'Khúc hát từ trái tim hồng'

Đêm nhạc mang chủ đề 'Khúc hát từ trái tim hồng' tri ân cố nhạc sĩ Lê Việt Hòa, cố nhạc sĩ Thanh Phúc và nhạc sĩ Trọng Đài.

 

Đêm nhạc mang chủ đề “Khúc hát từ trái tim hồng” tri ân cố nhạc sĩ Lê Việt Hòa, cố nhạc sĩ Thanh Phúc và nhạc sĩ Trọng Đài diễn ra vào 20h ngày 7/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Ca khúc “Mùa xuân trên sông Tô” của nhạc sĩ Lê Việt Hòa.Chia sẻ tại buổi họp báo, NSND Việt Hương (con gái cố nhạc sĩ Lê Việt Hòa) không giấu được xúc động khi Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức đêm nhạc tri ân ba nhạc sĩ là hội viên của Hội trong đó có bố mình: “Tôi rất vui khi mình đến nhà hát để thưởng thức tác phẩm của bố, chỉ tiếc rằng ông không còn nữa. Tôi đã tìm lại tư liệu mình từng quay cho bố để làm phóng sự cuộc đời sáng tác âm nhạc của ông. Những hình ảnh khi bố đánh đàn cho tôi hát, những chia sẻ về các sáng tác, tôi thấy ông như đang hiện hữu bên mình, mọi ký ức ùa về khiến tôi vô cùng xúc động”.

nhạc sĩ Lê Việt HòaĐối với những người làm nghệ thuật, có một tác phẩm để đời là đủ để “lưu danh”. Nhắc đến nhạc sĩ Lê Việt Hòa, khán thính giả không thể không nhắc tới ca khúc nổi tiếng “Gửi em chiếc nón bài thơ” (phỏng thơ Sơn Tùng), bài hát đưa tên tuổi của NS đến gần hơn với công chúng cả nước. Bên cạnh đó, NS cũng để lại cho nền âm nhạc nước nhà chùm sáng tác mang âm hưởng dân ca Việt Nam như: Mùa Xuân trên sông Tô. Cô gái Na Hang, Gửi sông La (phỏng thơ Hoàng Thị Minh Khanh), Nhớ xứ Đoài (thơ Nguyễn Hoàng).

NSND Việt Hương chia sẻ: nhạc sĩ Lê Việt Hòa là phóng viên, biên tập viên tại Ban Âm nhạc, Đài TNVN. Ông đi thực tế ở nhiều ngành, nhiều vùng miền đất nước để tìm cảm hứng sáng tác. Gặp ông ở đâu cũng thấy ở ông nụ cười thân thiện, gần gũi với mọi người. Ông quan niệm: “Muốn viết được bài hát thì người nhạc sĩ phải đằm mình vào thực tế đời sống mới có cảm xúc phong phú để sáng tác”. Ngay cả khi ở cái tuổi ngấp nghé xưa nay hiếm, ông bất chấp sự bấp bênh về sức khỏe, quyết tâm dấn thân vào chuyến xuyên Việt Trường Sơn đầu tiên kỳ ngộ của mùa khô năm 2000. Dọc hành trình vất vả ấy, những cảm xúc “Trở lại Trường Sơn” đã được ngân lên... Hay nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhạc sĩ Lê Việt Hòa đã sáng tác ca khúc “Mùa xuân trên sông Tô” - tác phẩm được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Năm 2017 ông được Chính phủ truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho 2 tác phẩm: “Gửi em Chiếc nón bài thơ” và “Gửi Sông La”. Nhạc sĩ Lê Việt Hoà đã cống hiến cả đời cho nền nghệ thuật nước nhà. Những giai điệu trữ tình nồng nàn, những lời ca giản dị mà sâu sắc, thiết tha cứ nhẹ nhàng len lỏi vào lòng khán giả; để hình ảnh người nhạc sĩ thân thiện, bình dị ấy sẽ còn sống mãi trong lòng công chúng cả nước.

nhạc sĩ Thanh Phúc. (Ảnh: KT)Đến với đêm nhạc khán giả còn được thưởng thức những ca khúc nổi tiếng cũng như hiểu thêm về cuộc đời âm nhạc của cố nhạc sĩ Thanh Phúc và nhạc sĩ Trọng Đài.

Các ca khúc đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Thanh Phúc được trình diễn tại đêm nhạc là: Người Mèo ơn Đảng, Nhớ giọng hát Bác Hồ (thơ Tạ Hữu Yên), Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi (lời Hải Hồ và Thanh Phúc), Con về quê mẹ Quảng Trị anh hùng, Hà Giang quê tôi. Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc từng công tác ở Đoàn Ca múa nhạc Tổng cục Chính trị. Sau đó ông về công tác tại Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân của Đài TNVN, phụ trách chuyên mục “Chiến sĩ ta ca hát. Tác phẩm đầu tiên của ông là “Người Mèo ơn Đảng” đoạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi sáng tác ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1957. Còn ca khúc “Hà Giang quê hương tôi” được chọn làm tỉnh ca và nhạc hiệu Đài PTTH tỉnh Hà Giang… Ngoài ra ông còn sáng tác nhạc thiếu nhi, cùng nhiều ca khúc hay và được đông đảo bạn yêu nhạc biết đến. Nhóm tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Phúc được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt 1, năm 2001 là 5 bài hát: “Người Mèo ơn Đảng”, “Nhớ giọng hát Bác Hồ” (thơ Tạ Hữu Yên), “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” (thơ Hải Hồ), “Hà Giang quê tôi” và “Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng”.

NSND, nhạc sĩ Trọng Đài hiện là Ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông từng làm Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên là Giám đốc Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí (nay là Ban Âm nhạc) VOV3 Đài TNVN.

nhạc sĩ Trọng Đài. (Ảnh: KT)

Nhắc tới nhạc sĩ, NSND Trọng Đài là nhắc đến những ca   tiếng như “Hà Nội đêm trở gió” (phỏng thơ Chu Lai), “Chị tôi” (thơ Đoàn Thị Tảo) và hàng loạt ca khúc nhạc phim… Đặc biệt là tuyển tập ca khúc dành cho thiếu nhi “Con đường tuổi hồng” gồm 60 ca khúc: Buổi sáng sân nhà em, Cây đa, Con bướm vàng, Con chim hay hót… Ông còn sáng tác nhiều tác phẩm viết cho độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc cổ truyền, các tác phẩm thính phòng giao hưởng... Với những đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Trọng Đài vinh dự được trao nhiều giải thưởng âm nhạc có giá trị, được Chính phủ và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012 với cụm tác phẩm: “Hà Nội đêm trở gió” (thơ Chu Lai & Trọng Đài), “Chị tôi” (thơ Đoàn Thị Tảo), Giao hưởng “Hòa tấu Thăng Long” và “Tiếng rao”. Ngoài ra, nhạc sĩ Trọng Đài còn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015./.

Hương Giang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận