'Huyền thoại gò Rồng ấp' - Vở kịch tôn vinh lịch sử hào hùng của dân tộc

Vở kịch "Huyền thoại gò Rồng ấp" về sự ra đời của Lý Công Uẩn do sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng đã được công diễn vào ngày 22/7 tại Hà Nội.

 

Tối 22/7, tại Hà Nội, sân khấu Lệ Ngọc đã tổng duyệt và công diễn vở kịch "Huyền thoại gò Rồng ấp" về sự ra đời của Lý Công Uẩn - vị Hoàng đế khai quốc của triều Lý. Dựa trên kịch bản của PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, "Huyền thoại gò Rồng ấp" là câu chuyện phóng tác những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn – vị Hoàng đế khai quốc của triều Lý.

Đến dự buổi công diễn có: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; Bà Lê Thị Thuỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam; Ông Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương; Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; và NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

 

Chuyện kịch kể về một người con gái ở xóm Long Châu, thuộc hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, tên là Phạm Thị Ngà, vốn là người giúp việc ở chùa Tiêu – nơi sư Vạn Hạnh trụ trì. Thị Ngà mồ côi cha mẹ, được hai anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn thương tình đem phần mộ hai ông bà đến táng ở gò Rồng ấp, nơi được tương truyền là có huyệt đất thiêng. Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ - Nường, một lễ hội dân gian đậm tính phồn thực của người Việt cổ. Vô tình lúc ấy, sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng đất trời giao hòa, âm dương giao cảm, nên khi trở về Thị Ngà thấy trong mình khác lạ, biết là đã mang thai. 

Thiền sư Thiền Ông là sư phụ của Vạn Hạnh vốn có tài thông thiên nên đã viết một bài kệ tiên tri có ngụ ý rằng: “Tháng mười năm kỷ dậu, tức là ba mươi sáu năm sau đó, một triều đại lẫy lừng sẽ hiển hiện, nối quốc thống vững bền, đó chính là triều Lý. Gò Rồng Ấp, chính là nơi phát mệnh đế vương, hiện có mả táng của gia tiên họ Phạm. Con cháu nhà ấy ắt làm nên nghiệp lớn…” điềm báo ấy ứng vào bào thai đang lớn dần trong cơ thể Thị Ngà. 

Ở hương Diên Uẩn có một phú hộ tên là Hồng Kỳ vô tình biết chuyện. Cũng bởi lòng tham cuồng vô độ mà hắn đã bốc mả cha mình rồi đem táng ở gò Rồng ấp với hy vọng con cháu sau này sẽ làm nên nghiệp đế. Hắn lại biết Thị Ngà đang mang thai thiên tử nên đã bầy đặt những âm mưu thâm độc để hãm hại Thị Ngà. Có lẽ cũng bởi sự gia hộ của đất trời mà Thị Ngà đã vượt qua hết kiếp nạn, để rồi đến kỳ sinh nở, gắng gượng sức tàn cô lê lết đến được cổng chùa Cổ Pháp – nơi sư Khánh Văn trụ trì. Sức cùng, lực kiệt không thể sinh nở, Thị Ngà đã dùng mảnh sành tự rạch bụng để con trẻ được chào đời. Tiếng trẻ khóc oe oe cũng là lúc mẹ nó lìa xa cõi thế. 

“Huyền thoại gò Rồng ấp” mô phỏng xã hội Việt Nam thời kỳ đầu xuất hiện các triều đại phong kiến tập quyền độc lập.

Không gian của vở diễn được xác định là nền văn minh châu thổ Sông Hồng với những phong tục tập quán đặc sắc của người Việt cổ, cùng tín ngưỡng phồn thực bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo dân tộc. Thông điệp vở diễn gửi đến khán giả là một lần nữa khẳng định: Cõi đất, khoảng trời nước Nam là nơi địa linh, nhân kiệt, nơi hội tụ tinh anh và linh khí nghìn đời để hun đúc và sản sinh ra những vĩ nhân mang thiên mệnh làm rạng danh cho giống nòi, tiên tổ.

Sau “Chuyện tình Khau Vai”, “Thầy Ba Đợi”, “Hừng Đông”,... “Huyền thoại gò Rồng ấp” lại thêm khẳng định thế mạnh và tâm huyết của tác giả Nguyễn Thế Kỷ về các đề tài tôn vinh lịch sử, văn hoá dân tộc./.

Vũ Toàn-Hạnh Lê/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận