Sân khấu tư nhân phía Nam: Chông chênh tồn tại!

Các đơn vị sân khấu tư nhân tại TP. Hồ Chí Minh nhiều năm qua đã nỗ lực xây dựng và khẳng định thương hiệu nghệ thuật.

Thời gian gần đây, sân khấu tư nhân ở khu vực có nhiều tiềm năng này đang có chiều hướng đi xuống. Nhà viết kịch Chu Thơm trao đổi với phóng viên VOV lý giải, đó là điều dễ hiểu. Cái gì phát triển đến một mức nào đó sẽ có lúc rơi vào thoái trào. Một thành phố 8 triệu dân, ngày xưa chỉ có sân khấu kịch TP.HCM, sau đó thì các sân khấu xã hội hóa mọc lên để cho 8 triệu dân có cơ hội thưởng thức các món ăn tinh thần khác nhau: sân khấu Idecaf, sân khấu kịch Hồng Vân, sân khấu kịch Sài Gòn, sân khấu Nụ cười mới, sân khấu 5B của Hội nghệ sĩ sân khấu TP.HCM, sân khấu Hoàng Thái Thanh, Thế giới trẻ, Sen Việt... Sau một thời gian dài sáng đèn, nay hầu hết các sân khấu rơi vào khủng hoảng, vắng bóng khán giả.

Phải cạnh tranh gay gắt với các chương trình truyền hình thực tế

Sân khấu phía Nam đang gặp sự cạnh tranh gay gắt với các chương trình truyền hình thực tế, các nhóm hài, nhóm kịch không hoạt động dựa trên tiêu chí nghệ thuật. Ông nhận định như thế nào về hiện tượng này?

Các đơn vị xã hội hóa phía Nam có sự cạnh tranh rất lành mạnh. Dường như họ đã ngầm phân chia địa bàn để hoạt động. Chẳng hạn, sân khấu kịch Sài Gòn của anh Phước Sang thì ở trung tâm thành phố, sân khấu Idecaf ở 123 Lê Thánh Tôn, sân khấu Hoàng Thái Thanh của chị Ái Như ở phố Lê Quý Đôn, còn sân khấu của chị Hồng Vân thì về Phú Nhuận, sân khấu của Trịnh Kim Chi và Quốc Thảo thì mãi tận xa. Giữa các sân khấu rất đoàn kết, họ không bài xích lẫn nhau, không chiếm khán giả của nhau.

Tuy nhiên, hiện nay một số chương trình truyền hình thực tế về kịch làm rất ẩu. Họ chiều theo thị hiếu dễ dãi của một bộ phận công chúng để làm các chương trình hời hợt, đôi khi là tục tĩu, phản cảm. Các nghệ sĩ được gọi với cái tên mỉa mai là “ranh hài” vì họ chọc cười đôi khi rất thô thiển làm cho các khán giả dần chán các câu chuyện, các nghệ sĩ.

Một thời người ta thích đến các sân khấu để có các trải nghiệm cảm xúc, xem các câu chuyện về tình cha nghĩa mẹ, về những góc tối của cuộc sống như Xóm gà, Người vợ ma, Ngôi nhà thiếu vắng đàn bà...  Nay do có nhiều chương trình truyền hình thực tế, khán giả chỉ cần ngồi nhà bật ti vi lên xem, nếu không thích thì tắt đi...

Các chương trình truyền hình thực tế làm ẩu, trách nhiệm thuộc về những người làm công tác quản lý văn hóa tại các đài truyền hình. Lẽ ra họ phải là người đứng gác cho nghệ thuật chân chính, nhưng họ lại không làm được điều đó.

Vậy các sân khấu có nhận thấy mối nguy hại này đối với sàn diễn của họ hay không? Và họ đang làm gì để vượt qua tình trạng này?

Họ vẫn lao động rất miệt mài. Anh Thành Lộc, anh Huỳnh Anh Tuấn, chị Hồng Vân, chị Ái Như, anh Thành Hội vẫn còn đau đáu lắm. Vẫn có những vở diễn hay ra đời, vẫn có những vở được làm tiếp phần 2 như Bên kia nửa đời ngơ ngác.

Còn khán giả, nhiều người vẫn muốn đến sân khấu để xem các ngôi sao của mình diễn. Họ đến sân khấu Idecaf để xem NSƯT Thành Lộc và NSƯT Hữu Châu diễn. Đến sân khấu 5B để thấy chị Mỹ Uyên…

Nhà nước nên có hỗ trợ

Điều đó cho thấy niềm đam mê được làm nghề của các nghệ vẫn rất lớn, họ không ngừng hy vọng về bước phát triển mới của sân khấu?

Các nghệ sĩ không bao giờ chùn bước trước khó khăn. Trước đây, khi sân khấu đang rơi vào khủng hoảng, họ đã nghĩ ra việc phải lập các sân khấu, khai thác được những đề tài mới với cách thể hiện mới để phục vụ những đối tượng khán giả của riêng họ. Những người chủ sân khấu ấy được gọi là “ông bầu”, “bà bầu” nhưng thực chất họ là những diễn viên giỏi, yêu nghề và có tài kinh doanh, luôn hết lòng vì sân khấu, như anh Huỳnh Anh Tuấn đã phải bán nhà để trang trải cho sân khấu.

Tôi là một trong những nhà viết kịch ngoài Bắc cộng tác nhiều với các đơn vị phía Nam. Các nghệ sĩ sân khấu trong đó không có ai hưởng lương nhà nước mà đều tự thân vận động. Có những người còn vì anh em, họ lập sân khấu  tư để các đồng nghiệp có công ăn việc làm. Sân khấu tư nhân thì họ phải tính toán rất kỹ lưỡng, chi li từng khoản đầu tư, từng khoản bán vé để đủ thu nhập cho các thành viên. Với những nhà viết kịch, không phải anh cứ đưa kịch bản cho đoàn, nhận một khoản thù lao là xong. Trong Nam, để có một vở kịch kéo được khán giả đến xem thì nhà viết kịch cũng như đạo diễn, các diễn viên và nhạc công phải cùng tập trung chăm chút cho vở diễn, giống như chăm một cái cây mình trồng. Thế mới có những vở như Dạ cổ hoài lang từ năm 1994 mà NSƯT Thành Lộc và NSƯT Việt Anh diễn ở sân khấu 5B, sau đó Thành Lộc và NSƯT Hữu Châu lại diễn ở Idecaf.

 Theo ông, Nhà nước cần có sự hỗ trợ như thế nào cho các sàn diễn tư nhân để họ có điều kiện phát triển hơn nữa?

Nhà nước nên tạo điều kiện để mỗi đơn vị có một nơi biểu diễn cố định như người ngoài Bắc vẫn nói “an cư mới lập nghiệp”. Hiện hầu hết các sân khấu tư nhân đều phải đi thuê địa điểm biểu diễn. Giá thuê cao đến mấy chục triệu một đêm diễn, nên họ buộc phải nâng giá vé, khiến việc thu hút khán giả đến rạp càng khó khăn.

Năm 2006 đã có một cuộc liên hoan sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM như một sự ghi nhận của Nhà nước đối với các đơn vị sân khấu tư nhân. Khi sự tận tâm, nhiệt thành của họ được ghi nhận sẽ là động lực để những nghệ sĩ chân chính tìm cách trụ lại với nghề.

Vũ Nga thực hiện

Bình luận

    Chưa có bình luận