V.League liên tục bị bấm lệnh 'dừng'

Sau vòng 4 giải Vô địch Quốc gia (V.League), để tập trung cho hoạt động của đội tuyển U20 Việt Nam, mới đây, VPF bấm lệnh 'dừng' V.League 2023 khoảng 1,5 tháng.

 

Chưa hết, theo lịch đã công bố, quả bóng V.League sau khi lăn trở lại trong 3 vòng đấu sẽ tiếp tục “ngừng” khoảng 1 tháng nữa để làng cầu quốc nội “dồn lực” cho Đại hội Thể thao khu vực SEA Games.

Lẽ dĩ nhiên, khi V.League liên tục bị “hoãn”, “nghỉ” cũng đồng nghĩa với việc sân chơi này sẽ phải “chạy nước rút” ở những “khúc cua” sau. Đơn cử như mùa giải 2015, cũng để chuẩn bị cho SEA Games 28, Ban tổ chức đã dừng V.League tới gần 2 tháng (từ ngày 14/2 tới 12/4), và ở 1/3 chặng đua cuối, các đội bóng chuyên nghiệp đều phải “gồng mình” ứng phó với tần suất thi đấu rất dày: 4 ngày/trận để giải hạ màn đúng hạn.

Trong lịch sử giải chuyên nghiệp, V.League còn từng phải “giải lao” vì một lý do “xưa nay hiếm”. Cũng ở mùa bóng 2015, sau vòng 15, làng cầu quốc nội bất ngờ nhận được chỉ thị “đá nhanh, đá gấp” từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Nguyên nhân là bởi tổ chức điều hành túc cầu giáo cao nhất nước nhà đã đạt được thỏa thuận đá giao hữu với một câu lạc bộ xứ sương mù là Manchester City. Không phủ nhận thực tế: So giày với “Man xanh” ít nhiều sẽ giúp cầu thủ Việt Nam “vỡ” ra nhiều điều nhưng về lộ trình, trận giao hữu này không nằm trong kế hoạch của VFF mà chỉ là chiêu đánh bóng thương hiệu của nhà tài trợ. Vậy nhưng, bất chấp tất cả, V.League vẫn phải dừng để cựu HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia T.Miura gom quân, và để Liên đoàn ghi điểm trong mắt người hâm mộ

Việc “ngắt” V.League làm nhiều “khúc” - nếu vì tập trung đội tuyển cho SEA Game hay Vòng loại World Cup ít nhiều nhận được sự cảm thông từ người hâm mộ thì việc Liên đoàn dành sự ưu tiên cho một trận giao hữu (với Manchester City tại V.League 2015) hay các giải trẻ (đội tuyển U20 Việt Nam ở mùa bóng năm nay) đã vấp phải sự phản ứng rất mạnh từ người hâm mộ cũng như ban lãnh đạo, ban huấn luyện các câu lạc bộ.

VPF bấm lệnh “dừng” V.League 2023 trong khoảng thời gian 1,5 tháng (từ ngày 20/2 tới mùng 6/4).

Trao đổi với báo giới, chiến lược gia ngoại quốc Bozidar Bandovic (đương kim HLV trưởng CLB Thanh Hóa) than thở: “Tôi chưa từng gặp giải đấu nào có quãng nghỉ dài như thế này. Ngay cả ở Thái Lan cũng chỉ có một quãng nghỉ nhưng không dài như thế này”. Đồng quan điểm và phân tích sâu hơn ở góc độ chuyên môn, “thuyền trưởng” của Hải Phòng FC là ông Chu Đình Nghiêm cho rằng: “Quãng nghỉ dài gần 50 ngày dù chỉ mới qua 4 vòng, gây khó cho các CLB. Các cầu thủ chỉ vừa bắt nhịp với cường độ thi đấu thì đã phải nghỉ dài. Khi trở lại, các HLV phải giúp họ bắt nhịp trở lại. Tôi thấy giải đấu bị cắt vụn ra quá nhiều”.

Ai cũng biết, Đội tuyển Quốc gia là bộ mặt của đất nước và nó cần được quan tâm hàng đầu. Thực tế đã chứng minh, một đội tuyển giỏi chỉ có thể được xây nên từ một giải vô địch Quốc gia có chất lượng. Nói cách khác, Đội tuyển Quốc gia là “phần ngọn”, còn “gốc” chính là các câu lạc bộ. Chẳng phải ở các nền bóng đá phát triển, khi xếp lịch thi đấu, bao giờ người ta cũng ưu tiên cho các CLB đó sao? Cần phải nói thêm là trong những “quãng nghỉ” này, lãnh đạo các CLB vẫn đều đặn trả lương cầu thủ còn ban huấn luyện sẽ phải liên tục thay đổi giáo án tập luyện để đón điểm rơi phong độ.

Tuy nhiên, ở dải đất hình chữ S, dường như các nhà làm giải không mấy lưu tâm đến yếu tố này - họ sẵn sàng “băm nát” giải quốc nội mà một trong những nguyên do chỉ là để phục vụ các tuyến trẻ!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận