10 năm sau, chị mới in tập thơ thứ hai“Dưới vòm hoa đại khải”. Đầu năm 2025, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng Tác giả trẻ cho Hương Ly với tập thơ mới này. Chị đã chia sẻ với phóng viên TNVN về hành trình sáng tác thơ ca.
Qua 10 năm sáng tác, trang thơ của chị giờ đây có tính chiêm nghiệm hơn?
Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, tôi háo hức cho ra mắt tập thơ đầu tay “Đi qua tôi thật chậm” ghi lại dấu mốc đầu tiên trong hành trình sáng tác của mình. Khi đó, tôi ra mắt tập thơ không một chút đắn đo nào cả, chỉ nghĩ đơn giản rằng mình cần có một cuốn sách để lưu dấu cho những ngày đầu chập chững, say mê với tình yêu chữ. Từ đó đến nay, tôi vẫn âm thầm viết dù không nhiều. Tôi im ắng để suy ngẫm, lắng nghe và cảm nhận sâu sắc hơn về mọi thứ xung quanh cũng như những thay đổi trong chính mình, từ đó chắt lọc cảm xúc thành thơ.
Sau tập thơ đầu tay, chị trở lại với giải Nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2021-2022 và mới đây là giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Cùng với giải thưởng, chị được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Những điều này để lại cho chị nhiều cảm xúc?
Tôi cảm ơn thơ đã mang đến cho tôi những món quà tinh thần giá trị và vô cùng ý nghĩa. Đó là sự ghi nhận của đơn vị, tổ chức nghề nghiệp cao quý của văn chương nước nhà dành cho tác phẩm của tôi. “Món quà chữ” là dấu mốc son trong hành trình sáng tạo, đồng thời là nguồn động viên, nhắc nhở tôi về trách nhiệm của người cầm bút. Trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam là một niềm vinh dự lớn, cũng là một sự thôi thúc để tôi tiếp tục trau dồi bản thân, cống hiến cho văn chương những tác phẩm có giá trị, mang đậm hơi thở của cuộc sống.
Tập thơ “Dưới vòm hoa đại khải” có góc tiếp cận về hình ảnh người lính và chiến tranh rất xúc động. Đó là một hướng rẽ tự thân hay có sự thôi thúc nào đó?
Tôi từng chứng kiến cảnh bố tôi ngồi bó gối, mắt chăm chú theo dõi chương trình “Nhắn tìm đồng đội” trên tivi. Ông luôn đau đáu mong chờ tin tức về mộ phần của bác tôi, người lính đặc công hy sinh trong chiến trường miền Nam những năm 70. Gia đình tôi đắp cho bác một ngôi mộ gió dưới vòm cây đại khải, vào dịp mùng 3 tháng 3 hằng năm, cả nhà lại cùng nhau tảo mộ, bố tôi luôn là người “thì thầm” lâu nhất. Đó cũng là câu chuyện để tôi viết bài thơ “Dưới vòm hoa đại khải”. Tháng ba rừng núi rất xanh, nhìn những bông hoa đại khải màu vàng cam rụng xuống bãi cỏ mềm đã gợi cho tôi rất nhiều điều.
Hằng ngày, tôi được xem những thước phim về chiến tranh với nỗi ám ảnh khôn nguôi, từng được xem các video về cuộc sống của những cựu binh mang trên mình vết sẹo đạn bom, ngày vui vầy bên con cháu, nhưng đêm đến lại không chợp mắt nổi vì giấc mơ hành quân cùng đồng đội. Tất cả những câu chuyện, những chi tiết đó đã thúc giục tôi cầm bút. Tôi viết bằng sự thấm thía, tri ân và tưởng nhớ về bao thế hệ đã hy sinh cho hòa bình độc lập, viết cho cả những người lính hôm nay…

Với đề tài người lính, chị chọn cách tiếp cận ra sao?
Từ góc độ của một người trẻ về hậu chiến tranh, tôi đã lựa chọn một góc nhìn gần nhất đó là những câu chuyện, nhân vật mà tôi đọc từ lịch sử, được chứng kiến hoặc nghe kể, qua đó khắc họa sự hy sinh, sự khốc liệt của chiến tranh với những nỗi đau tận cùng mà thế hệ cha ông phải trải qua. Điều khiến tôi cảm thấy xúc động là khi tác phẩm được kết nối đan xen bởi trái tim, cảm xúc và tư duy trong mạch viết tôi được gặp gỡ nhân vật và cả chính mình, hòa lẫn cùng niềm vui nỗi buồn, trăn trở…
Mới đây, Phùng Thị Hương Ly xuất hiện trên sân khấu đêm thơ“Tổ quốc bay lên” trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam diễn ra tại Ninh Bình. Chị chia sẻ thêm về đêm thơ này?
Được tham gia đọc thơ tại chương trình Ngày thơ Việt Nam 2025 chủ đề “Tổ quốc bay lên” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Phạm Thị Trân tỉnh Ninh Bình là niềm vinh dự của tôi. Đó tiếp tục là một “món quà chữ” ý nghĩa dành cho tôi khi được đứng trên một sân khấu lớn, trước các đại biểu và công chúng yêu thơ để đọc tác phẩm của chính mình. Hòa chung dòng chảy cảm xúc về quê hương, đất nước, bài thơ “Bài ca của núi” là lời tự sự về tình người, tình núi, đan xen là bản sắc văn hóa của người Tày được gìn giữ, trường tồn cùng thời gian. Từ tình yêu bản làng, xứ sở, “Bài ca của núi” cũng là niềm rung cảm với một tình yêu lớn lao, đó là tình yêu Tổ quốc.
Cảm ơn chị và chúc chị giữ mãi tình yêu với thơ ca!
Võ Hà thực hiện