Nhà thơ Vương Cường: Tạo sự khác biệt bằng cách làm mới mình

Nhà thơ Vương Cường là cây bút xứ Nghệ sắc sảo. Ông cho rằng, con đường thơ rất gian nan, vất vả; nhà thơ phải tạo ra sự khác biệt bằng cách luôn làm mới mình.

 

Nhà thơ Vương Cường có thể chia sẻ về con đường thơ của mình?

Tôi day dứt, trăn trở cả đời với thơ. Tôi làm thơ từ năm 13 tuổi. Làm thơ theo cảm tính, bản năng đến cả chục năm trời. Nói là cảm tính, bản năng vì thấy có thơ lục bát hay thơ bảy chữ là mình cứ thế viết theo. Cứ say mê viết mà chưa biết gì về những đòi hỏi cao siêu của thơ. Tôi có 4 tập thơ đã in. Khi anh Nguyễn Trọng Tạo còn sống thường nói với tôi, tập thơ đầu tay “Bài hát đi tìm một người” (năm 1997) chỉ là cái đuôi theo sau các nhà thơ chống Mỹ. Tập “Đám mây hình thiếu phụ” (năm 2010) đã bắt đầu tách ra khỏi đám đông nhưng chưa thật khác biệt. Đến tập “Canh chừng lãng quên” và “Thơ chọn” thì đã có sự khác biệt. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cũng rất khen những bài thơ viết ở thời hậu chiến của tôi như: “Cõng bạn đi chơi”, “Thăm đồng đội cũ”…

Con đường thơ tôi vừa đi, vừa viết vừa tự nhận thức để tìm ra mình. Đó cũng là con đường biến chuyển của thi pháp, con đường chuyển thơ từ ý thức sang thơ vô thức.

 Ông đã làm gì để tự đổi mới mình?

Muốn trở thành nhà thơ, thơ phải khác biệt. Nhưng phải mất cả chục năm tôi mới thay đổi được mình. Tôi đã từng loay hoay đổi mới thơ, nhưng thật ra là cải tiến. Ví dụ để làm mới thơ lục bát, tôi thường viết phá cách, phá thể. Nhưng rồi tôi nhận ra dù thay đổi hay cải tiến thế nào thì lục bát vẫn là lục bát. Khổ nỗi viết thơ lục bát thường được khen hay.

 Tôi nhận ra rằng dù cải tiến thế nào nếu thi pháp không thay đổi thì cũng bằng không. Từ đó tôi suy nghĩ và thay đổi thi pháp. Tôi xa lánh hoàn toàn thơ mang tính công thức. Cha ông ta đã vượt qua thơ Đường - loại thơ công thức khắt khe nhất - để có thơ mới theo hướng hiện đại. Phần mình phải vượt qua lục bát để tiến tới hiện đại, phù hợp với xu thế mới của lịch sử. Bài thơ lục bát cuối cùng tôi viết năm 1989.

30 năm “cai” lục bát, nhưng thơ sẽ đi về đâu? Tôi nhận ra đích đến là “thơ lấy nhạc làm nền, lấy vần làm trọng” gọi tắt là “thơ nhạc điệu trọng vần”. Loại thơ này đảm bảo các yêu cầu vừa hiện đại vừa dân tộc, tạo ra sự khác biệt, không ai giống ai và đáp ứng người đọc nhờ vần điệu của nó. Thật ra loại thơ này đã có từ thời thơ mới. Có từ khi Đoàn Phú Tứ viết “Màu thời gian” hay Thâm Tâm viết “Tống biệt hành”, sau này Hữu Loan viết “Hoa lúa”, Hoàng Cầm viết “Bên kia sông Đuống”…

Nhà thơ Vương Cường cho rằng, thơ phải là sự khác biệt.Sau thi pháp, tôi chú ý ngôn ngữ. Tôi nhận ra ngôn ngữ thơ nhúng chìm trong cảm xúc, không chỉ tạo ra sự ám ảnh cho người đọc mà còn tạo ra ngôn ngữ mới. Sự mò mẫm của tôi được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khuyến khích, tôi càng tin mình đúng. Khi tôi viết bài “Hy vọng”, anh Tạo khen rằng Vương Cường đã đổi giọng. Khi tôi viết câu thơ: “Anh nghẹn bát cơm nếp nương thơm nỗi niềm khói xới” anh Tạo khen: “Có chữ mới: khói xới”. Cứ thế thơ tôi tạo ra sự khác biệt. Thơ dày hơn tạo sự ám ảnh hơn. Có thể mỗi người mỗi cách nhưng nếu không thay đổi từ gốc, tức là thi pháp thì thơ vẫn cũ. Thơ chưa khác biệt thì khó nhận ra người thơ. Trong hàng ngàn con linh dương mùa di cư, những con linh dương con nếu bị lạc, mẹ và con có cái mùi riêng để nhận và tìm ra nhau. Thơ rất cần cái “mùi” như thế để bạn đọc nhận ra mình.

Những nhà thơ xứ Nghệ thành danh như Nguyễn Trọng Tạo, Thạch Quỳ, Vương Trọng, Nguyễn Bùi Vợi, Võ Thanh An... có nhiều bài thơ hay về quê hương. Nhà thơ Vương Cường đã dành tình cảm với quê trên trang viết như thế nào?

 Xứ Nghệ là vùng đất địa linh, nhân kiệt với núi cao, sông sâu, đất cằn, sỏi đá đã hun đúc tình người ở đây thành đặc biệt nên các nhà thơ đều hướng tới. Các nhà thơ ngoài tỉnh xưa như Đào Tấn, thời sau như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Trần Mạnh Hảo... đều để lại dấu ấn khi viết về mảnh đất này.

Các nhà thơ có thể viết đích danh xứ Nghệ như Trần Mạnh Hảo viết “Sông Lam”, Thạch Quỳ viết “Đất Đô Lương”... Cũng có nhà thơ có thể viết không liên quan đến địa danh xứ Nghệ nhưng cốt cách, tinh thần, hồn vía lại rất Nghệ. Tôi cũng như nhiều nhà thơ khác đã dành tình cảm với quê mình bằng những bài thơ hướng về quê cụ thể như “Về làng”, “Những con ma làng”... Bao trùm lên tất cả những câu thơ, bài thơ, tập thơ của tôi là tính cách, tinh thần xứ Nghệ thể hiện trên từng trang viết.

Trong tập thơ “Bài hát đi tìm một người” có những bài thơ lục bát. Dư luận bạn đọc nhiều người khen hay vì sự chắt lọc, tinh tế, triết lý nhưng cũng bay bổng giàu thi ảnh. Tứ thơ lạ, độc đáo, ấn tượng về đề tài tình yêu. Nhưng ở ba tập thơ tiếp theo “Đám may hình thiếu phụ”; “Canh chừng lãng quên”; “Thơ chọn” in chung với nhà thơ Đoàn Xuân Hòa, bạn đọc không còn thấy ông viết một bài lục bát nào nữa?

Tôi không chỉ là nhà thơ mà tôi còn nghiên cứu lý luận. Đã là người nghiên cứu, tôi phải phát hiện và luận chứng cái mới, thậm chí cái mới có tính mở đường. Việc nghiên cứu này rất công phu, mất nhiều năm, ở đây tôi chỉ nói vài ý chính thôi.

 Đến năm 1989, tôi vẫn còn viết thơ lục bát. Nghĩa là tôi chưa ra khỏi loại thơ vần điệu thịnh hành thời kháng chiến trở về trước. Nếu nói thẳng thắn sau thơ mới, thơ Việt Nam không có những bước tiến dài về thi pháp riêng biệt. Lịch sử sau thơ mới, nhân dân ta tập trung vào cuộc chiến sinh tử giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Từ một nước nô lệ hơn 90% mù chữ, nghèo nàn, lạc hậu đương đầu với những đế quốc giàu mạnh nhất thế giới. Văn nghệ nói chung, thơ nói riêng tham gia cuộc chiến theo cách của mình. Động viên, cổ vũ, tuyên truyền toàn dân đoàn kết đánh giặc. Trong hoàn cảnh đó “thơ vần điệu trong luật”, nhất là thơ lục bát, như một vũ khí không thể thay thế. Môi trường ấy, thơ lục bát phát triển sum suê, thậm chí cả vè. Chúng ta không có cơ hội hay phút dừng chân để các nhà nghiên cứu, các nhà thơ nghĩ về thi pháp. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi năm 1947 ở chiến khu Việt Bắc đã đưa ra quan niệm “thơ không vần”, nhưng thực tế cuộc kháng chiến không chấp nhận. Ý tưởng đó chết ngay khi chưa kịp ra đời.

Thời của kinh tế thị trường ngay một doanh nghiệp muốn tồn tại phải tạo ra sản phẩm khác biệt và được thị trường chấp nhận. Trên thế giới này không có hai cái lá, hai con người hay hai sự vật, hiện tượng giống nhau. Thơ của anh hay của tôi dứt khoát phải khác nhau. Muốn thế từ thi pháp phải khác nhau. Từng bài thơ có thi pháp riêng. Nếu anh và tôi cùng viết thơ lục bát thì chúng ta đã giống nhau một phần rồi. Phần đó chính là phần công thức chung của bài thơ. Chúng ta cùng làm thơ lục bát khác gì đang phổ lời cho bản nhạc dân gian. Tôi chưa nói sự cứng nhắc, thiếu uyển chuyển mờ ảo như thơ đã chống lại mọi cố gắng diễn đạt của nhà thơ. Tôi cũng như các nhà thơ khác, nhận ra thơ lục bát dễ viết mà khó hay. Nghĩa là chưa nhận thức bằng lý luận khoa học.

Giờ thì qua mấy chục năm, tôi đã luận chứng để thấy rằng thơ phải là sự riêng biệt. Tôi quan niệm thơ đòi hỏi cảm xúc đến độ tìm thấy ngôn ngữ để diễn đạt. Phải có những tưởng tượng phi thường để có những câu thơ phi thường. Từ câu thơ phi thường tạo ra hàng trăm tưởng tượng phi thường khác. Thơ không bao giờ tự đủ, luôn luôn hoài nghi, tự hoài nghi, luôn luôn có sự kế thừa. Nó bình thường, nhưng bình thường sau khi đã qua cái cao siêu. Nó khiêm nhường, khiêm nhường sau khi đã tự biết mình. Nó thanh thản, ung dung, thanh thản, ung dung sau khi đã từng trải. Nó là tình cảm, nhưng tình cảm hướng đến trái tim rộng mở.

Thơ chỉ cho phép đi một mình, không đi tập thể. Vậy thì không chỉ nội dung độc đáo mà cả hình thức cũng độc đáo tương ứng để tạo ra sự khác biệt - một yêu cầu khắt khe của thơ. Vấn đề của thơ, vẫn là sự giải thoát khỏi những áp đặt chủ quan, bên ngoài của con người vào thơ. Vô tình, những cảm xúc của nhà thơ đổ vào các khuôn có sẵn làm mất đi nhiều tính tự nhiên, từ đó gây sự giản đơn, nhàm chán. Thơ phải chuyển từ thơ nặng về ý thức sang thơ vô thức. Bài thơ là một giấc mơ, sự hồi sinh mà những câu thơ giăng mắc ở đâu đó, lãng đãng ở đâu đó trong trải nghiệm cuộc đời hằn vết trong tâm khảm nhà thơ thoắt vụt hiện hình. Nó phủ dụ người đọc bằng ngôn ngữ thơ giàu âm thanh, màu sắc và hình ảnh trong ngôn ngữ thấm đầy nhạc điệu, sau mới là vần. Vần cũng huyền diệu và bất ngờ.

Với thi pháp này, nhất thiết nhà thơ phải sống và trải nghiệm nhiều hơn, lưu lại những thi ảnh trong hồn và thơ có thể chuyển tải mọi nội dung dù phong phú đến đâu… Thời của kinh tế thị trường toàn cầu hóa làm cơ sở và cho phép các nhà thơ chuyển hóa… Như vậy bạn có thể hiểu vì sao từ năm 1989 đến nay tôi không viết thơ lục bát.../.

 

Cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện!

                                                                                Vân Khánh thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận