Loạn danh xưng thần tượng: Đừng ảo tưởng

Một nam ca sĩ gần đây ra mắt phim về cuộc đời mình, liền gây tranh cãi với tên phim có danh xưng tự phong 'ông hoàng'.

 

Thực tế, nhiều người hoạt động trong giới giải trí không có đóng góp lớn nhưng luôn tự mãn với những danh xưng không xứng đáng.

Showbiz lắm “vua”, nhiều “hậu”

Những năm qua, sự lên ngôi của “ông hoàng”, “bà chúa” trong giới giải trí không còn xa lạ. Thậm chí, số lượng tăng lên theo từng năm. Công chúng cũng quen với danh xưng gắn liền với tên của nghệ sĩ như: ông hoàng nhạc Việt Đàm Vĩnh Hưng, nữ hoàng giải trí Hồ Ngọc Hà, công chúa V-Pop Bảo Thy, vua nhạc sến Ngọc Sơn… Ngay cả người mẫu nội y cũng được ưu ái gắn liền với ngôi vị “nữ hoàng”. Hotgirl Chi Pu cho rằng ở Việt Nam cứ cầm mic lên là thành ca sĩ, khiến công chúng càng hồ nghi, mất niềm tin vào giá trị của những danh xưng trong giới giải trí vốn ồn ào.

TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên nhận định, những danh hiệu này đến từ sự yêu mến của khán giả dành cho nghệ sĩ, hoặc bắt nguồn từ lời khen của ban giám khảo, huấn luyện viên dành cho nghệ sĩ khi họ tham gia chương trình truyền hình thực tế. Đôi khi, loạt mỹ từ này là phần thưởng, sự ghi nhận, cũng là động lực khuyến khích nghệ sĩ tiếp tục phấn đấu.

Đàm Vĩnh Hưng phải rút “The King” sau khi tên phim Hào quang rực rỡ - The king gây nhiều tranh cãi.

“Danh xưng dành cho nghệ sĩ toàn lời hay, ý đẹp không có danh xưng nào gắn với từ ngữ xấu cả. Chúng ta có thể thấy danh xưng xuất hiện từ đặc điểm, phong cách riêng của nghệ sĩ mà do khán giả yêu mến đặt cho, ví dụ chim họa mi, chim sơn ca, hoàng tử, công chúa... Các danh xưng này không có sự định danh về chuyên môn, không thể hiện qua thi cử, bằng cấp hoặc bình chọn của bất kỳ hội đồng chuyên môn nào. Các danh xưng giống như tên gọi bằng sự yêu thương, trong đó có cả sự động viên khuyến khích của khán giả dành cho nghệ sĩ”, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh nêu.

“Thay vì tự đánh bóng thương hiệu, nghệ sĩ cần chăm sóc kỹ hơn các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là giữ gìn hình ảnh, đạo đức, tác phong. Thương hiệu quan trọng nhất chính là từ tấm lòng, sự trân trọng của khán giả. Điều đó mới thực sự bền vững”. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Tuy nhiên, danh xưng chưa chắc tương xứng với tài năng, mà còn khiến nghệ sĩ ảo tưởng về hào quang và quyền lực. Việc loạn danh xưng nóng lên khi Đàm Vĩnh Hưng xưng “vua”, đặt tên cho phim về cuộc đời mình là Hào quang rực rỡ - The King. Tới dự lễ ra mắt phim của đàn anh, Trấn Thành khóc lóc kể khổ: “Đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ nhiều. Có nhiều thăng trầm. Nếu ai thích tiền, hào quang thì mời lên đây để nếm bốn chữ hào quang rực rỡ và biết nó là gì”.

Phát ngôn của Trấn Thành gây bão dư luận, khiến “ngai vua” của Đàm Vĩnh Hưng nhận gạch đá. Vài ngày sau, ê-kíp Đàm Vĩnh Hưng rút chữ The King trong tên phim, nam ca sĩ khẳng định chưa bao giờ dám vỗ ngực xưng tên với những danh xưng ông hoàng nhạc Việt hay vua, chúa. Tuy nhiên, hành động đó không khiến công chúng “nguôi giận”.

Tôn trọng chuẩn mực đạo đức của xã hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội lý giải, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh rất gay gắt, đặc biệt khi thị trường giải trí sôi động như hiện nay, để cạnh tranh, các nghệ sĩ luôn phải xây dựng thương hiệu và phát triển khán giả.

Loạn xưng ông hoàng bà chúa giới showbiz.

“Điều này dẫn đến việc họ phải rất nỗ lực, kể cả việc tạo ra các chiêu trò nhằm tạo sự quan tâm của truyền thông, dư luận để tạo thương hiệu. Sự lộn xộn này được tiếp thêm sức mạnh bởi những chia sẻ, tung hô trên mạng xã hội, tạo ra những vầng hào quang giả tạo”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.

Nghệ sĩ cần có trách nhiệm lớn với cộng đồng bởi họ có sức ảnh hưởng tới cộng đồng và xã hội thông qua tác phẩm. Vì vậy, việc sử dụng các danh xưng không xứng đáng có thể gây ra hậu quả tiêu cực đến sự uy tín và danh tiếng của nghệ sĩ, cũng như ảnh hưởng đến tinh thần và nhận thức của cộng đồng. Đối với nghệ sĩ, việc sử dụng các danh xưng không phù hợp có thể xem như hành động đánh mất uy tín và chất lượng của mình.

Những danh xưng tự phong có ảnh hưởng tiêu cực đến sự giáo dục đạo đức, nhân cách trong xã hội, đặc biệt khi đó lại là những nghệ sĩ nổi tiếng, nhận được nhiều sự quan tâm, xã hội luôn mong muốn họ trở thành tấm gương sáng, thể hiện trách nhiệm xã hội nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay.

“Nghệ sĩ cần đảm bảo rằng các tác phẩm của họ được đánh giá dựa trên giá trị nghệ thuật thực sự, chứ không phải chỉ vì danh xưng hoặc các chiêu trò quảng cáo. Đồng thời, họ có trách nhiệm đối với cộng đồng, bởi vì tác phẩm có thể ảnh hưởng đến tư tưởng, giá trị và hành vi của cả một cộng đồng. Việc sử dụng các danh xưng không xứng đáng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực, chẳng hạn như khuyến khích các hành vi bạo lực, thiếu tôn trọng đối với những giá trị đạo đức, hay làm giảm giá trị của tác phẩm nghệ thuật”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

“Sự tương tác, gần gũi với công chúng rất quan trọng”, TS. Đặng Vũ Cảnh Linh nêu quan điểm. Ông cho rằng, nghệ sĩ cần tôn trọng chuẩn mực đạo đức của xã hội, nên tham gia vào việc làm tích cực với xã hội và không nên ngộ nhận những danh xưng, nhất là danh xưng kêu như “ông hoàng”, “bà chúa” dẫn đến những cư xử không đúng.

Bất kỳ nghệ sĩ nào được gắn với danh xưng cũng cần suy nghĩ tích cực, coi đó là tình cảm của một bộ phận khán giả và truyền cảm hứng cho hoạt động lao động sáng tạo. Từ danh xưng đó nghệ sĩ cần cống hiến, sáng tạo nhiều tác phẩm có chất lượng chuyên môn phục vụ công chúng./.

Thật tai hại nếu “chỉ có vậy”  Nhiều nghệ sĩ có uy tín đều “giãy nảy” khi bị gắn với những danh xưng rất kêu. Năm 2015, áp phích chương trình có sự xuất hiện của Trọng Tấn in kèm dòng chữ ông hoàng nhạc đỏ. Vốn kín tiếng nhưng giọng ca Rặng trâm bầu phải lập tức lên tiếng đây là áp phích giả mạo. Về danh xưng ông hoàng nhạc đỏ, Trọng Tấn cho rằng, từ trước đến nay, ở Việt Nam chỉ tồn tại hai danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và Nghệ sĩ nhân dân được công nhận và phong tặng như một sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp, cống hiến dành cho nghệ sĩ. Tất cả danh xưng khác đều do truyền thông và công chúng mến mộ dựa vào sự cảm tính, đánh giá cá nhân.  Trong một chương trình truyền hình, NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cho rằng, nhiều nghệ sĩ đủ trưởng thành để miễn nhiễm với những danh xưng. Tuy nhiên, thật tai hại cho thế hệ trẻ khi lớn lên, nhìn vào nền âm nhạc nước nhà và nghĩ rằng giới nghệ thuật ở Việt Nam “chỉ có vậy”.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận