Lịch sử có phải là 'cái đinh' để nhà văn 'treo áo'?

Lịch sử trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người viết, nhưng cũng là rào cản không dễ vượt qua khi tác phẩm luôn bị đặt trong tương quan so sánh với chính sử...

 

Chính vì vậy, các cuộc tranh luận xoay quanh việc lịch sử có phải là “cái đinh” để người sáng tác treo áo hay không đã kéo dài suốt nhiều năm qua.

Tự sự lịch sử - một địa hạt hấp dẫn        

 Theo PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tự sự lịch sử là một cách “tái kiến tạo ký ức”: “Lịch sử luôn được tái hiện thông qua việc được kể lại. Kể đồng nghĩa với sống lại, tái hiện, tái kiến tạo ký ức dù ở quy mô nào, cá nhân hay cộng đồng, địa phương hay quốc gia dân tộc. Thông qua kể, những ký ức cá nhân được phơi bày và tạo nên một đồng cảm. Những biểu tượng và cốt truyện sẽ được đưa từ không gian cá nhân hay bác học vào không gian đại chúng và trở thành ký ức cộng đồng, một yếu tố cấu thành nên cộng đồng tưởng tượng. Kể cũng là một cách để kiến tạo lại quá khứ và từ đó, thực hành một hành động truy vấn, kiến tạo căn tính. Chính vì những lý do đó nên trong lịch sử văn chương và nghệ thuật ở Việt Nam, tự sự về lịch sử đã cấu thành một truyền thống lớn. Truyền thống đó liên kết các không gian văn chương và nghệ thuật. Xét từ góc nhìn địa lý cũng như từ góc nhìn văn hóa, với một số lượng lớn tác giả, tác phẩm luôn hiện diện ở mặt tiền của đời sống nghệ thuật, gây được sự quan tâm của đông đảo công chúng và tạo được những hồi đáp tích cực của cộng đồng tiếp nhận. Và bởi vậy, nghiên cứu tự sự về lịch sử, mặc dù đã có rất nhiều thành tựu, vẫn là một đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện tại để có một cái nhìn tổng quan và nhiều chiều hơn về bộ phận sáng tác này.”

 Bất chấp những thách thức, thậm chí rủi ro khi theo đuổi đề tài lịch sử, đây vẫn là địa hạt mà nhiều nhà văn muốn thử sức. Theo PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, mặc dù văn chương nước ta đã có nhiều thay đổi nhưng đề tài lịch sử quả thực đã trở thành một hằng số, luôn hấp dẫn đối với người viết thuộc nhiều thế hệ khác nhau: “Tự sự về đề tài lịch sử bao gồm cả truyện ngắn, truyện dài, truyện vừa đề cập đến rất nhiều lĩnh vực, những mảng khác nhau của lịch sử Việt Nam từ những huyền tích dân gian, từ lịch sử trung đại cho đến các giai đoạn cận hiện đại luôn  được tái hiện trong các tác phẩm văn chương và dường như, nó trở thành nỗi ám ảnh bao trùm lên gần như tất cả các nhà văn. Không chỉ các nhà văn chuyên về đề tài lịch sử như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hay nhà văn Bảo Ninh mà chúng ta thấy ngay cả những nhà văn chuyên về đề tài đương đại như Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, lịch sử vẫn luôn tồn tại như một ám ảnh đối với văn chương của họ. Điều đặc biệt hơn nữa là thời gian gần đây, biên độ của cái được gọi là tự sự lịch sử càng ngày càng được nới rộng. Càng ngày chúng ta càng thấy xuất hiện thêm những đề tài, thể loại, những thể nghiệm mới của các nhà văn như là sự pha trộn giữa biên khảo và hư cấu, như là sự thay đổi trong cách viết tự sự hư cấu, thay đổi trong cách viết tiểu thuyết, thay đổi trong cách viết truyện ngắn. Đặc biệt là sự ra đời của các thể nghiệm mới về mặt thể loại mà cho đến bây giờ thật khó định danh”.

Nhiều năm qua, một loạt các tác phẩm viết về đề tài lịch sử đã được đặt lên bàn cân.

  Người viết - “biến số” của tự sự lịch sử

 Nhiều năm qua, một loạt các tác phẩm viết về đề tài lịch sử đã được đặt lên bàn cân. Trong đó có nhiều tiểu thuyết Việt Nam đương đại như “Minh sư” của nhà văn Thái Bá Tân, “Quỷ vương” của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, “Thị Lộ chính danh” của nhà văn Võ Khắc Nghiêm, “Từ Dụ thái hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai… Từ lịch sử tới tiểu thuyết lịch sử luôn có nhiều biến số bởi mức độ hư cấu của mỗi người viết là khác nhau. Tuy nhiên, sở dĩ các tác phẩm viết về đề tài lịch sử hay gây ra tranh cãi là vì độc giả rất dễ đồng nhất lịch sử và văn học. Nhà văn Bảo Ninh từng bộc bạch: “Chúng ta nhớ lịch sử qua những câu chuyện là chính. Câu chuyện ăn vào lòng người hơn là chính sử”. Điều này khiến GS. Trần Ngọc Vương nhắc lại một băn khoăn muôn thuở - đọc văn khác đọc sử như thế nào: “Diễn giải quá khứ lịch sử của văn chương sẽ làm thay đổi cách tiếp nhận lịch sử như thế nào hoặc bổ sung cho cách tiếp nhận lịch sử như thế nào? Đó là câu hỏi rất lớn: giữa cốt lõi lịch sử, sự thật lịch sử và sự thật vắn tắt của lịch sử với diễn giải chi tiết, mang tính cảm xúc của văn chương là như thế nào? Bởi vì chính văn chương đã bổ sung thêm vào kiến tạo căn tính của đối tượng mà nếu chỉ nhìn trên khung khổ lịch sử đơn giản thì không thể thấy hết được”.

Xu hướng khai thác đề tài lịch sử của văn học thời gian gần đây đã có nhiều thay đổi. Các nhà văn cũng không còn coi lịch sử là sự thực “đã hoàn kết” mà luôn tồn tại những điểm mù, những vùng mờ. Chẳng hạn, nhà văn Vũ Ngọc Tiến coi văn chương là cách diễn giải lịch sử của người viết. Còn nhà văn Trần Thùy Mai tin rằng “những chỗ lịch sử không ghi là chỗ nhà văn có thể phát huy trí tưởng tượng”. Tuy nhiên, “quyền năng” của người sáng tác không phải là tối thượng. PGS.TS Lê Thời Tân, Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh tới trách nhiệm của người viết khi dựng lên một tự sự lịch sử: “Tiểu thuyết gia nào cũng phải dựng lên một người kể chuyện. Trách nhiệm dựng lên người kể chuyện đó người ta gọi là đạo đức trần thuật. Tại sao ông lại dựng lên một người kể chuyện mà gu văn hóa thấp như thế? Việc cự cãi đôi co với nhau là chuyện ấy có thật hay không, bôi xấu hay không bôi xấu… thì người nào cũng nói được hết. Nhưng nếu ông luôn luôn kể bằng một giọng dung tục thì tôi có quyền hoài nghi ông về mặt nhân cách. Sex luôn luôn thật. Nhưng cách mà ta kể về sex bao giờ cũng phải lựa chọn: hoặc là dậm dật hoặc là trang nhã. Ngôn ngữ của chính sử, ngôn ngữ của người viết tiểu thuyết luôn luôn phải có sự chọn lựa. Chọn từ nào lập tức thể hiện rằng gu của tác giả ở mức độ nào”.

 Cũng cần phải nói thêm rằng, một tự sự lịch sử không chỉ thể hiện quan điểm của người viết mà còn chịu ảnh hưởng từ thời đại: bối cảnh, ý thức xã hội, chính trị… Chính vì vậy, mặc dù lịch sử từ góc nhìn văn chương không phải là một đề tài mới nhưng chắc chắn sẽ còn châm ngòi cho nhiều tranh cãi, khơi gợi nhiều cách tiếp cận và những cuộc kiếm tìm./.

“Diễn giải quá khứ lịch sử của văn chương sẽ làm thay đổi cách tiếp nhận lịch sử như thế nào hoặc bổ sung cho cách tiếp nhận lịch sử như thế nào? Đó là câu hỏi rất lớn: giữa cốt lõi lịch sử, sự thật lịch sử và sự thật vắn tắt của lịch sử với diễn giải chi tiết, mang tính cảm xúc của văn chương là như thế nào? Bởi vì chính văn chương đã bổ sung vào kiến tạo căn tính của đối tượng mà nếu chỉ nhìn trên khung khổ lịch sử đơn giản thì không thể thấy hết được” - GS. Trần Ngọc Vương.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận