'Cần thiết có những công trình văn hóa lớn mang tầm vóc dân tộc'

PTT Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nhất thiết phải chuẩn bị đủ các điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của một dân tộc có nền văn hiến rực rỡ.

 

Ngày 22/12, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác VH-TT&DL năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 65 điểm cầu khắp cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác VH-TT&DL có xu hướng phục hồi tích cực sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: "Năm 2022 Ngành VH-TT&DL đã để lại nhiều dấu ấn, kết quả tích cực. Chưa bao giờ, ngành Văn hóa được BCH Trung ương Đảng đánh giá một cách sâu sắc, cả về kết quả và các tồn tại, vướng mắc như thời điểm này".

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, thể thao và du lịch theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với những thuận lợi và thách thức đan xen. Nhìn chung, công tác văn hóa, thể thao và du lịch có xu hướng phục hồi tích cực sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc.

Tuy nhiên, năm 2022 cũng chứng kiến nhiều yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, những vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo (xung đột Nga - Ukraine lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn, thị trường khách du lịch quốc tế bị thu hẹp, thiếu hụt cục bộ nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực du lịch, các hoạt động giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa còn hạn chế…) đã ảnh hưởng tới công tác triển khai nhiệm vụ của ngành.

Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngành VH-TT&DL đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chủ đề công tác năm 2022: "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ".

Trong năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba; thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư; phối hợp trình dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan và dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định, Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

SEA Games 31 được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh để lại nhiều dấu ấn về công tác tổ chức, chuyên môn.

Du lịch chính thức mở cửa lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 và phục hồi nhanh tại các địa bàn trọng điểm, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt khách, khách nội địa ước đạt 101 triệu lượt (vượt xa chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm).

Cần thiết có những công trình văn hóa lớn mang tầm vóc dân tộc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của ngành VHTT&DL trong thời gian qua, đặc biệt, thành tích đó được thể hiện qua 10 sự kiện tiêu biểu được bình chọn mới đây.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, ngành VHTT&DL đã triển khai được các hoạt động cụ thể, nhiều quy mô được triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá Toàn quốc.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta đã nói rất nhiều về phát triển bền vững. Người ta thường hay nói rằng, những nước đang phát triển đều mắc một căn bệnh chung, vì nghèo muốn vươn lên nên tập trung tăng trưởng kinh tế mà không để ý đến những vấn đề về môi trường, sau này thì mất cả chục năm mới khắc phục được sai lầm. Xa hơn, nếu không chú ý đến vấn đề văn hoá xã hội mà chỉ chú ý đến tăng trưởng kinh tế thì có khi phải mất hàng thế hệ...

Cũng theo Phó Thủ tướng, chúng ta cũng phải thẳng thắn quan tâm, nhìn nhận những vấn đề đã nói rất nhiều lần. Đảng, Nhà nước trong các văn kiện, Nghị quyết đều chú trọng đến phát triển văn hoá, lưu ý phát triển hài hoà giữa văn hoá, xã hội với kinh tế trong từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề triển khai thực hiện vẫn còn khoảng cách so với mong muốn trong Nghị quyết của Đảng. “Văn hoá có những đặc trưng mà ở góc độ nào đó rất khó cho đội ngũ thực hiện. Thứ nhất, đó là quan niệm ngành văn hoá vẫn thường được cho là không làm ra tiền, chỉ tiêu tiền. Thứ hai, làm văn hoá như phù sa bồi đắp dần dần, không phải vấn đề cấp bách, cái tốt nhiều năm mới thấy rõ, cái xấu cũng nhiều năm sau mới bộc lộ, và khi bộc lộ thì phải mất nhiều năm nữa, thậm chí cả thế hệ mới khắc phục được. Khi điều hành, thường thì những vấn đề cấp bách hơn lại được ưu tiên hơn...”, Phó Thủ tướng nêu và cho rằng, hai cái khó này sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 đã chuyển biến rất rõ.

Thứ ba, Phó Thủ tướng mong mỏi, đây sẽ là vấn đề có chuyển biến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Những câu chuyện như công nghệ thông tin, chuyển đổi số nếu không biết thì có thể hỏi chuyên gia.

Bước vào năm 2023, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành văn hoá cần tiếp tục phát huy tinh thần chịu khó, tỉ mỉ và kiên trì, vốn là đặc tính của ngành.

Thứ hai, cần đổi mới, mạnh mẽ và sáng tạo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, đáp ứng yêu cầu của xu thế mới.

Thứ ba, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhất thiết phải chuẩn bị đủ các điều kiện để đầu tư những công trình văn hoá lớn, mang tầm vóc của một dân tộc có một nền văn hiến rực rỡ. Đó là những Bảo tàng, thư viện, thiết chế văn hoá…, nhằm khắc phục tình trạng thiếu chỗ trưng bày các hiện vật, bảo vật quý hiếm, tình trạng hỏng hóc những bức tranh vô giá. Đó không chỉ là những công trình đáp ứng công năng sử dụng mà còn là những di sản về kiến trúc để lại cho thế hệ sau.

Thứ tư, phải đẩy mạnh hơn nữa sự tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, đoàn thể… “Chúng ta ngày hôm nay tự hào vì có một nền văn hiến rực rỡ mấy ngàn năm, đó là mồ hôi, là máu, nước mắt của cha ông. Chúng ta đang tận hưởng, phát huy điều đó, và điều cần làm là bồi đắp thêm trên nền tảng ấy cho thế hệ sau…, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phải quan tâm thực sự tới giới văn nghệ sĩ. “Các văn nghệ sĩ trừ số ít đã trở thành người công chúng, người nổi tiếng, còn lại phần lớn chỉ hào nhoáng trên sân khấu, còn ra bên ngoài, sau cánh gà vô cùng khổ, đời sống bấp bênh, thu nhập thấp. Chế độ chính sách không thể mãi thế này được. Đào tạo thế hệ trẻ trong các trường nghệ thuật, anh chị em diễn viên tập luyện khổ sở mới có được một tác phẩm… nhưng chế độ chính sách quá thấp. Đây là vấn đề phải thực sự được quan tâm”. Phó Thủ tướng nói.

Trong vấn đề xã hội hoá, theo Phó Thủ tướng, chưa có nhiều cơ chế thuận lợi thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có mong muốn đầu tư cho văn hoá nghệ thuật.

Cuối cùng, theo Phó Thủ tướng, khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần chú trọng khai thác tổng lực, trong đó dựa vào điều kiện tự nhiên, văn hoá, con người như một nguồn lực cho sự phát triển. “Muốn du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có giải pháp mạnh, chính sách thật tốt, không thể cứ bình bình…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận