranh dần mai một, đến năm 1945 cả làng Kim Hoàng không còn ai làm tranh.

Ông Trần Thịnh, một trong số ít người cao tuổi của làng am hiểu về tranh Kim Hoàng cho biết: “Ngày trước người dân trong làng cũng muốn khôi phục nghề nhưng số người biết làm tranh cứ dần mất hết, số người còn biết về dòng tranh cổ này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe yếu. Những ván khắc tranh dần mất hết, muốn khôi phục cũng khó”.

Cái hồn của di sản văn hoá chính là người thực hành, nắm giữ di sản. Với tranh dân gian thì đó là các nghệ nhân, những người trực tiếp làm ra các bức tranh dân gian sống động, mang hồn cốt văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, nghệ nhân còn làm nghề và tâm huyết với nghề còn rất ít, thậm chí không còn một ai. Đây là khó khăn lớn trong việc duy trì sự sống của làng tranh. Bên cạnh nguyên nhân thiếu vắng nghệ nhân theo nghề, các dòng tranh và làng tranh dân gian truyền thống của nước ta đã và đang chịu những tác động của sự thay đổi trong đời sống hiện nay. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá - Nghệ thuật Quốc gia nêu thực tế: Trước kia, tranh dân gian là thú chơi ngày Tết, còn bây giờ nhu cầu đấy không còn nhiều. Chính nhu cầu của thị trường dẫn đến các yếu kém của các khâu như nguyên liệu, thiếu vắng nghệ nhân hay việc cải tiến sản phẩm và tất nhiên các yếu tố này có sự qua lại với nhau. Yếu tố thị trường đã làm cho những người làm nghề và các làng nghề tranh dân gian mất động lực phát triển.

Tranh khó bán khiến người làm tranh không còn thiết tha với việc làm nghề.Thay đổi lại phương pháp bảo tồn

Theo nhà sưu tập tranh dân gian Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng gốm sứ tư nhân Hà Nội, hiện nay, những người khắc được bản mộc tranh dân gian và người bồi tranh dân gian ở nước ta không còn nhiều, như tranh làng Sình còn một người và tranh Đông Hồ cũng chỉ có hai thợ. Đặc biệt, thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, ngôi làng trước kia ông Lương Nhữ Học - ông tổ nghề khắc bản gỗ in đã truyền lại nghề cho dân làng nhưng đến nay người dân làng cũng hầu hết chuyển nghề, không còn làm nghề này nữa. Ngày xưa, đây là làng nổi tiếng khắc cả tranh hàng Trống, cả ván kinh Phật. Vì vậy, việc khôi phục các ván in tranh dân gian cổ, nguyên mẫu phục vụ cho công tác bảo tồn gặp không ít vất vả, gian nan. Các bản mộc tranh cũng bị thất lạc nhiều, vì vậy những mộc bản còn lưu giữ hiện nay vô cùng quý giá.

Bên cạnh đó, sự thay đổi trong việc sử dụng các vật liệu làm giấy như trộn màu trắng vào điệp, quét lên giấy để bớt lượng điệp khiến giấy mất độ óng ánh… hay sử dụng màu vẽ công nghiệp trong những năm gần đây cũng tạo nên những biến đổi về chất đối với các loại tranh dân gian truyền thống. Chính vì vậy, việc bảo tồn các di sản văn hóa này là những thách thức không nhỏ. PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học nghệ thuật Huế cho rằng: Vấn đề này cũng đang xảy ra đối với việc bảo tồn và phát triển tranh dân gian làng Sình. Nếu như trước đây, các hộ làm tranh dùng các rễ cây để làm bút vẽ thì bây giờ lại dùng bút công nghiệp. Một khó khăn trong công tác bảo tồn và phát triển du lịch đối với tranh làng Sình là nếu thực hiện theo phương pháp bảo tồn thì phải in tranh trên giấy dó, bút rễ cây và màu thực vật. Như vậy, tranh không thể bán được vì quá đắt. Nếu muốn tranh dễ bán và có lợi nhuận thì phải in giấy thường, dùng màu và bút công nghiệp, như thế lại không đúng với việc bảo tồn. Điều này rất khó thực hiện một cách hài hòa.

Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, cách bảo tồn, khôi phục các dòng tranh dân gian của nước ta đang trong tình trạng manh mún, chưa có chính sách đồng bộ, dài hơi. Thay đổi lại phương pháp bảo tồn, cách tiếp cận bảo tồn theo hướng đưa vào cuộc sống, tiếp nối những giá trị truyền thống nhưng mang một hơi thở mới là cách hiệu quả nhất để tranh dân gian được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống đương đại./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận