Các chuyên gia cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ hỗ trợ việc bảo vệ các di tích khỏi sự xuống cấp mà còn giúp tái tạo, phục hồi những di tích bị hư hỏng hoặc mất mát theo thời gian. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong lĩnh vực này cũng còn nhiều vấn đề cần cân nhắc.
AI giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả
AI đang mở ra cơ hội mới cho việc bảo tồn và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa khi hỗ trợ tái tạo, số hóa di tích, di sản, tác phẩm nghệ thuật,…và giúp quảng bá rộng rãi các giá trị này đến với cộng đồng. “AI có thể hỗ trợ số hóa các hiện vật, tư liệu lịch sử và công trình kiến trúc bằng công nghệ quét 3D, giúp lưu giữ và tái tạo các di sản có nguy cơ bị mai một. Đồng thời, AI có thể phân tích và xử lý dữ liệu từ các tài liệu cổ, giúp dịch thuật, phục hồi nội dung bị hư hại, thậm chí tái hiện những nét văn hóa đã bị lãng quên”, TS Phạm Việt Long, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển cho biết.

Điển hình có thể kể đến, dự án phục dựng bức tranh nổi tiếng “Thăng đường nhập thất” của danh họa Victor Tardieu. Đây là bức họa khổng lồ với kích thước 11mx7m, được vẽ theo phong cách phương Tây nhưng nội dung tác phẩm hoàn toàn mang chất Việt. Dù được công chúng biết đến nhiều qua bản vẽ lại vào năm 2006, nhưng những tâm tư của danh họa cách nay một thế kỷ vẫn còn nhiều bí ẩn. Nói về dự án phục dựng bức tranh này, giảng viên trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS Trần Hậu Yên Thế cho biết: “Bức tranh đã phản ánh sự giao thoa văn hóa Đông - Tây với hơn 200 nhân vật, nhiều trong số đó là các nhân vật có thật và có địa vị trong xã hội đương thời. Không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, bức tranh còn là tài liệu lịch sử quý giá, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về xã hội phương Đông dưới ảnh hưởng của phương Tây như hệ thống vật dụng, phương tiện giao thông, dạng thức kiến trúc, đặc điểm địa lý, giống cây trồng, vật nuôi, trang phục… Bằng sự tiến bộ thần tốc của khoa học AI, việc làm sống lại những tác phẩm mỹ thuật để đưa đến công chúng là hoàn toàn trong khả năng”.
Không chỉ có vậy, trong bối cảnh phát triển của các nền tảng trực tuyến, AI đã góp phần thay đổi cách thức du lịch và giáo dục liên quan đến di sản văn hóa. AI kết hợp với các công nghệ như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) giúp du khách có thể trải nghiệm các di sản văn hóa mà không cần phải đến trực tiếp.
TS Phạm Việt Long cho rằng, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và bảo tồn, AI còn hỗ trợ việc lan tỏa di sản văn hóa đến công chúng thông qua các ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và chatbot hướng dẫn du lịch, giúp khách tham quan có những trải nghiệm tương tác sống động với di sản.

Cần thận trọng và kiểm soát chặt chẽ
Dù có nhiều tiềm năng, việc ứng dụng AI vẫn đối mặt với không ít thách thức trong việc lan tỏa giá trị di sản văn hóa. Một trong những trở ngại lớn nhất là vấn đề dữ liệu. Nhiều tư liệu di sản chưa được số hóa đầy đủ hoặc bị thiếu hụt thông tin, gây khó khăn cho AI trong việc phân tích và tái tạo. Bên cạnh đó, sự chính xác trong việc diễn giải và truyền tải nội dung văn hóa cũng là một thách thức, vì AI có thể mắc lỗi trong việc hiểu ngữ cảnh hoặc làm sai lệch ý nghĩa gốc. AI cũng có thể gặp khó khăn trong việc dịch thuật cổ ngữ hoặc các ngôn ngữ có ít tài liệu học thuật.
Ngoài ra, còn có vấn đề bản quyền và đạo đức trong việc sử dụng AI. Sử dụng AI tái tạo các tác phẩm nghệ thuật, hình ảnh, âm thanh có thể làm dấy lên những tranh luận về quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, AI có thể vô tình tạo ra những nội dung sai lệch hoặc làm mất đi tính nguyên bản của di sản văn hóa. “Cần có các quy định pháp lý rõ ràng về bản quyền và đạo đức trong ứng dụng AI vào di sản văn hóa. Các tổ chức quản lý di sản nên phát triển những hướng dẫn và chính sách kiểm soát AI, đảm bảo rằng công nghệ này phục vụ cho mục tiêu bảo tồn thay vì thương mại hóa một cách thiếu kiểm soát”, ông Long nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Trần Hậu Yên Thế cho rằng, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản giúp di sản tiếp cận với công chúng một cách mới mẻ, gần gũi và hiệu quả. Song bên cạnh đó cũng cần cân nhắc khi ứng dụng AI, tránh làm mất đi tính nguyên bản của di sản.
Theo các chuyên gia, để khắc phục những thách thức trên, trước hết cần có sự đầu tư nghiêm túc vào việc xây dựng kho dữ liệu số về di sản văn hóa, đảm bảo độ chính xác và toàn diện. Việc hợp tác giữa các chuyên gia văn hóa, nhà nghiên cứu lịch sử và kỹ sư AI là rất quan trọng nhằm tạo ra các mô hình AI có thể hiểu đúng và truyền tải trung thực giá trị di sản. Đồng thời cần nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của AI trong việc bảo tồn di sản, như vậy việc ứng dụng AI vào lĩnh vực này sẽ trở nên hiệu quả và bền vững, giúp di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy một cách sâu rộng trong kỷ nguyên số./.
“Công nghệ AI là “cánh tay nối dài” để hỗ trợ cho tiến trình bảo tồn di sản văn hóa hay phục dựng các tác phẩm trở nên dễ dàng hơn, mở rộng hơn và lan tỏa nhanh hơn đến với công chúng. Tuy nhiên, công nghệ AI vẫn không thể xử lý các vấn đề hoàn toàn độc lập. Nếu không có các nghiên cứu, khi ứng dụng công nghệ vào trong các dự án hay phục dựng tác phẩm sẽ trở nên rất “hỗn loạn” và có sự sai sót”.
Ông Phạm Trung Hưng, Giám đốc Công ty CMYK
|