Ra giêng, mùa du xuân đầu năm, mùa của những lễ hội văn hoá, tâm linh, cũng là dịp để người Việt tri ân, tưởng nhớ tổ tiên, thể hiện truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn và trải nghiệm những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Truyền thống tốt đẹp
Đầu xuân mới Ất Tỵ 2025, sáng 5/2, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã đến dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Tiếp đó, sáng 6/2 (mùng 9 tháng Giêng), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường đã chủ trì Lễ dâng hương khai Xuân Ất Tỵ 2025 tại Điện Kính Thiên - Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Lễ dâng hương được thực hiện trang trọng để cầu cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình, thể hiện lòng thành kính, biết ơn các bậc vua sáng, tôi hiền đã có công khai mở nền văn hiến Thăng Long, khai sáng văn minh Đại Việt, lưu truyền đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.

Những ngày đầu xuân, cùng với các hoạt động dâng hương tổ tiên, thể hiện đạo lý tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người dân cả nước cũng bước vào mùa lễ hội, nhất là ở các tỉnh thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ… với nhiều loại hình lễ hội phong phú từ lễ hội văn hóa lịch sử, lễ hội tôn giáo - tâm linh, lễ hội dân gian… Một mùa lễ hội văn minh, an toàn luôn là điều mà những người làm văn hóa muốn hướng đến như một cách tốt nhất để bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của người dân.
Hội Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) năm nay diễn ra trong hai ngày 9 và 10/2 (tức ngày 12 và 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Bên cạnh các điểm hát quan họ tại trung tâm đồi Lim và hồ Vân Tương, ban tổ chức còn bố trí khu vực trò chơi dân gian: Đu tiên, vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, đập niêu; tổ chức các hoạt động văn hóa ẩm thực, vui chơi giải trí… và đặc biệt là sự kiện bắn pháo hoa tầm thấp vào tối 9/2.
Tại lễ hội Khai ấn Đền Trần (Nam Định), chút mưa phùn sau giờ khai ấn không làm khó người dân ở lại xuyên đêm trong đền như năm trước. “Vất vả nhưng vui, lại thể hiện được lòng thành mong muốn sớm nhận được ấn lộc đầu Xuân”, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.
Quang cảnh được ghi nhận từ sau 4h sáng ngày 12/2 tại Đền Trần là những hàng người nối dài phía trước các điểm phát ấn lộc. Việc chuyển phát ấn từ trong đêm sang sáng ngày rằm và tiếp tục trong những ngày tiếp theo đã trở nên quen thuộc vài năm gần đây. Không còn cảnh chen lấn, xô đẩy, du khách xếp hàng văn minh, trật tự chờ tới lượt.

“Năm nay, công tác tuyên truyền về ý nghĩa của di tích, lễ hội, về thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, về việc phòng ngừa trộm cắp và các tệ nạn tiêu cực được tăng cường. Về với Đền Trần, du khách không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu may, cầu phúc mà còn được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc, các tài liệu, hiện vật thời Trần, tư liệu quý về 14 vị vua Trần và các tướng lĩnh nhà Trần…”, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL Khu Di tích Lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp, cho biết.
Mới mẻ, văn minh
Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (Tối 2/2, tức mùng 5 tháng Giêng) có nhiều đổi mới bằng việc dàn dựng sân khấu quy mô, ứng dụng công nghệ hiện đại, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Chương trình nghệ thuật bán thực cảnh với chủ đề “Đống Đa - Sử vàng lưu danh, tương lai vững bước” tôn vinh công đức vua Quang Trung kết hợp các màn biểu diễn với công nghệ 3D mapping mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử chạm đến mọi giác quan của người xem.
Trong các lễ hội xuân ở Hà Nội, lễ hội Chùa Hương có thời gian dài nhất và thu hút đông người tham gia nhất. Lễ hội Chùa Hương năm nay có nhiều đổi mới. Ban tổ chức đã tích hợp vé tham quan thắng cảnh và vé xuồng đò, tạo sự tiện lợi và minh bạch trong dịch vụ. Trong thời gian diễn ra lễ hội, huyện Mỹ Đức tổ chức “Tuần lễ văn hóa - du lịch” từ ngày 11 - 18/3; tổ chức hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương và các huyện lân cận; trình diễn hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các địa phương trên địa bàn huyện như: Rối cạn Tế Tiêu - thị trấn Đại Nghĩa, cồng chiêng người Mường - xã An Phú…
Đến thời điểm này, nhiều lễ hội lớn ở trên cả nước đã diễn ra, mang đến những không gian văn hóa đặc sắc đầu Xuân năm mới cho người dân và hấp dẫn du khách. Nhìn chung, các lễ hội đều được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, song vẫn bảo đảm vui tươi và có nhiều điểm mới mẻ, gây ấn tượng với du khách gần xa.
Tại TP. Hồ Chí Minh, năm nay là năm thứ tư lễ hội Nguyên tiêu được tổ chức ở cấp thành phố với nhiều hoạt động diễn ra trên địa bàn quận 5 và và nhiều điểm có đông đồng bào người Hoa trên toàn thành phố. Cùng với các hoạt động nghi lễ chính diễn ra tại các hội quán người Hoa là các lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng như: biểu diễn ca kịch truyền thống, múa lân sư rồng, đấu đèn, đố đèn, thưởng thức ẩm thực truyền thống, diễu hành nghệ thuật đường phố…/.