'Bài ca tình yêu' - Tác phẩm lớn cuối cùng của nhạc sĩ Doãn Nho

Ở tuổi 90, nhạc sĩ Doãn Nho nói rằng vở nhạc kịch "Bài ca tình yêu" có lẽ sẽ là tác phẩm lớn cuối cùng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông.

 

Sáng nay (14/12), họp báo giới thiệu vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” của Nhạc sĩ Doãn Nho được tổ chức tại Hà Nội. Vở nhạc kịch của nhạc sĩ Doãn Nho do Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam phối hợp thực hiện sẽ có hai buổi công diễn vào ngày 21 và 22/12/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Họp báo giới thiệu vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” của Nhạc sĩ Doãn Nho.

Ở tuổi 90, nhạc sĩ Doãn Nho nói rằng vở nhạc kịch "Bài ca tình yêu" có lẽ sẽ là tác phẩm lớn cuối cùng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông. Nhạc sĩ Doãn Nho đã dồn nén tất cả tâm huyết của mình cùng với sự thăng hoa về cảm xúc khi suy nghĩ về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đây là công trình nghệ thuật có quy mô lớn và giá trị tư tưởng, nghệ thuật sâu sắc, ca ngợi sự hy sinh cao cả, ý chí, truyền thống anh hùng của quân dân ta.

Nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định những chất liệu âm nhạc dân gian có giá trị lớn, là thành tố không thể thiếu để kết hợp với âm nhạc hiện đại, góp phần viết nên vở "Bài ca tình yêu". Đặc biệt, con trai của ông - nhạc sĩ, NSƯT Doãn Nguyên - sẽ đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc cho vở này.

Đạo diễn sân khấu, NSƯT Lê Thụy - người đồng hành với nhạc sĩ Doãn Nho trong vở nhạc kịch "Bài ca tình yêu" - cho biết anh trăn trở trước khi bắt tay dựng vở. Ở Việt Nam, không nhiều tác phẩm opera, nhạc kịch có điều kiện để dàn dựng công phu.

"Tôi từng dựng nhiều vở kịch, cải lương, chèo... nhưng nhạc kịch thì là thể loại chưa bao giờ đụng đến. "Bài ca tình yêu" là vở nhạc kịch thứ 7 trong lịch sử sân khấu Việt Nam. Nếu như không đam mê sân khấu, không đam mê âm nhạc thì rất khó làm. Sau khi nghe bản demo phần nhạc của vở kịch, tôi cảm nhận được sự dung dị, đậm đặc màu sắc, âm hưởng của âm nhạc dân tộc. Âm nhạc dễ nghe, dễ đi vào lòng người. Câu chuyện tình yêu, tình quân dân trong vở nhạc kịch mộc mạc như thơ Nguyễn Bính, nhẹ nhàng như các tác phẩm của Thạch Lam và gần gũi với những người ở lứa tuổi của tôi", đạo diễn Lê Thụy chia sẻ.

Trong thời gian qua, hơn 150 nghệ sĩ là giảng viên, học viên Trường Đại học VHNT Quân đội và các nghệ sỹ Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam đã tích cực luyện tập, hoàn thành cơ bản khối nội dung lớn của tác phẩm lớn mang phong cách thính phòng kinh điển.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với chặng đường hơn 70 năm phục vụ trong quân đội và hoạt động âm nhạc, đã công hiến cho đất nước nhiều tác phẩm có giá trị như: Ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Chiếc khăn Piêu”, ... Các tác phẩm của nhạc sĩ Doãn Nho đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, cổ vũ quân dân ta trong các cuộc kháng chiến cứu quốc và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Bên cạnh đó, nhạc sĩ Doãn Nho có nhiều sáng tác mang tầm vóc về giao hưởng, thanh xướng kịch, nhạc kịch... về đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng” có giá trị nghệ thuật và lịch sử văn hóa cao. Với những đóng góp lớn lao đó, nhạc sĩ Doãn Nho đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 2 năm 2001, và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 5 năm 2017./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận