Sở hữu giọng nữ cao màu sắc (soprano coloratura) và kỹ thuật thanh nhạc hoàn hảo bậc nhất, NSND Tường Vy được xem là một trong những giọng ca “huyền thoại” của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Bà cũng được đánh giá là ca sĩ mang giọng hát cao nhất thời kỳ đó.
NSND Tường Vy qua đời vào chiều 11/5. Bà mất ở tuổi 86. Trên trang cá nhân, ca sĩ Ngọc Anh (Tam ca 3A), con dâu cũ của NSND Tường Vi tiễn biệt bà. "Con tạm biệt mẹ thân yêu. Cảm ơn mẹ đã luôn nhớ thương con và cháu nội. Chúng con không thể về kịp chia tay mẹ, nhưng chúng con sẽ về thăm viếng thường xuyên như con vẫn luôn thăm mẹ những tháng ngày qua. Thương mẹ vô cùng", nữ ca sĩ chia sẻ.
Tiếng hát át tiếng bom
NSND Tường Vi tên thật là Trương Tường Vi. Bà sinh năm 1938 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, ông bà ngoại là phú nông, cha là nhà giáo. Năm 16 tuổi, sau khi bà ngoại bà mất do bị trúng bom của Pháp, Tường Vi nhập ngũ năm 1954 rồi trở thành y tá tại Viện quân y 108. Năm 1956, bà chuyển sang đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và bắt đầu được học thanh nhạc.
Năm 1962, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng năm bà thi đỗ vào khoa thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội và tốt nghiệp vào năm 1967. Sau đó bà còn theo học một lớp sáng tác ngắn hạn do Bộ Văn hóa thông tin tổ chức. Năm 1974, bà theo học 4 năm tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria.
Trong những năm chiến tranh, bà đã theo đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường. Tiếng hát của NSND Tường Vi đã có sức mạnh át đi những tiếng bom tàn khốc trên chiến trường.
Nơi nào có bộ đội, Đoàn lại dừng hát cho bộ đội nghe, động viên các chiến sỹ. Bất cứ chỗ nào cũng có thể trở thành sân khấu biểu diễn. Khi thì hát giữa rừng, sân khấu là vài viên đá xếp lên; có lúc sân khấu được dựng ngay bên bờ suối và có khi lấy cả mui xe ô tô làm sân khấu.
Những lần nghe tin Tường Vi và Đoàn văn công Tổng cục Chính trị về biểu diễn ở Quảng Bình, bộ đội đi gần 30km về nghe hát, xem biểu diễn, rồi lại đi... Có người đến gặp Tường Vi và bảo, khi ở trong rừng sâu, mỗi khi nghe tiếng Tường Vi hát trên đài, dù đang ngủ cũng phải vùng dậy liền.
Tường Vi nổi tiếng với nhiều ca khúc trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, như Tiếng đàn Ta Lư (Huy Thục), Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp, thơ Molovklavi), Em là hoa Pơ Lang (Đức Minh), Người con gái sông La (Doãn Nho), Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh), Người lái đò trên sông Pô Cô (Cẩm Phong, thơ Mai Trang), Bóng cây Kơ-nia (Phan Thanh Nam, thơ Ngọc Anh), Suối Lenin (Hà Té, Hoàng Đạm), Con suối và mặt trời (Vĩnh An), Tiếng chim rừng (Nguyên Nhung), Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Áo mùa đông (Đỗ Nhuận)...
Đặc biệt hai bài hát Cô gái vót chông và Tiếng đàn Ta Lư đã trở thành hai bài hát thành công nhất trong sự nghiệp của bà.
Nhắc đến Cô gái vót chông, ai cũng nhớ tới NSND Tường Vi. Dù không phải người đầu tiên thể hiện ca khúc nhưng chính NSND Tường Vi đã dùng tiếng hát của mình đưa Cô gái vót chông lên một đỉnh cao mới, tạo tiếng vang lớn với cả giới chuyên môn lẫn công chúng.
Ngay khi đọc phần ca từ của Cô gái vót chông, NSND Tường Vi đã mường tượng ra cảnh núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn muông thú, cỏ cây. Từ đó, bà tự sáng tạo bằng cách thêm một đoạn chạy nốt staccato head voice giả tiếng chim hót, đậm chất màu sắc vào bài hát, khiến nó trở nên tươi mới, đầy sức sống và tràn ngập nhạc tính.
Nhờ đó, Cô gái vót chông đã trở thành ca khúc bất hủ và ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả qua suốt hơn nửa thế kỷ. Đây cũng là bài hit gắn liền với tên tuổi NSND Tường Vi.
Sở hữu giọng nữ cao màu sắc (soprano coloratura) và kỹ thuật thanh nhạc hoàn hảo bậc nhất, NSND Tường Vy được xem là một trong những giọng ca “huyền thoại” của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Bà cũng được đánh giá là ca sĩ mang giọng hát cao nhất thời kỳ đó. Bà hát được nhiều thể loại như dân ca, nhạc cách mạng. NSND Tường Vi đã nhiều lần biểu diễn trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên thủ các nước trên thế giới và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội.
Miệt mài giúp đỡ những trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt
Ngoài ca hát, Tường Vi còn là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc như Phi đội ta xuất kích, Quê hương anh là biển cả, Em lắng nghe tiếng đời..., những ca khúc thiếu nhi như Đời cho em những nốt nhạc vui, Trái tim ơi đừng buồn, Ước mơ của bé là hoà bình... Sau này bà làm giảng viên giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và từng đào tạo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Đồng Quang Vinh, Giáng Son, Khánh Thi,... Bà còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1962 – 1982). Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (1962 – 1982).
Năm 1992, khi gặp một số trẻ em mồ côi, bà bắt đầu mở một lớp dạy nhạc cho những trẻ này. Sau đó được sự ủng hộ và quyên góp của nhiều người, bà lập nên Trung tâm Nghệ thuật tình thương. Trung tâm trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, với mục đích nuôi dưỡng và đào tạo nghệ thuật cho trẻ em bị khuyết tật, mồ côi. Hiện nay trung tâm có 3 cơ sở tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, do Tường Vi làm giám đốc. Những trẻ em tại trung tâm đã được đi biểu diễn nhiều nơi, nhiều em thi đỗ vào các trường nghệ thuật trong cả nước.
Hà Chương, một học viên khiếm thị tại đây, đã đỗ thủ khoa Khoa đàn bầu Nhạc viện Hà Nội. Trung tâm Nghệ thuật tình thương của bà cũng là nơi vinh dự đón những chuyến viếng thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông còn sống.
Cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng nói về NSND Tường Vi: “Tường Vi là một nghệ sĩ Việt Nam hiếm hoi có tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam xuất bản năm 1996. Bằng tất cả lòng nhân hậu và trí tuệ của mình. Tường Vi đã sáng lập 3 Trung tâm Nghệ thuật Tình thương để cùng với các nhạc sĩ, nghệ sĩ, giáo viên tâm huyết, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đón nhận những số phận bất hạnh, nghèo khó nhưng có năng khiếu âm nhạc… Cho các em những sắc mầu đẹp đẽ chung quanh mình để vươn lên sống vui với niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn”.
Bà đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 1984. Cùng năm, bà được phong hàm Trung tá. Năm 1993, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Bà còn được Nhà nước khen thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất./.
Theo VOV.VN