Phát triển truyện tranh Việt Nam: Nhìn từ cú hích Đôrêmon

Hơn 30 năm trước, truyện tranh còn khá xa lạ với độc giả Việt Nam. Truyện tranh Đôrêmon đã truyền cảm hứng cho nhiều tác giả sáng tạo trong lĩnh vực này.

 

Phát hành chán chê mới bị “gõ” bản quyền

Tại tọa đàm “Từ Đôrêmon tới Doraemon: Bản quyền truyện tranh ở Việt Nam qua ba thập kỷ” tổ chức tại Hà Nội mới đây, biên tập viên Lê Phương Liên, NXB Kim Đồng, người biên tập bộ Đôrêmon phiên bản đầu tiên ra mắt tại Việt Nam năm 1992 nhớ lại: “Năm ấy, NXB Kim Đồng đang khó khăn bởi sách làm ra không bán được. Biên tập viên bị huy động ra đường bán sách. Anh Nguyễn Thắng Vu, Giám đốc NXB Kim Đồng khi đó nói với mọi người, anh ấy có người bạn công tác tại một NXB ở Thái Lan giới thiệu cho một bộ truyện tranh rất hay của Nhật Bản, kể về chú mèo máy của thế giới tương lai. Sau khi liên hệ với đối tác Thái Lan mua được sách, đến công đoạn vẽ thì các họa sĩ miền Bắc chỉ vẽ được  truyện tranh theo kiểu tranh ở trên, lời ở dưới chứ không thể lồng được câu thoại vào khung tranh. Chúng tôi phải tìm kiếm khắp cả nước, cuối cùng tìm được họa sĩ Đức Lâm, người TP.HCM có thể vẽ được kiểu này. Thế là toàn bộ công đoạn biên tập, in ấn, xuất bản được chuyển vào TP.HCM thực hiện. Trải qua bao khó khăn bỡ ngỡ, ngày 11/12/1992, tập 1 có tựa đề “Chiếc khăn biến hóa” ra mắt, được xem là ngày đầu tiên Đôrêmon đến Việt Nam. Bộ truyện của tác giả Fujiko F. Fujio vốn đã nổi danh khắp châu Á từ những năm đầu thập niên 1970, ngay lập tức tạo cơn sốt khắp nước ta.

Giám tuyển Chu Kim, sử gia truyện tranh đầu tiên ở Việt Nam, giám tuyển của triển lãm “Từ Đôrêmon đến Doraemon” cho biết, khi bộ truyện Đôrêmon xuất bản tập đầu tiên, anh mới là cậu bé 5 tuổi. “Khi bố đem về cho tôi quyển sách tôi cứ say sưa đọc, không biết bản quyền là cái gì. Mãi sau này, tôi thắc mắc, tại sao đang từ Đôrêmon lại đổi thành Doraemon, rồi đang đọc từ trái sang phải lại chuyển qua đọc từ phải sang trái? Tôi đi tìm khắp những nhà luật học, bản quyền để hỏi, và từ đó kiến thức của tôi về bản quyền và sở hữu trí tuệ cứ dày thêm. Tất cả là nhờ Doraemon”.

Dấu mốc đáng nhớ của ngành xuất bản truyện tranh

Đôrêmon in hàng chục vạn bản mỗi tập, tập mới ra đều đặn hằng tuần, hệ thống phân phối hoạt động sôi nổi từ Nam ra Bắc, người lớn trẻ con mong ngóng ngày các điểm phát hành của NXB Kim Đồng bày bán tập tiếp theo.

Mùa hè năm 1993, NXB Kim Đồng phát hành những tập truyện dài đầu tiên như Lâu đài dưới đáy biển, Cuộc phiêu lưu vào lòng đất, Pho tượng thần khổng lồ, bên cạnh các tập truyện ngắn ra hằng tuần. Ngày 17/2/1995, NXB Kim Đồng phát hành tập Đôrêmon cuối cùng dưới dạng số đúp gồm hai tập 77 và 78, kết thúc giai đoạn phát hành không bản quyền.

Theo biên tập viên Đặng Cao Cường, Trưởng Ban biên tập truyện tranh, Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 1992 là một dấu mốc quan trọng đối với thế giới truyện tranh ở Việt Nam khi NXB Kim Đồng mua bản quyền cho bộ truyện tranh Doraemon, tạo ra những đột phá cho vấn đề bản quyền xuất bản.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn nhận định, quá trình thay đổi từ truyện tranh Đôrêmon tới Doraemon đại diện cho sự hòa nhập, phát triển của xuất bản tại Việt Nam, cả công tác mua bản quyền, biên tập, và độc giả đón nhận, thưởng thức cũng đã thay đổi rất nhiều. Thế hệ hiện nay đón nhận truyện tranh như sản phẩm tiêu dùng, họ bỏ tiền và cảm thấy có thẩm quyền yêu cầu với người cung cấp dịch vụ. Đó là thách thức của người làm sách thời đại này.

Các đại biểu  tham gia hội thảo “Từ Đôrêmon tới Doraemon: Bản quyền truyện tranh ở Việt Nam qua ba thập kỷ” .

Gỡ rào cản để truyện tranh Việt Nam phát triển

GS Alisa Freedman, Đại học Oregon cho biết, thái độ của cộng đồng thường rất quyết liệt trước những hiện tượng xuất bản không bản quyền. Chính phủ Nhật đã có những cơ chế chính sách chuyên biệt để phát triển văn hóa đại chúng trở thành những sản phẩm văn hóa và lan tỏa toàn cầu. Chính vì thế, manga (truyện tranh) và anime (phim hoạt hình được chuyển thể từ manga) tại Nhật Bản có cơ hội phát triển và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, lan tỏa đến nhiều lĩnh vực văn hóa khác. Doraemon là một trong những bộ truyện tranh được cộng đồng yêu thích. Nhờ đó  mà văn hóa Nhật Bản được biết đến trên khắp thế giới, như “quyền lực mềm” giúp xứ sở hoa anh đào cải thiện hình ảnh trên trường quốc tế.

Nhìn nhận về thách thức trong thời gian tới với truyện tranh Việt Nam, giám tuyển Chu Kim cho rằng để xây dựng một nền tảng công nghiệp văn hóa từ phim hoạt hình và truyện tranh, trước hết phải thay đổi tư duy đó là thể loại dành cho trẻ con. Nếu cứ mặc định như thế, loại hình này sẽ gặp rất nhiều rào cản. Đồng quan điểm này, ông Đặng Cao Cường, Trưởng ban biên tập truyện tranh, NXB Kim Đồng cho rằng, quan niệm truyện tranh chỉ dành cho trẻ em đã thay đổi nhiều. Truyện tranh tiếp tục phát triển, phục vụ nhu cầu của độc giả nhiều lứa tuổi, và thực tế đã có không ít tác phẩm truyện tranh dành cho độc giả lớn tuổi được xuất bản tại Việt Nam. Để lĩnh vực này phát triển, cần có biện pháp nâng cao nhận thức của bạn đọc về vấn đề bản quyền. Khi đó, các đơn vị xuất bản và tác giả có nhiều cơ hội đem đến các tác phẩm chất lượng tốt hơn./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận