Bất cập quy định xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân

Ngay sau khi Bộ VH-TT&DL đăng tải danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và NSƯT lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, dư luận lại dấy lên ồn ào.

 

Đến hẹn lại lên, câu chuyện xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lại trở thành tâm điểm của những ồn ào, tranh cãi. Mới đây, Bộ VH-TT&DL công bố danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần 10 thuộc 5 Hội đồng chuyên ngành ở các lĩnh vực: múa, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, phát thanh - truyền hình để trình Hội đồng cấp nhà nước. Một số nghệ sĩ gạo cội, tên tuổi… đã không có mặt trong danh sách này, khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và tiếc nuối. Nhiều ý kiến cho rằng đã có những bất cập trong công tác xét duyệt danh hiệu, dẫn đến không ít tài năng phải chịu cảnh thiệt thòi, có nhiều cống hiến mà không được ghi nhận một cách “chính danh”.

Về điều này, NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam nêu thực tế: "Thầy già con hát trẻ, chả nhẽ vì 2 tấm huy chương sau 5 năm để được danh hiệu NSND mà chúng tôi phải đi cướp vai của các thế hệ đàn em, đàn cháu. Người ta nhìn chúng tôi, các gương mặt bậc thầy, bậc anh chị sẽ đánh giá chúng tôi như thế nào?".

Nhiều năm theo dõi việc xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT, nhà báo Nguyễn Hòa - công tác tại Báo Nhân Dân cho rằng, thực tế có rất nhiều nghệ sĩ tuy không đủ huy chương nhưng lại được công chúng, xã hội công nhận cả tài năng và đạo đức. Nhưng một khi vẫn còn sử dụng huy chương như tiêu chuẩn quan trọng để xét danh hiệu, xem nhẹ yếu tố tài năng, sự cống hiến và sức lan tỏa thì sẽ còn tồn tại một bộ phận nghệ sĩ chỉ tìm đến các cuộc thi, liên hoan, hội diễn để tích lũy huy chương.

Dù có thể lận đận, chật vật với những tấm huy chương nhưng nhiều nghệ sĩ cao niên vẫn hết lòng với thế hệ trẻ. Đồng nghiệp, nhân dân tôn vinh họ nhưng sẽ rất đáng buồn nếu như họ không được nhà nước ghi nhận đúng thời điểm chỉ bởi những quy định, quy chế cứng nhắc. Do đó, cần phải sửa đổi quy định cho phù hợp với thực tế là ý kiến của Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam: "Thực tế thì nó muôn màu và có sự vận động liên tục. Những quy định thì thường 1 thời gian sau đó không phải nó không phù hợp, nhưng thiếu thực tế mới nảy sinh. Khi những nhà làm luật không nhìn thấy điều này thì theo tôi nên điều chỉnh lại những quy định để bám sát thực tế, cụ thể là những trường hợp đã xảy ra. Nếu như có được những điều khoản bổ sung trong những quy định xét tặng phù hợp với thực tế thì tôi tin rằng, những lần sau xét tặng sẽ không còn phải chứng kiến những cuộc tranh cãi gay gắt như thế này nữa". 

NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.Theo NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đánh giá về chất lượng cũng như tài năng của các nghệ sĩ thì chúng ta đưa ra những tiêu chí chỉ mang tính chất định tính. Trong khi điều quan trọng nhất đó là cảm nhận của mọi người đối với mỗi một nghệ sĩ. Cảm nhận này không thể đánh giá bằng cái cầm được, sờ được mà nó bằng cách cảm nhận của mỗi người. Tất nhiên, mỗi người sẽ có những góc độ hết sức khác nhau. Để đạt được danh hiệu NSƯT, NSND thì có rất nhiều yếu tố, trong đó ngoài tài năng vượt trội, những cống hiến thì sức ảnh hưởng của nghệ sĩ với công chúng như thế nào... Những điều này chưa ai có thể đánh giá bằng số liệu mà hoàn toàn bằng cảm nhận, bằng sự yêu mến của khán giả, bằng cảm nhận của những thành viên hội đồng.

"Tôi cho rằng năm trước, rồi năm nay các Hội đồng xét tặng làm rất công tâm, rất tốt vai trò của mình, cân nhắc một cách hết sức cẩn trọng vì trong Hội đồng phần nhiều vẫn là chuyên gia về nghiệp vụ của từng lĩnh vực. Ví dụ, nếu như những kỳ xét duyệt trước là 21 thành viên thì có tới già nửa là các thành phần khác. Nhưng hiện nay, Hội đồng có 15 thành viên thì 2/3 là các chuyên gia, chỉ còn 1/3 là các thành phần cứng ở trong các đơn vị quản lý nhà nước liên quan trực tiếp đến các ngành chuyên ngành thì tỉ lệ này tôi cho là hợp lý. Một hồ sơ đề nghị xét tặng sẽ phải trải qua hơn 40 thành viên của Hội đồng xét tuyển theo 4 cấp. Chính vì sự khắt khe này, khó có chuyện “chạy” hồ sơ" - NSND Thúy Mùi bày tỏ.

Cũng theo NSND Thúy Mùi, so với Nghị định 89/2014/NĐ-CP trước đây, thì Nghị định 40/2021/NĐ-CP được cho là đã hoàn thiện hơn, cởi mở hơn trong việc xét tặng danh hiệu để không bỏ sót tài năng. Tuy nhiên, quy định 2 huy chương Vàng đối với các nhạc công, nhất là nhạc công của các đơn vị nghệ thuật truyền thống là điều rất khó. "Nghị định lần này thiếu hẳn mảng dành cho các nhạc công - một trong những thành phần đóng góp hết sức quan trọng trong thành công của một tiết mục, một vở diễn thì lại không đề cập tới một chút nào. Đây cũng là một điều thiệt thòi cho họ. Đợt này gần như nhạc công của các đơn vị nghệ thuật truyền thống không có trong danh sách Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Đấy là điều thiệt thòi cho cả một lĩnh vực nghệ thuật chứ không phải cho riêng một cá nhân nào".

Những trường hợp tiếc nuối trong mỗi lần xét duyệt danh hiệu đặt ra vấn đề: Khi nào sự cống hiến mới được hiểu đúng, sự tôn vinh mới được trao đúng người và đúng thời điểm? Hay còn lý do gì khác để những cá nhân này không được trao tặng danh hiệu mà họ rất xứng đáng được nhận?

Việc xét tặng danh hiệu là sự ghi nhận, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần của nhà nước đối với văn nghệ sĩ. Vẫn biết rằng không thể làm vừa lòng tất cả, nhưng rõ ràng với cơ chế phong tặng như hiện nay thì sẽ có những nghệ sĩ được công chúng ghi nhận lại không có danh hiệu và ngược lại. Và như vậy sẽ thật buồn khi mà danh hiệu không phát huy được ý nghĩa thật sự của nó là tôn vinh, động viên những người nghệ sĩ ngày đêm miệt mài dưới ánh đèn sân khấu, đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt và chịu không ít thiệt thòi để phục vụ công chúng, phục vụ nhân dân./.

Thanh Huyền/VOV2

 

Bình luận

    Chưa có bình luận