TP.HCM: Khát vọng trở thành trung tâm điện ảnh của Đông Nam Á

Gia nhập UCCN lĩnh vực điện ảnh giúp TP.HCM hiện thực hóa tầm nhìn, giúp nâng cao vai trò trung tâm dẫn dắt và kết nối VN với các làn sóng đổi mới của thế giới.

 

Đất lành với người làm điện ảnh

Năm 2017, sau khi hoàn thành bộ phim điện ảnh đầu tay “Dành cho tháng 6”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn quyết định “Nam tiến” vì muốn phát triển hơn nữa sự nghiệp làm phim của mình. “Thời điểm đó, điện ảnh miền Nam đang phát triển rất mạnh. Dòng vốn và nhân lực sản xuất từ đội ngũ Việt kiều trở về. Những tư liệu sản xuất, máy móc, bối cảnh, nguồn lực, con người,... đều tập trung cả ở TP.HCM. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng sau khi thực hiện xong một bộ phim, tôi nhận ra rằng, muốn phát triển sự nghiệp thì mình buộc phải Nam tiến”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn không phải trường hợp hiếm hoi. Nhiều năm qua, những nhà làm phim, những người muốn tìm kiếm cơ hội phát triển trong lĩnh vực sản xuất phim từ mọi miền Tổ quốc tụ hội về TP.HCM để tham gia thị trường điện ảnh nơi đây. TP.HCM được xem là trung tâm sản xuất phim lớn nhất cả nước. Theo thống kê của Sở VH&TT TP.HCM, hiện nay thành phố có 935 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và sản xuất phim với hơn 100 nhà sản xuất hoạt động thường xuyên. Nhân lực là 9.294, tạo ra doanh thu 500 triệu USD năm 2024 (chiếm khoảng 40% thị trường điện ảnh của Việt Nam), đóng góp 0,43% GRDP. Thành phố có 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp, 295 phòng chiếu và 184 không gian sáng tạo là nơi thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp.

Với dân số hơn 10 triệu người, TP.HCM sở hữu thị trường rộng lớn, người dân yêu thích và sẵn sàng bỏ tiền cho các hoạt động văn hóa giải trí. Tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, TP.HCM xác định lĩnh vực điện ảnh sẽ hiện thực hóa tầm nhìn, giúp nâng cao vai trò trung tâm dẫn dắt và kết nối Việt Nam với các làn sóng đổi mới của thế giới.

Bên cạnh đó, những thiết chế văn hóa tiêu biểu của thành phố như Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà Văn hóa Phụ nữ, Nhà Văn hóa Sinh viên, Nhà văn hóa Thiếu nhi, các câu lạc bộ điện ảnh,… đã góp phần thúc đẩy hoạt động điện ảnh, giáo dục, phát triển văn hóa. Cùng với đó thành phố thực hiện trên 500 suất chiếu/năm, chiếu phim miễn phí hoặc chi phí thấp tại các huyện ngoại thành, các cơ sở văn hóa cho công nhân, góp phần quan trọng trong việc đưa điện ảnh và nghệ thuật đến gần hơn với vùng nông thôn và người lao động.

“Một thành phố chiếm tới 40% thị trường điện ảnh trong nước cho thấy điều gì? Một mặt, nó chứng minh tính hội tụ của và áp đảo của thị trường điện ảnh TP.HCM so với cả nước, nhưng mặt khác cũng cho thấy quy mô thị trường điện ảnh Việt Nam chưa lớn và còn nhiều tiềm năng phát triển”, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận xét.

Hướng đi của thành phố xin gia nhập UCCN lĩnh vực điện ảnh là chuẩn xác.Lập hồ sơ xin gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO

3 tháng qua, Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM - dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM - đã từng bước lập hồ sơ xin gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) lĩnh vực điện ảnh. Mới đây, UBND thành phố đã tổ chức tọa đàm tham vấn quốc tế góp ý hồ sơ của TP.HCM. Tọa đàm quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế như lãnh sự quán Hungary, Indonesia, Belarus, Trung Quốc, Liên bang Nga;…Cục Hợp tác quốc tế, Cục Điện ảnh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VH-TT&DL); đại diện Hà Nội, Đà Lạt, Hội An - 3 thành phố đã tham gia UCCN và các hội văn học nghệ thuật, chuyên gia, nhà làm phim,... để tham vấn ý kiến.

NSND Nguyễn Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM nhận định, việc gia nhập UCCN lĩnh vực điện ảnh sẽ giúp TP.HCM tạo cầu nối giữa điện ảnh Việt và quốc tế; triển khai các sáng kiến sáng tạo như: tổ chức các dự án, sự kiện, đào tạo và trao đổi chuyên gia nhằm nâng cao năng lực sáng tạo điện ảnh, từ đó cải thiện đời sống và khẳng định vị thế quốc tế của TP.HCM; Định hình văn hóa sáng tạo cho thành phố, sử dụng nghệ thuật điện ảnh thông minh để kể câu chuyện địa phương, thúc đẩy sự đổi mới, lan tỏa giá trị văn hóa và tạo động lực cho phát triển bền vững.

Mặc dù vậy để trở thành thành viên UCCN lĩnh vực điện ảnh, TP.HCM vẫn còn một chặng đường dài cần phải đi. Hiện thành phố vẫn có một số khó khăn như: Kinh tế phát triển chưa bền vững, các vấn đề đô thị và thị trường ảnh hưởng đến đời sống người dân; Chất lượng cuộc sống đa dạng dẫn đến thị hiếu thẩm mỹ và khả năng hưởng thụ văn hóa khác nhau, chưa được đáp ứng đầy đủ; Nhu cầu sáng tác rất phong phú nhưng không gian sáng tạo còn hạn chế; Hợp tác công tư còn hạn chế...

Từ kinh nghiệm của Busan, thành phố điện ảnh hàng đầu châu Á dù có thời gian phát triển chỉ khoảng 30 năm, các chuyên gia cho rằng, TP.HCM nên trở thành trung tâm điện ảnh của cả khu vực Đông Nam Á thông qua việc trở thành thành viên UCCN lĩnh vực điện ảnh đầu tiên của khu vực, quy tụ nhân lực điện ảnh của cả khu vực về TP.HCM thông qua các ưu đãi về cơ chế và tài chính để tăng cường trao đổi chuyên môn...

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần xây dựng những không gian sáng tạo văn hoá, các công viên giải trí mang tính biểu tượng kết nối với thế giới, mở rộng lĩnh vực giải trí, IP và trải nghiệm kỹ thuật số góp phần kiến tạo những không gian nghệ thuật, công nghệ và thương mại./.

“Điện ảnh được xác định là thành tố quan trọng dẫn dắt nền công nghiệp văn hóa nội địa. Muốn vậy, thị trường và quy mô điện ảnh cần mở rộng hơn nữa thông qua hợp tác giao lưu quốc tế. Hướng đi của thành phố xin gia nhập UCCN lĩnh vực điện ảnh là chuẩn xác”. Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận