NSND Quốc Hưng: 'Trong cuộc đời, ai cũng có tình yêu đơn phương'

Khán giả sẽ không khỏi bất ngờ khi đón nhận thông tin Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng ra mắt sản phẩm âm nhạc mới gắn liền với dòng nhạc tình.

 

NSND Quốc Hưng chọn những ngày cuối năm để phát hành bộ sản phẩm CD và video album “Gửi dĩ vãng”. Đây là album nhạc tình đầu tiên của NSND Quốc Hưng tập hợp 10 tuyệt phẩm về tình yêu đã quen thuộc với công chúng yêu nhạc nhiều năm qua.

NSND Quốc Hưng hiện là một trong những giọng ca hàng đầu của nghệ thuật Opera Việt Nam. Cùng với thầy của mình NSND Trần Hiếu, anh được coi là người sở hữu giọng bass quý hiếm và trầm nhất Việt Nam. NSND Quốc Hưng là gương mặt quen trong các chương trình hòa nhạc lớn ở Hà Nội, TP.HCM nhiều năm qua. Đồng thời, anh cũng thường xuyên xuất hiện trong các chương trình nghệ thuật lớn ngợi ca quê hương, đất nước, lịch sử và truyền thống dân tộc. Người yêu nhạc thính phòng cổ điển Việt Nam hẳn sẽ không thể quên giọng hát của NSND Quốc Hưng khi thể hiện aria “Vousqui Taites L’sendo Rmie” trích trong Opera “Faust” (Tiếng cười con quỷ) của nhà soạn nhạc lừng danh Charler Gound hay aira “Figaro” trích trong Opera “Đám cưới Figaro” của thiên tài âm nhạc Mozart... Rồi những ca khúc nhạc đỏ mang âm hưởng hùng tráng như “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” (Chu Minh), “Tổ quốc gọi tên mình” (Đinh Trung Cẩn - Nguyễn Phan Quế Mai)...

Vốn là một trong những giọng ca hàng đầu của nghệ thuật Opera Việt Nam, thế nên việc NSND Quốc Hưng cho ra mắt album nhạc tình khiến nhiều người bất ngờ.

NSND Quốc Hưng.

Album là lời tri ân với quá khứ

Album nhạc tình đầu tiên của NSND Quốc Hưng có gì đặc biệt?

Trong album này, tôi chọn thể hiện 3 tác phẩm của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên là “Bài tình ca cho em”, “Tình khúc buồn” (Thơ: Phạm Quang Duy), “Áo lụa Hà Đông” (Thơ: Nguyên Sa); 3 bài của nhạc sĩ Vũ Thành An gồm “Bài không tên số 4”, “Bài không tên cuối cùng”, “Một lần nào cho tôi gặp lại em”. Ngoài ra, album còn có những tuyệt phẩm “Anh còn nợ em” (nhạc Anh Bằng, thơ Phạm Thành Tài), “Mắt lệ cho người” (Từ Công Phụng), “Nửa hồn thương đau” (nhạc Phạm Đình Chương, thơ Thanh Tâm Tuyền). Trong đó, nhạc phẩm đầu tiên ra mắt công chúng trong Video album là "Mắt lệ cho người" của nhạc sĩ Từ Công Phụng.

Album khởi nguồn từ mong muốn tìm về kỷ niệm và tri ân với quá khứ của chính mình. Trước mỗi một buổi thu âm, tôi thường dành một khoảng thời gian để cùng nhạc sĩ Kiên Ninh uống một ly rượu nhẹ cùng trò chuyện về tác phẩm sẽ thu và dành một khoảng lặng cho riêng mỗi người. Chỉ khi thấy đủ ngấm và sẵn sàng thì hoạt động thu âm mới bắt đầu được tiến hành. Cho nên gần như các bài trong album đều được tôi thể hiện một lần duy nhất là đạt ngay yêu cầu và bắt nhập được tâm hồn mình vào thế giới nội dung ca từ của ca khúc.

NSND Quốc Hưng hiện là một trong những giọng ca hàng đầu của nghệ thuật Opera Việt Nam. Vậy lý do vì sao anh lại cho ra mắt một album nhạc tình?

Thực tế trước khi đến với Opera cổ điển, tôi đã từng là một kép chính tại Nhà hát Chèo Hà Nội. Ngay trong những năm tháng đầu tiên học tập tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), tôi cũng đã có giai đoạn dài đi hát tại những tụ điểm, phòng trà, quán cafe ca nhạc ở Hà Nội. Tôi là giọng ca quen thuộc của quán cafe ca nhạc 84 Nguyễn Du nổi tiếng đất Hà thành một thời.

Thời điểm đó, tên tuổi của tôi gắn với các ca khúc nhạc tình như “Nỗi lòng người đi” (Anh Bằng), “Lệ đá” (Trần Trịnh), “Tuyết rơi” (nhạc Pháp)... Cho nên với Quốc Hưng, hát những ca khúc nhạc tình như một dịp quay ngược dòng thời gian để tìm lại những cảm xúc xưa cũ, những rung động thời trai trẻ cũng như được đắm mình trong những giai điệu lãng mạn về tình yêu đôi lứa. Album được lấy tên chủ đề là “Gửi dĩ vãng” cũng có ý là gửi về một quãng thời gian tuổi trẻ đã qua của tôi.

Quay về dòng nhạc đã từng gắn bó với mình một thời, anh gặp khó khăn gì không?

Nhiều ca khúc nhạc tình rất giàu nhạc tính và chất liệu nghệ thuật ẩn chứa trong đó rất cao cho nên thể hiện ra chất những tác phẩm này cũng không hề đơn giản, đòi hỏi người hát phải có cảm xúc âm nhạc tràn đầy, phải có tâm hồn lãng mạn, phải biết biến âm nhạc thành một cuộc rong chơi do chính mình chủ động và phải có giọng hát tốt, có làn hơi đủ đầy.

Thậm chí không ít ca khúc giống như khuôn khổ một romance của âm nhạc phương Tây đòi hỏi người nghệ sĩ phải có kỹ thuật thanh nhạc mới chinh phục được, chẳng hạn như trong album “Gửi dĩ vãng” có bài “Nửa hồn thương đau”. Cho nên thể hiện những tác phẩm trữ tình thuộc dòng nhạc tình lãng mạn cũng góp phần bồi đắp thêm cho tâm hồn người nghệ sĩ những cảm xúc mới. Và vì thế, khi người nghệ sĩ thính phòng cổ điển thể hiện những tác phẩm nhạc tình cũng góp phần tạo thêm màu sắc mới cho những tác phẩm này và mở rộng thêm ranh giới tác phẩm, màu sắc âm nhạc mà người nghệ sĩ có thể thể hiện.

Anh có chia sẻ anh từng kiếm tiền bởi dòng nhạc này. Sau khi trở lại với dòng nhạc này anh có nghĩ mình sẽ đắt sô hơn không?

Trước kia khi là học sinh, sinh viên tôi đã đi hát ở nhiều tụ điểm ở Hà Nội, được đón nhận mạnh mẽ. Các thầy cũng không thích học sinh hát cho lắm, nhưng thôi cứ cố gắng. Học sinh lúc đó nghèo, đi hát có thu nhập cũng kha khá, nuôi bản thân mình. Nhưng ngoài ra vẫn phải tập trung học ở Nhạc viện. Sau đó thì tôi chững lại đến khi lên đại học thì không đi hát mà tập trung thính phòng, cổ điển. Rồi tôi được giữ lại làm giảng viên thì tập trung dạy học, trau dồi kiến thức để truyền đạt lại cho các thế hệ học sinh sinh viên. Khi đến một độ tuổi nào đó, tôi lại muốn quay trở lại hát những tác phẩm ngày xưa được đón nhận. Còn để đi theo con đường này không, thì hữu xạ tự nhiên hương, nếu thơm thì nhiều người muốn thưởng thức nó.

Vì sao NSND Quang Thọ không thích anh hát dòng nhạc đó? Nếu như học sinh của anh bây giờ đang học mà hát dòng nhạc này muốn kiếm tiền như anh ngày xưa thì anh có cấm?

Không. Và thực ra các thầy không cấm. Thầy Trần Hiếu, thầy Quang Thọ muốn trao dồi cho học trò kiến thức cơ bản tốt nhất, để nắm bắt tốt mới đi ra ngoài hát. Thầy không cấm, nhưng trong thâm tâm nghĩ các em đi hát thì sẽ có nhiều cái thầy dạy trên lớp sẽ mai một kỹ thuật mà thầy truyền đạt.

Trong cuộc đời ai cũng có tình yêu đơn phương

Được biết bìa đĩa là do con gái anh học ở Hàn Quốc thiết kế. Không biết khi bố con trao đổi, anh có phải kể hết mọi chuyện tình của bố cho con gái để con gái lấy ý tưởng không. Tên là “Gửi dĩ vãng” có phải anh muốn quay về dĩ vãng?

Tôi có 2 cô con gái, vợ chồng khắc khẩu, cãi nhau rất nhiều nhưng không bao giờ để con biết. Trong mắt con bố mẹ vẫn là tuyệt vời nhất. Khi con gái thiết kế, tự cháu nghĩ. Tôi ngày trước mùa đông hay mặc áo da dài, tự cháu vẽ ra bìa hình ảnh đó. Cái tên “Gửi dĩ vãng” cũng chính do hai mẹ con nghĩ ra. Thực sự tôi bí chưa biết đặt tên là gì. Bìa đĩa nhìn đơn giản nhưng chất chứa nhiều tình cảm dành cho ba.

Ca khúc được lựa chọn có nhiều ca khúc có liên quan tựa đề, dĩ vãng của anh có thương đau không?

Trong cuộc đời ai cũng có tình yêu đơn phương, nhiều cuộc chia tay mà không hiểu tại sao chia tay, thực sự đau khổ. Mỗi tác phẩm đều chất chứa tâm hồn của mình đã bị đau thương, thổn thức. Mỗi tác phẩm đều đánh dấu tên tuổi, câu chuyện thương đau của nhạc sĩ. Ví dụ như “Nửa hồn thương đau” là câu chuyện đau đớn của một mối tình.

Dự định của anh với nhạc tình sau abum này?

Sau khi “Gửi dĩ vãng” đến với đông đảo công chúng, tôi sẽ vẫn tiếp tục ra mắt những sản phẩm âm nhạc thuộc dòng nhạc xưa, nhạc trữ tình... Với tôi, được thể hiện những nhạc phẩm này như đánh thức những cảm xúc rất riêng mà bấy lâu nay đang ẩn nấp ở một góc khuất nào đó trong tâm hồn. Tuy nhiên, sự nghiệp ca hát chính của tôi vẫn là dòng nhạc Opera và những khúc chính ca vốn đã định hình cái tên và giọng hát Quốc Hưng trong đời sống âm nhạc và trong lòng công chúng yêu nhạc cả trong và ngoài nước.

Xin cảm ơn anh!./.

NSND Quang Thọ nói về album mới của học trò: "Trong khi học, thực ra các thầy các cô trong khoa thanh nhạc thực ra không cấm các em sinh viên hát các bài hát “ngoài luồng”, ngoài dòng âm nhạc chính thống, sau này gọi là nhạc Đỏ. Tất cả những bài hát thời đầu tiên, thời tiền chiến, hoàn toàn không được hát trong khoa Thanh nhạc từ những năm 2000 trở về trước. Sau này mới dần dần đưa một số tác phẩm, những bài hát tiền chiến, những bản tình ca xưa của các nhạc sĩ, kể cả Phạm Duy, cũng đưa vào giáo trình của khoa thanh nhạc. Chứ không phải các thầy cô trong khoa Thanh nhạc cấm các em sinh viên không được hát các tác phẩm đó. Những tác phẩm đó là những tác phẩm để đời, cho đến bây giờ chúng ta vẫn đang lưu giữ và vẫn ca hát, những tác phẩm nghệ thuật chính thống hay, được viết vào những năm tháng đã xa rồi. Lúc đó không có chiến tranh, không có sự chia cắt và không có gì là chính trị lồng vào nên nó còn sống mãi và đến giờ chúng ta vẫn được quyền hát những bài hát đó - Không phải trên phương diện truyền thông, chương trình ca nhạc lớn mà trong khoa Thanh nhạc vẫn được hát, vẫn tuyên truyền. Cho đến giờ thì không có chuyện cấm.

Quốc Hưng không phải cứng nhắc trong các aria, các vở opera, trường ca nổi tiếng của các nhạc sĩ lớn… mà trong tâm hồn nghệ sĩ có rất nhiều điều chỉ thổ lộ ra như thế nào, ở lúc nào thôi. Một khi nó đã tuôn trào dòng âm nhạc đó thì chan chứa, và nhiều người rất ngạc nhiên vì sao thế. Trong con người Quốc Hưng có cái đó, tiềm tàng và cho đến lúc này bộc lộ. Chúng ta không nghi ngờ, không ngạc nhiên khi Quốc Hưng ra một loạt tác phẩm tình ca xưa thấm trong tâm hồn Quốc Hưng từ thời còn là sinh viên.

Tác phẩm Quốc Hưng trình bày tôi đã nghe nhiều lần. Tôi nghĩ rằng những MV sau này Quốc Hưng thể hiện, với ê kíp sẽ còn đẹp, hay hơn thế nữa".

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận