Những cú sốc đầu tiên tại sân chơi túc cầu giáo danh giá nhất khu vực đến từ nguồn cầu thủ này, trong sự thấp thỏm của người hâm hộ Đông Nam Á.
Lịch sử ASEAN cúp những thập kỷ qua đã chứng minh, đội tuyển Campuchia luôn được xếp vào nhóm lót đường và trở thành kho điểm của các ứng cử viên vô địch. Tuy nhiên, ngay ở lượt trận mở màn, những chiến binh Angkor đã tạo ra cơn địa chấn khi bắt Malaysia chia điểm trong một thế trận mà họ kiểm soát bóng tới 46% (gần ngang ngửa với hổ Mã Lai), tung ra 359 đường chuyền với độ chuẩn xác lên đến 75%, sở hữu 13 cú sút và có 2 cơ hội được chuyển hóa thành bàn thắng: Coulibaly Abdel gỡ hòa và Sa Ty đưa Campuchia vượt lên dẫn trước 2-1.
Nguyên nhân cú lột xác của người Campuchia đến từ dàn cầu thủ nhập tịch được trải đều trên các tuyến. Tại giải lần này, HLV người Nhật Bản Gyotoku Koji đã điền tên vào danh sách thi đấu cùng lúc 8 tuyển thủ có nguồn gốc từ các nước: Nhật Bản, Bờ Biển Ngà, Nam Phi, Colombia và Mỹ. Trong số này có 5 cầu thủ ra sân trong đội hình xuất phát: Takaki Ose (gốc Nhật Bản, sinh năm 1991), Yudai Ogawa (Nhật Bản, 1996), Coulibaly (Bờ Biển Ngà, 1993), Nick Taylor (quốc tịch Mỹ, có mẹ là người Campuchia, 1998) và Mohammed Faeez Khan (Nam Phi, 1996). Họ nhanh chóng tạo thành bộ khung vững chắc, với những pha phối hợp nhuần nhuyễn. Mặc dù nhập cuộc với sơ đồ phòng ngự nhưng Campuchia thể hiện lối chơi phản công rất sắc sảo khiến Malaysia - dẫu được nhận diện trên cơ - cũng không dám dâng cao đội hình hoặc thi triển sách lược tấn công ồ ạt như trong quá khứ.
Bên phần sân đối diện, đội tuyển Malaysia đang trong quá trình chuyển giao thế hệ và được đánh giá là một trong bốn ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch năm nay; ấy thế nhưng họ cũng chỉ có thể vớt lại được 1 điểm, và 1 điểm này cũng do các… chân sút nhập tịch lập công. Đó là các bàn thắng của Stuart Wilkin (người gốc Anh quốc) ở phút thứ 35 và tiền đạo Fergus Tierney (gốc Scotland), tại phút 64.
Chưa dừng lại ở đó, trong chiến thắng hoànhh tráng (10-0 trước Timor Leste) của Thái Lan - người anh cả của bóng đá khu vực - cũng ghi đậm dấu ấn của các cầu thủ trưởng thành bên ngoài biên giới xứ Chùa vàng khi có tới 4 bàn thắng được ghi bởi 3 cầu thủ nhập tịch.
Như vậy có thể thấy không phụ lại kỳ vọng của khán giả, những cầu thủ nhập tịch đã thổi vào ASEAN Cup năm nay một làn gió mới, đầy sinh khí và tươi tắn. Thậm chí, với đội tuyển Campuchia, không quá lời khi nói, họ đã và đang “thở” bằng là phổi mang tên cầu thủ nhập tịch. Với sự vượt trội về thể hình, thể lực và phần nào là kỹ thuật, những ông Tây đen, Tây trắng đang trở thành niềm hy vọng của người hâm mộ nước này, trong niềm mong mỏi về kỳ tích lần đầu giành vé vào vòng đấu loại trực tiếp.
Trong một giải đấu mà các cầu thủ nhập tịch đã tạo ra sự ganh đua hấp dẫn, người ta nói nhiều đến việc những lính lê dương đã góp một phần không nhỏ vào việc sân chơi khu vực được nâng tầm. Thực tế là, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã xác nhận ASEAN Cup sẽ là giải đấu chính thức thuộc FIFA kể từ kỳ năm 2024. Các trận đấu được công nhận là trận quốc tế loại A - tương đương với vòng loại, vòng chung kết World Cup và các giải châu lục. Dường như chẳng mấy ai nhớ đến thực tế: Chuyện một tập thể sống nhờ hàng ngoại nhập không phải lúc nào cũng mang lại màu hồng và niềm vui, nụ cười chiến thắng.
Bởi dẫu sao, họ - những cầu thủ nhập tịch chỉ là những “món mì ăn liền” chứ không phải thành quả từ công tác đào tạo trẻ của các quốc gia.