Oscars lần thứ 93: Cuộc cách mạng về bình đẳng giới và sắc tộc

AMPAS công bố 800 nhân vật dự kiến bổ sung danh sách thành viên. Trong đó hơn 1/3 là người da màu và gần một nửa là phụ nữ.

 

Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS), đơn vị tổ chức giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh Oscars, vừa công bố tên của hơn 800 nhân vật dự kiến được bổ sung vào danh sách thành viên. Đáng chú ý trong số này hơn 1/3 là người da màu và gần một nửa là phụ nữ. Đây có thể xem là một cuộc cách mạng khi tổ chức này lâu nay vẫn bị chỉ trích là “thượng tôn” người da trắng (81%) và nam giới (67%).

Đạo diễn người Hàn Quốc Bong Joon Ho.

Trong số 819 thành viên mới được mời tham gia Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ năm nay, có 13 thành viên từ ê-kíp bộ phim "Ký sinh trùng" (Parasite) của đạo diễn người Hàn Quốc Bong Joon Ho. Đây cũng là là tác phẩm không nói tiếng Anh đầu tiên thắng giải Oscar "Phim hay nhất" trong lịch sử trên 90 năm của giải thưởng này.

Một cái tên đáng chú ý khác là ngôi sao điện ảnh Adèle Haenel, biểu tượng của phong trào MeToo tại Pháp. Những cái tên mới này đều được xem như biểu tượng của tinh thần đa dạng và bình đẳng mà Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ, viết tắt là AMPAS, đang hướng tới.

Nữ diễn viên Halle Berry.

Phong trào “Black Lives Matter”, có nghĩa là “Mạng sống của người da màu cũng có ý nghĩa” nhằm đòi lại công bằng cho công dân Mỹ gốc Phi George Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến chết hồi tháng 5 vừa qua, đã tạo ra những thay đổi lớn về nhận thức không chỉ trong công chúng, giới chính trị gia mà cả những người làm điện ảnh.

Với những ai yêu điện ảnh, chắc hẳn không ai quên lễ trao giải Oscars năm 2002 khi Halle Berry trở thành nữ diễn viên da màu đầu tiên được xướng tên ở hạng mục “Nữ chính xuất sắc nhất”. Nữ diễn viên đã có bài phát biểu đầy xúc động thay mặt cho tất cả những nghệ sĩ da màu: “Khoảnh khắc này thật sự rất ý nghĩa, không chỉ đối với cá nhân tôi. Đây chính là thời điểm ý nghĩa nhất cho những người phụ nữ da màu trong ngành công nghiệp điện ảnh này, khi mà sau đêm nay, cánh cửa cơ hội đã mở ra, cho tất cả mọi người.”

Trong suốt một thập niên qua, AMPAS luôn phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng vì quá ưu tiên cho người da trắng và cho nam giới từ cơ cấu đến quy chế chấm giải. Tại lễ trao giải Oscars năm 1990, khi công bố hạng mục hình ảnh xuất sắc nhất, nữ diễn viên Kim Basinger đã lần đầu tiên chỉ ra thực tế đáng buồn này khi nhắc tới bộ phim “Hãy làm điều đúng đắn” về phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát của đạo diễn da màu Spike Lee:“Chúng ta có 5 đề cử và đây đều là những bộ phim tuyệt vời. Song thật đáng tiếc khi mọt bộ phim không được đưa vào đề cử dù nó rất xứng đáng và nguyên nhân là do nó dám nói lên sự thật. Đó là bộ phim “Hãy làm điều đúng đắn”.

Đạo diễn Spike Lee.

10 năm sau phát biểu của Kim Basinger, đạo diễn da màu Spike Lee hồi đầu năm nay đã trở thành người gốc Phi đầu tiên được bầu làm Chủ tịch Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes, một trong những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh bên cạnh giải Oscars. Có một thực tế rằng tại Hollywood, việc một nữ diễn viên da màu như Halle Berry nhận được những vai chính trong các bộ phim kinh phí lớn hay một đạo diện da màu như Spike Lee được tôn vinh là điều không tưởng. Song tượng Vàng Oscar và sự công nhận của giới chuyên môn đã thay đổi vị trí, tư cách, diện mạo cho những nghệ sĩ da màu./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận