Nhà văn Hoàng Yến: Lịch sử có nhiều khoảng trống cho chúng tôi thể hiện sự sáng tạo

Trong số các tác giả trẻ nổi lên thời gian qua, nhà văn Hoàng Yến là một gương mặt đáng chú ý.

 

Không được đào tạo bài bản về viết văn, nhưng Hoàng Yến duy trì sức viết rất đều và khá bền. Hoàng Yến đã chia sẻ với phóng viên VOV về chặng đường từ một cây viết không chuyên đến một nhà văn best-seller.

Tôi tận dụng điểm mạnh của dân khối A

Bạn là một cây viết năng nổ với 4 tiểu thuyết, 1 truyện ngắn, 1 kịch bản phim điện ảnh trong vòng 5 năm. Bên cạnh viết văn, bạn vẫn duy trì công việc là một nha sĩ. Bạn lấy đâu ra thời gian cho ngần ấy công việc?

Tôi chẳng phải siêu nhân gì đâu! Viết với tôi giống như một thú vui để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Hằng ngày, tôi làm giờ hành chính ở phòng khám, buổi tối hoặc những lúc rảnh sẽ ngồi vào bàn viết. Tôi là một người sống nội tâm và trầm tính, không thích các hoạt động thể chất và gặp gỡ nhiều người. Thú vui của tôi là viết văn. Với tôi, xây dựng câu chuyện trong đầu là một cách giải trí, thư giãn hiệu quả. Bởi viết những thứ mình thích sẽ luôn thấy vui, lại không phải đặt nặng chuyện nộp bài đúng hạn như viết theo yêu cầu. Nếu chỉ viết văn thì nghèo lắm (cười) nên tôi duy trì công việc nha sĩ để lấy tiền nuôi thú vui viết văn.

Bạn luôn tự nhận “là dân khối A, ngôn từ bay bổng không phải thế mạnh”. Dân khối A viết văn khác gì so với những người “văn phong dào dạt, thở ra thơ, nói ra văn”?

Điểm khác là tôi sẽ xây dựng cốt truyện tổng thể trước, thậm chí tính toán kết thúc cho từng giả định sao cho hợp lý, rồi mới “đắp da đắp thịt” để hoàn thiện chi tiết. Với tôi, việc xây dựng cốt truyện đủ mạnh, có mục tiêu, có rào cản rõ ràng là điều quan trọng nhất. Với thể loại tôi đang theo đuổi là truyện phiêu lưu, trinh thám, dã sử  thì các tình tiết phải lô-gíc, có tính móc nối, liên quan đến nhau. Là dân khối A, điểm mạnh của tôi là khả năng tính toán tình tiết, diễn biến câu chuyện để tránh nội dung bị “tiền hậu bất nhất”. Điểm yếu tôi đang cố gắng khắc phục, đó là văn phong, ngôn ngữ.

Tất cả các tác phẩm của bạn đều thuộc thể loại dã sử, lấy cảm hứng và bối cảnh lịch sử để từ đó kể câu chuyện của mình. Hẳn hồi đi học bạn rất yêu thích môn Lịch sử?

Hoàn toàn ngược lại! Hồi đi học, tôi không phải học sinh giỏi môn Sử, thậm chí cũng chẳng mấy hứng thú với môn học này. Mãi đến năm 2014, khi bắt đầu viết, tôi mới đọc nhiều về lịch sử. Với tiểu thuyết đầu tiên “Săn mộ”, tôi đã đắn đo rất nhiều khi quyết định chọn bối cảnh lịch sử Việt Nam cho trilogy (bộ 3 cuốn liên quan đến nhau). Thể loại trộm mộ đã quá nổi tiếng ở Trung Quốc, với những bộ kinh điển như “Ma thổi đèn”, “Đạo mộ bút ký”. Tôi thấy cần một điều gì đó khác biệt, đủ sức ghi dấu ấn với độc giả. Và thế là “Săn mộ” với bối cảnh lịch sử Việt Nam ra đời. May mắn là tiểu thuyết đã được độc giả đón nhận khi mới chỉ là những dòng văn học mạng. Sự ủng hộ của các độc giả đã cổ vũ tôi rất nhiều trên chặng đường viết lách sau này.

Không được đào tạo bài bản về viết văn, nhưng Hoàng Yến duy trì sức viết rất đều và khá bền.

Tìm thấy câu chuyện thú vị từ lịch sử

Vì sao bạn thích thể loại dã sử?

Nếu sách lịch sử kể lại những sự kiện có thật, thì dã sử dựa trên bối cảnh và nhân vật lịch sử, tác giả được phép sáng tạo nên những tình tiết, nhân vật để kể câu chuyện của mình.

Lịch sử ghi chép trong các bộ sử ký, có những chi tiết chỉ được kể lại vắn tắt một vài dòng, nhưng đằng sau đó tôi tìm thấy những câu chuyện thú vị. Chẳng hạn như tình cảm thật sự giữa Mỵ Châu và Trọng Thủy là như thế nào? Có phải đó đơn thuần là một cuộc hôn nhân chính trị không? Hay tình bạn giữa hoàng tử Lý Nhật Tôn (sau này là vua Lý Thánh Tông) và Lý Thường Kiệt đã trải qua những gì mà gắn bó keo sơn đến thế? Có rất nhiều khoảng hở trong chính sử để chúng tôi sáng tạo. Điều quan trọng ở thể loại văn học dã sử là làm sao cho thật giả hòa làm một, khi đọc độc giả không nhận ra chỗ nào hư cấu, chỗ nào là lịch sử. Tuy nhiên, tôi luôn chủ động thêm chú thích về những sự kiện, nhân vật có thật từ lịch sử.

Hình như bạn có dự định đưa các câu chuyện của mình đi xa hơn một cuốn tiểu thuyết?

Đúng vậy! Với các câu chuyện đã dày công sáng tạo, tôi không muốn chúng chỉ dừng lại ở những trang sách văn học. Bây giờ là thời đại của điện ảnh và truyền hình. Bất cứ nhà văn nào khi đặt bút viết đều mơ mộng cuốn sách của mình một ngày nào đó có thể được chuyển hóa thành phim, đó là lý do tôi tìm đến điện ảnh. Vừa qua, tôi đã gửi kịch bản chuyển thể tiểu thuyết “Dưới cánh đại bàng” tham dự hạng mục Vườn ươm kịch bản của Liên hoan phim quốc tế TP.HCM. Tác phẩm của tôi không đoạt giải thưởng chính thức, nhưng đã đoạt giải thưởng phụ, đó là sự đồng hành trong vòng 1 năm của 2 đạo diễn giàu kinh nghiệm là anh Phan Gia Nhật Linh và anh Charlie Nguyễn.

Cuộc chơi của điện ảnh khác hoàn toàn với cuộc chơi của văn học. Đặc biệt là khi cuộc chơi ấy còn liên quan tới sử Việt. Tất nhiên, để một kịch bản giấy trở thành phim là cả chặng đường dài, nhất là với thể loại dã sử đòi hỏi sự đầu tư rất công phu. Tuy nhiên, với sự dẫn dắt của hai đạo diễn sẽ đảm bảo những biên kịch trẻ như tôi không đi lạc đường.

 *Hoàng Yến sinh năm 1993, tốt nghiệp Đại học Y - Dược Hải Phòng, chuyên ngành răng hàm mặt. Đi lên từ một tác giả văn học mạng, năm 2019, Hoàng Yến xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên có tựa đề “Săn mộ: Thông thiên La Thành”, là một tác phẩm phiêu lưu, dã sử, trinh thám. Từ đó đến nay, trung bình 1,5 năm Hoàng Yến ra một cuốn sách.

*Văn phong Hoàng Yến biến hóa đa dạng, từ phiêu lưu kỳ ảo (Săn mộ: Thông thiên La Thành) tới lãng mạn (Thượng Dương - 2021, Trăng tan đáy nước - 2024) và trinh thám (Dưới cánh đại bàng - 2022). Gần đây, trong vai trò biên kịch, Hoàng Yến đoạt giải thưởng phụ ở hạng mục Vườn ươm kịch bản Liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024.

Cảm ơn Hoàng Yến về cuộc trò chuyện!

Anh Tuấn thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận