Trần Đăng Khoa: Nhà văn Lê Lựu xuề xòa nhưng lôi cuốn, dễ thuyết phục người khác

Nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự: "Lê Lựu xuề xoà, vui tính, dễ hoà đồng; ông hóm hỉnh, nói chuyện có duyên và sức lôi cuốn".

 

Nhà văn Lê Lựu vừa qua đời ở tuổi 81 sau nhiều năm chiến đấu với bệnh tật. Sức khỏe của ông suy yếu từ năm 2006, phải ra vào bệnh viện thường xuyên. Là tên tuổi lớn của văn đàn Việt Nam, sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với các đồng nghiệp.

Chia sẻ với VTC News, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết ông đang trên đường đi Khoái Châu, Hưng Yên để tiễn đưa bạn văn. Vài ngày trước, khi ông tới nhà thăm, nhà văn Lê Lựu đã rất yếu, không còn biết gì. Sự ra đi của tác giả Thời xa vắng khiến ông cảm thấy rất buồn.

"Lê Lựu thuộc lớp nhà văn quân đội, ra đời và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông là nhà văn lớn, mở đầu cho nên văn học đổi mới. Tác phẩm 'Thời xa vắng' của Lê Lựu quả thật là một thành công lớn của nền văn học nước nhà", Trần Đăng Khoa nói.

Nhà văn Lê Lựu qua đời ở tuổi 81.

Trong giới văn chương, Trần Đăng Khoa và Lê Lựu là hai người bạn thân thiết. Tác giả Góc sân và khoảng trời tâm sự: "Tôi và Lê Lựu có quá nhiều kỷ niệm nên không thể nào kể hết trên giấy bút. Với tôi, Lê Lựu là người xuề xoà, vui tính và dễ hoà đồng. Ông cũng là người thông minh, hóm hỉnh, nói chuyện có duyên và có sức lôi cuốn. Chính bởi tính cách ấy mà Lê Lựu rất dễ thuyết phục người khác".

Thương tiếc trước sự ra đi của nhà văn Lê Lựu, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc tâm sự: "Tôi cũng có duyên nợ với ông khi viết nhạc cho phim 'Thời xa vắng' chuyển thể từ tiểu thuyết của ông. Nhờ vậy mà tôi đã được giải Nhạc phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 8 năm 2005". Nói thêm với VTC News, nhạc sĩ bảo, dù chưa có cơ hội gặp gỡ nhưng ông luôn kính nể Lê Lựu - một nhà văn tài năng.

Với nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Lê Lựu là người "kiên nhẫn mài tỏ chữ tài, một tấm lòng lớn, bao dung với các thế hệ đi sau. "Tôi được nhà văn Lê Lựu chấm giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội (không có giải Nhất), nhưng khi gặp gỡ được ông an ủi, động viên. Sau này, ông tin cậy, khi làm báo Doanh nhân, tôi được ông đặt bài cùng với Khoa. Mỗi lần trò chuyện, ông đều thăm hỏi việc văn. Thương nhớ ông", Nguyễn Văn Thọ ngậm ngùi.

Nhà văn Văn Công Hùng xúc động viết: "Nhớ, hồi năm nào đấy, mới mở lại quan hệ Việt - Mỹ, chính các nhà văn Việt Nam chứ không phải ai khác là người tiên phong khai mở mối quan hệ này. Và nhà văn Lê Lựu là một trong những người mở đầu. Đi Mỹ về, hàng năm trời ông được mời đi khắp nơi nói chuyện... Mỹ, sau người ta ghi âm vào băng cát-sét và bán như bán những băng ca nhạc hot nhất thời bấy giờ. Nhà cháu nghe ông nói khi đi nhờ xe ô tô của một quan chức, vừa nghe vừa cười ngặt nghẽo. Những chuyện ấy, giờ thấy nó rất bình thường, nhưng hồi đó, qua giọng kể Lê Lựu, nó cứ như lần đầu tiên chúng ta mở mắt và nhìn thấy ngay hoa hậu. Ông kể bằng con mắt nhà quê lần đầu ra tỉnh, thấy nước tự chảy trong vòi, đèn sáng ngược, xe đạp 2 bánh mà đứng được... Vĩnh biệt ông, một nhà văn lớn của nền văn học Việt".

 

Nhà báo Song Hồ chia sẻ: "Nói về nhà văn Lê Lựu thì nhiều người đã nói. Về văn chương, ông là một tượng đài. Ông đã tạo ra một dòng văn chương rất riêng, về thân phận của những người nông dân nghèo khổ. Ông đẩy những nhân vật của mình đến những bi kịch không lối thoát trong bối cảnh xã hội một thời nghèo khó như Giang Minh Sài trong 'Thời xa vắng', như Núi ở 'Sóng ở đáy sông'... Và như định mệnh, bi kịch của các nhân vật như vận vào ông những năm tháng cuối đời".

Nghe tin nhà văn Lê Lựu đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà, nhà báo Song Hồ cứ bần thần. "Những ngày hai anh em ngồi nói chuyện hàng tiếng đồng hồ không dứt cách đây gần 20 năm như những thước phim quay chậm hiện về. Tài năng, cách ứng xử vô cùng thông minh và hài hước, sự tự tin và cả những tính xấu không ai xấu hơn của ông, cuối cùng cũng đã theo ông về cát bụi, về thời - xa - vắng. Thương tiếc ông, một nhà văn lớn, một người anh, một người bạn vong niên và một người thầy"./.

Theo VTC News

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận