PGS.TS Phạm Ngọc Trung: 'Chư Phật không ban chức tước, bổng lộc, tiền tài'

Chùa chiền là nơi để mình tự giải thoát, cho cõi lòng an lạc nhưng nhiều người nhầm lẫn nên cứ đến chùa là cầu xin đủ thứ.

 

Góc nhìn từ PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển – Học viện Báo chí và tuyên truyền.

PV: Chúng ta đều biết đi lễ đầu năm là một phong tục truyền thống đẹp của dân tộc. Thế nhưng với những hình ảnh báo chí phản ánh những ngày qua thì tìm một chỗ để đứng còn không nổi chứ nói gì đến du xuân, vãn cảnh. PGS.TS Phạm Ngọc Trung nghĩ sao về điều này?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Tôi thấy lễ hội đầu xuân năm nay lượng người tăng đột biến, có thể là sau 2 năm dịch bệnh Covid-19. Đông thì vui rồi nhưng có những người không có ý thức rõ ràng cái gọi là văn hóa tham gia các hoạt động cộng đồng nên cũng tạo ra những cảnh lộn xộn, bất cập.

Ví dụ như là mọi người dâng lễ quá nhiều và không đúng. Có khi bản thân họ không cầu nguyện mà lại thuê khấn. Một trong những điều kiện rất quan trọng của các tôn giáo tín ngưỡng nói chung là phải thành tâm. Dù là lễ mọn thôi, có thể là chén nước nhưng mình thành tâm thì điều đó mới có ý nghĩa.

Một số chùa chiền lớn do mọi người không tiếp cận được vào những nơi gọi là hậu cung và những nơi mà có tượng Phật, thế nên chen lấn nhau, rất xô bồ.

Rồi chuyện hóa vàng mã, thắp hương tràn lan cũng tạo ra khung cảnh không được văn minh.

PV: Tín ngưỡng là nhu cầu chính đáng của người dân. Nhưng khi mà hàng triệu người đi lễ đầu năm để cầu xin tiền tài, danh vọng thì có phải chăng con người đang ngày một “dựa dẫm” vào Phật, thánh?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Chúng ta thành tâm cầu nguyện là rất tốt rồi, nhưng cái quan trọng hơn và tốt hơn nữa là chúng ta phải thực hành những điều cầu nguyện trong cuộc sống hằng ngày. Cho nên các cụ ngày xưa mới nói là thứ nhất là phải tu tại gia, thứ nhì tu họ, thứ ba mới đến tu chùa. Tôi cho rằng, nếu chúng ta chỉ đến chùa để cầu nguyện thôi thì vẫn là đúng nhưng mà nó chưa đủ.

Một điều nữa, trong triết lý của đạo Phật thì ngay cả các thượng tọa Đại Đức cũng nói và trong kinh sách của Phật cũng nói là chùa chiền không phải nơi để cầu. Chùa chiền là nơi mình đến thực hiện nghi lễ tâm linh để mình tự giải thoát để cho cõi lòng mình, an lạc. Chư Phật không phải là người ban chức tước, bổng lộc, tiền tài cho người dân. Nhiều người chưa hiểu rõ điều này nên cứ đến chùa là cầu xin đủ thứ. Nhưng không phải như vậy.

Dòng người chen lấn tại một cơ sở tín ngưỡngPV: Chính vì hiểu sự hiểu nhầm đó, cho nên ngày nay đi chùa người ta thường mang theo lễ lớn để trước là dâng, sau là cầu và xin. Nhiều người trào phúng nói rằng đây việc làm này khác gì “hối lộ” “mua chuộc” Phật, thánh. Ông có quan điểm như thế nào?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Đấy là tâm lý đám đông. Mỗi khi mình đến một cơ sở thờ tự nào đó và thấy mọi người dâng lễ vật rất chi là nhiều rồi cúng khấn rùm beng, nếu mình không có bản lĩnh, không hiểu biết sâu sắc về bản chất của đạo Phật thì mình sẽ bị dao động và làm theo. Nhưng nếu những người hiểu biết thì tâm xuất là Phật biết rồi. Mình có thể đứng từ xa mình tĩnh tâm cầu nguyện. Cái đó chính là răn dạy chính bản thân mình những triết lý sống sau đó vận dụng vào cả 1 năm thì mình sẽ gặp được những điều tốt đẹp. Đấy chính là những điều mà giữa chuyện cầu nguyện với chuyện tự mình nhận thức được.

PV: Tại một ngôi đền người ta nói rằng là muốn được thăng tiến phải “vào luồn ra cúi” tức là phải bò qua gầm bàn thờ thánh. Còn tại Đền Bà Chúa Kho, có một câu chuyện truyền tai nhau là phải nhặt những tờ tiền mã mà người khác đem đi hóa xong rơi sót lại, dù chỉ là một mẩu nhỏ cũng được, vì đấy là bà Chúa Kho thiêng, gửi lộc về. Điều đó để thấy rằng, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín là rất nhỏ, thưa ông?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Đấy là những cái cực đoan thái quá, quan niệm lệch lạc, niềm tin một cách mù quáng xuất phát từ sự chân thành, rất đáng tôn trọng của phần lớn người dân đi lễ. Đó có thể là đã sang một khía cạnh của sự mê tín, từ đó xui khiến nhiều người làm những việc ảnh hưởng lớn đến kinh tế, gia đình, cuộc sống.

Cho nên là mọi người đi lễ bất kỳ ở đâu cũng phải hết sức tỉnh táo, tìm hiểu rất là sâu sắc những cái triết lý cũng như nghi lễ để thực hiện cho tốt.

PV: Thưa Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung có một câu hỏi có lẽ nhiều người đặt ra đó là đi lễ đầu năm đông đúc như thế, lộn xộn như thế thì liệu không đi lễ có làm giảm bớt may mắn, tiền bạc, công danh của gia đình mình?

PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Tôi cho rằng, đi lễ thì tùy theo hoàn cảnh. Còn không đi lễ cũng không sao cả. Bản thân tôi có những năm do sức khỏe, bận rộn tôi cũng không đi được. Tôi chỉ lễ trong tư gia thôi. Và tôi cảm thấy những năm đó tôi cũng rất là bình thường. Tôi biết, rất nhiều người đi lễ như một thói quen. Nếu thế thì cũng chỉ đi 1 - 2 địa điểm thôi chứ không nên đi quá nhiều. Có những người nói là một ngày có thể đi tới 5- 7 chùa chiền, thậm chí đi đến 10 địa điểm thờ cúng. Điều đó có lẽ chúng ta cũng phải cân nhắc và sắp xếp lại làm sao cho khoa học và phù hợp giữa công việc của cá nhân với những hoạt động của xã hội nói chung.

Nước ta có xuân thu nhị kỳ, thời tiết rất tốt để chúng ta thực hiện những nghi lễ tâm linh thì cũng có thể lựa chọn vào thời điểm khác, không cần thiết phải dồn hết vào đầu năm.

PV: Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Ngọc Trung!

Thanh Phượng/VOV2

 

Bình luận

    Chưa có bình luận