Đã đến lúc đi tìm Quốc phục cho Việt Nam?

Trang phục là yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Thế nhưng ở Việt Nam lại chưa có một bộ Quốc phục đúng nghĩa.

 

Mới đây, hình ảnh một vị đại sứ Việt Nam chọn cho mình bộ trang phục áo dài, khăn xếp để mặc trong buổi trình quốc thư đã nhận được sự quan tâm, chú ý từ dư luận với nhiều quan điểm khác nhau. Người khen - người chê, người ủng hộ - người phản đối. Và một lần nữa câu chuyện về Quốc phục Việt Nam lại được xới xáo.

Như chúng ta đã biết, Quốc phục là trang phục theo kiểu riêng từ xưa truyền lại của một đất nước, thường được mặc trong những ngày lễ hội và lễ nghi ngoại giao. Là sản phẩm mang tính biểu trưng của quốc gia, nên Quốc phục cần phản ánh được bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ở nước ta, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng chỉ đạo Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) sớm ban hành quy định về Quốc phục từ những năm 1996 - 1997. Từ đó tới nay đã có rất nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu được diễn ra với những ý kiến trái chiều, quan điểm khác nhau.

Đa số các ý kiến đều ủng hộ phải có Quốc phục. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không đồng tình, bởi theo họ, nguồn gốc tộc người và điều kiện sinh sống, mỗi dân tộc Việt Nam lại có trang phục truyền thống độc đáo và đặc trưng khác nhau. Sự phong phú và đa dạng này đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu. Và nếu chọn 1 trang phục nào là quốc phục, trong những dịp lễ tết đặc biệt hoặc sự kiện quốc gia, tất cả các dân tộc thiểu số phải mặc. Vậy sẽ mất đi bản sắc văn hóa riêng. Đó cũng chính là lý do câu chuyện Quốc phục dù đã được đưa ra bàn nhiều song đến nay vẫn còn dang dở.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, cần có một đề án để nghiên cứu xây dựng Quốc phục. "Chúng ta không cần tìm đâu xa mà đã có sẵn rồi đó chính là áo dài Việt Nam. Tôi cho rằng quốc phục phải là những trang phục có tính lịch sử chứ không phải những thiết kế mới. Cho nên chúng ta nên có cái nhìn, đánh giá một cách khách quan đối với áo dài. Nếu chúng ta làm được thì Việt Nam lại có thêm 1 thương hiệu nhận diện văn hóa rất xứng đáng”.

Theo chuyên gia Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự trì hoãn trên, bao gồm những tranh cãi xoay quanh bộ mẫu áo dài để phổ biến, không tạo được sự đồng thuận về lễ phục của nam giới, những ý kiến trái chiều, quan điểm khác nhau về quốc phục... và cả vấn đề về pháp lý.

Cụ thể, hiện tại, không rõ cấp nào, ai có thẩm quyền công nhận, phê duyệt chính thức văn bản hành chính về biểu tượng văn hóa của dân tộc, trong đó có quốc phục, quốc hoa Việt Nam. Vì thế, cho đến nay cũng không thể có văn bản, quy định nào xác minh áo dài hay bất kỳ trang phục nào khác là Quốc phục.

Có thể nói, Quốc phục là bộ trang phục phản ánh được lịch sử, văn hóa phát triển của một dân tộc. Bộ trang phục đó lưu giữ được những tinh hoa, tinh túy văn hóa vật thể và phi vật thể, đó không chỉ là bộ quần áo đơn thuần mà trong kiểu dáng, sắc màu, họa tiết, chất liệu... đều phải toát lên được nhân cách, tâm hồn Việt.

Vì vậy, đã đến lúc chúng ta đi tìm Quốc phục cho chính chúng ta./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận