Mặc dù hoạt động buôn bán, trao đổi các tác phẩm mỹ thuật diễn ra trong nhiều năm qua chủ yếu thông qua các nhà sưu tập, các gallery, nhưng thực chất ở nước ta chưa có một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa. Các hoạt động thương mại về mỹ thuật còn đơn lẻ, manh mún, chưa thấy vai trò của nhà nước hay các tổ chức xã hội, thiếu những chính sách khuyến khích phát triển và bảo vệ của pháp luật. Việc định giá giá trị của các tác phẩm nghệ thuật hầu như chưa có sự tham gia của các chuyên gia hay đơn vị uy tín như Bảo tàng Mỹ thuật. Sự sáng tạo của họa sĩ luôn thường trực với nỗi lo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... cạnh tranh.
Để xây dựng thị trường mỹ thuật minh bạch, uy tín cần quan tâm đến việc đẩy lùi nạn tranh giả, tranh chép, công khai giá tranh trên thị trường, thúc đẩy sự sáng tạo, nhất là của các họa sĩ trẻ. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến công tác giám định, phục chế tranh như những điều kiện cần để có một thị trường chuyên nghiệp.
Cùng tìm hiểu câu chuyện “Thị trường mỹ thuật Việt: Con đường minh bạch đã lộ sáng?”
Kỳ 1: Giám định mỹ thuật cần hội đủ "Tâm - tài"
Cuối năm 2018, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thành lập Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Đây là mắt xích thiết yếu khi hình thành thị trường mỹ thuật theo hướng chuyên nghiệp. Việc thành lập Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh là một thông tin đáng mừng khi nạn tranh giả đang công khai, thậm chí rất phức tạp trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến uy tín của nền mỹ thuật nước nhà. Tuy nhiên, giám định tác phẩm mỹ thuật và cuộc phân định tranh giả-tranh thật liệu có tạo nên niềm tin cho những người yêu nghệ thuật.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn- Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam là người được đề cử vai trò chủ tịch Hội đồng giám định Đồ họa, Hội họa của Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm). Không chỉ đối với ông mà còn với các thành viên hội đồng thì đây là một áp lực rất lớn nhưng không thể có lựa chọn nào khác. "Tất cả những người có trách nhiệm với xu thế phát triển của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam và đặc biệt chúng tôi lại đang làm công việc quản lý của Hội Mỹ thuật Việt Nam nên không thể từ chối trách nhiệm mà cả giới đang trông cậy", ông Đoàn khẳng định.
Nhà phê bình mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế là người được mời tham gia Hội đồng chuyên môn giám định mỹ thuật. Ban đầu, anh có nhiều do dự bởi lẽ dữ liệu của anh về các họa sĩ và tác phẩm hội họa chưa đầy đủ, chưa có nhiều cơ sở chính xác. Công việc giám định nếu không có dữ liệu thì phần nhiều phải dựa vào linh cảm.
Nhà phê bình mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế chia sẻ: "Thực sự tôi rất ái ngại, vò đấu bứt tai đấy! Nhưng bây giờ tôi tự đặt cho mình một trách nhiệm. Nếu ngày xưa khi đi xem tranh, tôi không bao giờ hỏi chữ ký như thế nào, nhưng bây giờ tôi đặt giả định sẽ làm việc đó trong 10-20 năm nữa. Vậy khi thành lập quy ước thì tôi yêu cầu là chữ ký phải đưa vào từ chìa khóa của văn bản. Bởi vì có người ký bằng tên, bằng bút danh, biểu tượng, có người ký cả tên cả biểu tượng".
Nhà sưu tập Cao Hữu Linh ở Nghệ An, người từng bị mua phải tranh giả hồi năm 2017 thì lại kỳ vọng một đơn vị thẩm định hoạt động như một công ty bảo hiểm, trong trường hợp xảy ra sai sót sẽ đứng ra chịu trách nhiệm. Theo đó, công tác thẩm định nên được xã hội hóa, hoạt động độc lập như một công ty, có thu nhập, có cam kết, thu phí một cách xứng đáng và chịu trách nhiệm cuối cùng chứ không đơn thuần là của hiệp hội này, hiệp hội kia, không mang tính nhà nước. Anh nhấn mạnh: "Thẩm định, giám định mỹ thuật nếu mang tính nhà nước thì không ai chịu trách nhiệm cuối cùng cho việc đó cả".
Trách nhiệm nặng nề là vậy, thế nhưng hơn 1 năm đảm nhận vai trò "trọng tài", Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh vẫn "vắng vẻ" bởi người ngay thì không cần, kẻ gian lại chẳng dại gì tìm đến.
Nhu cầu giám định là có thật nhưng từ khi thành lập đến nay là hơn 1 năm, số người tìm đến Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh lại chỉ “lác đác”.
Trong khi đó, theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thì tâm lý của các nhà sưu tập, một khi đem tranh đi giám định đều mong muốn nhận được kết luận tranh của họ là tranh thật: "Điều đó cũng nói lên một thực tế là hiện nay các nhà sưu tập của chúng ta chưa tinh, nói nôm na là họ dễ bị mắc lừa. Chơi tranh là đặc thù, đòi hỏi người chơi, người sưu tầm có một trình độ thẩm định nhất định. Riêng sưu tầm nghệ thuật là cả vấn đề chứ không phải có tiền là sưu tầm được tác phẩm tốt đâu"- ông Thành nói.
Tuy nhiên, nhà sưu tập Lê Hải Phong ở Hà Nội lại khẳng định: người chơi tranh hay các gallerry nghệ thuật rất cần giám định để nâng giá trị tác phẩm, tự tin công bố sở hữu của mình với người khác. Hiện tại, anh không dám công khai rộng rãi hình ảnh các bức tranh mình đang sở hữu vì sợ bị chép lại.
Theo nhà sưu tập Lê Hải Phong, điều quan trọng là Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh cần phải đào tạo giám định viên pháp lý như một căn cứ để hoàn thiện hoạt động của mình. Bởi lẽ, mục đích cuối cùng của giám định tranh là bảo vệ giá trị tác phẩm, bảo vệ quyền lợi của người sở hữu và chứng nhận của Trung tâm phải có ý nghĩa khi xảy ra tranh chấp. Nếu không có giám định viên tư pháp thì khi cần đến sự vào cuộc của tòa án, kết quả giám định của Trung tâm sẽ không đủ giá trị.
Chưa nói đến công chúng yêu nghệ thuật, trong đó có các nhà sưu tập, giới họa sĩ cũng bày tỏ sự băn khoăn, hoài nghi và cho rằng việc giám định tranh giả- tranh thật là cực kỳ khó... Bởi lẽ, công việc giám định đòi hỏi những nhà phong cách học, nghiên cứu chuyên sâu, nhất là trong thực trạng nền mỹ thuật nước ta đang tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, với khối lượng tác phẩm đồ sộ nhưng chất lượng lại chưa đáng kể.
Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Trong tương lai, hoạt động giám định mỹ thuật phải được xã hội hóa, chứ không thể khuôn khổ trong phạm vi quản lý của cơ quan Nhà nước.
Ông Thái cũng thừa nhận: Truyền thống lưu trữ của chúng ta yếu. Vì thế mỗi người phải tự cứu lấy mình bằng cách tự xây dựng hồ sơ nghệ sĩ của mình. "Ít nhất phải lưu trữ từ ngày hôm nay, bắt đầu từ các nghệ sĩ đương đại, để sau này đừng cãi vã nữa là "pháp luật không bảo vệ ý tưởng. Phải bảo vệ bản quyền, bảo vệ ý tưởng thể hiện trên một vật liệu nhất định, vật chứa nhất định. Đồng thời chúng ta cũng phải khuyến khích các tổ chức cá nhân, đặt điều kiện để những tổ chức, cá nhân nào có điều kiện là làm thôi chứ Nhà nước chắc không đứng mãi mà làm việc này được"-ông nói.
Công tác giám định mỹ thuật đang trong tình trạng “phải đi mới thành đường” vì ba không: không có cơ sở lưu trữ, dữ liệu khoa học, không có giám định viên, không có đủ điều luật.
Ở các nước tiên tiến, trung tâm giám định là do cá nhân, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp thành lập. Ví dụ ở Hàn Quốc có 15 hội đồng giám định, đều của các tổ chức phi chính phủ. Còn ở nước ta lại là do một đơn vị quản lý nhà nước đứng ra đảm nhận công việc này. Trở lại với câu chuyện của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, khi đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng giám định hội họa, đồ họa, có thể ông không nghĩ mình là một Đông-Ki-Sốt nhưng đó lại là trách nhiệm, không thể có lựa chọn nào khác với xu thế phát triển của nền mỹ thuật nước nhà.
Muốn xây dựng thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp và minh bạch cần nhiều trung tâm giám định hơn nữa do doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ thành lập. Bên cạnh đó, công tác phục chế tác phẩm mỹ thuật cũng cần có một quy trình bài bản, khoa học để nối dài sức sống cho mỗi tác phẩm điêu khắc, hội họa và cũng là cách giữ gìn những giá trị tinh thần cho đời sau./.
Theo VOV.VN