Đây là tâm niệm của nhà thơ Y Phương lúc sinh thời.
Ngày 9/2, nhà thơ Y Phương - tác giả bài thơ "Nói với con" đã lặng lẽ bay theo tiếng hát tháng Giêng trở về với núi cao. Ông đã sống trọn vẹn một cuộc đời khiêm nhường và cống hiến hết mình cho thi ca. Sự ra đi của ông đã để lại một khoảng trống trên văn đàn và trong lòng bè bạn, những người yêu quý thơ ông.
"Không phải ông rời khỏi chúng ta mà ông đang hòa vào chúng ta, hòa vào đời sống, hòa vào những làm mưa ấm và chồi lộc cùng hoa thơm của những ngày tháng Giêng mà ông đã từng ngợi ca bằng những câu thơ đẹp và trang trọng của mình...", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ niềm tiếc thương.
Tha thiết với quê hương xứ sở
Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, sinh tại làng Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ông là một minh chứng về một vùng văn hóa đã làm lên tâm hồn và cốt cách con người thuộc về vùng văn hóa đó. "Sự tha thiết với xứ sở dân tộc mình chính là nhịp tim thầm kín bền vững nhất trong từng bài thơ của Y Phương" đã tạo nên một vẻ đẹp riêng biệt trong văn chương Việt Nam.
Y Phương đến với thơ ca một cách rất ngẫu nhiên. Những sáng tác đầu tiên được ông viết khi đang trong quân ngũ, tham gia cuộc thi báo tường vào năm 1972 với tinh thần góp vui. Bất ngờ 2 bài thơ là “Bếp nhà trời”, “Dáng một con sông” của ông được đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội số 6 năm 1973.
Rồi từ đó Y Phương viết đều đặn, viết bằng tất cả tấm lòng với mong muốn góp phần làm đẹp cuộc sống và phần nào có thể bảo tồn được vốn văn hóa của dân tộc mình. Dù là thơ hay văn xuôi, tác phẩm của ông bao giờ cũng đau đáu một lòng hướng về quê hương xứ sở, về mảnh đất mình sinh ra, về dân tộc mình và đất nước mình.
Ông chọn lọc những gì tinh hoa mà cũng gần gũi nhất trong đời sống văn hóa dân tộc mình để đưa lên trang viết. Mỗi bài thơ viết về quê hương của ông được vẽ bằng những nét vẽ riêng độc đáo, không trùng lặp. Trong hơn 30 năm cầm bút, nhà thơ Y Phương sáng tác 10 tập thơ gồm "Người Núi Hoa" (1982), "Tiếng hát tháng giêng" (1986), "Lửa hồng một góc" (1987), "Lời chúc" (1991), "Đàn Then" (1996), "Thơ Y Phương" (2002),... trong đó có các tập thơ song ngữ “Vũ khúc Tày” (Tủng Tày) và “Hoa quả chuông” (Bjooc ăn lình); 2 tập tản văn: “Tháng Giêng - tháng Giêng một vòng dao quắm” (2009) và “Kungfu người Co Xàu” (2010).
Tập thơ "Tiếng hát tháng Giêng" giành giải A giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987. Tập thơ "Lời chúc" nhận giải A của Hội đồng Văn học dân tộc – Hội Nhà văn Việt Nam. Trường ca "Chín tháng" đoạt giải B của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, giải B của Bộ Quốc phòng. Năm 2007, nhà thơ Y Phương vinh dự nhận được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Trong những sáng tác của nhà thơ Y Phương, bài thơ "Nói với con" in trong sách giáo khoa lớp 9 được đông đảo thế hệ biết đến nhiều hơn cả. Lời thơ mang đậm dấu ấn văn hóa người Tày, cũng như nhiều chiêm nghiệm từ cuộc sống, thể hiện tình cảm gia đình: "Người đồng mình yêu lắm con ơi/ Đan lờ cài nan hoa/ Vách nhà ken câu hát/ Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng....".
Từ lời nói với con của người cha, Y Phương nhắn nhủ hãy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Tày: "Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói/ Sống như sông như suối/Lên thác xuống ghềnh Không lo cực nhọc/Người đồng mình thô sơ da thịt/Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/Còn quê hương thì làm phong tục".
Gắn bó với quê hương, dân tộc, hơn ai hết, nhà thơ Y Phương đã phát huy, sử dụng vốn tri thức văn hóa của người Tày. Với cách biểu đạt giản dị, hồn nhiên, những tác phẩm của ông cho thấy rõ những phong tục, tập quán, cách cảm, cách nghĩ… của con người vùng cao một cách sống động, mang đến cho độc giả cái nhìn chân thật nhất về cảnh sắc thiên nhiên và con người quê hương ông.
Trong tản văn "Tháng Giêng, tháng giêng một vòng dao quắm": "Còn có một cái tết vía trâu, Về Trùng Khánh đắm trong mưa hạt dẻ, Hội tung còn làng tôi, Tết anh cả, Cầu và cây số mệnh, Bận rộn như lửa, Chuyện ma gà và những giấc mơ đầy trứng, Hỏi người lòng cũng nông như vậy, Làm sao biết yêu sâu?... ".
Viết về quê hương, Y Phương còn đưa vào trong thơ hình ảnh những người thân yêu ruột thịt của mình với biết bao tình cảm yêu thương tha thiết: "Bà ru/ Tôi không ngủ / Nằm nghe / Tiếng ru hóm hém / Lập lòe / Bà trông / Có lần mưa bão sang sông / Nửa đêm / Tôi đói / Nhưng không / Gọi bà / Bà tôi khuất núi / Tôi đi xa / Lời ru đau đáu la đà nhện giăng..." (Lời ru). Việc tái hiện những con người có quan hệ thân thuộc như ông bà với con cháu, cha mẹ với con cái, quan hệ vợ chồng… đã thể hiện niềm yêu đời, yêu con người của nhà thơ Y Phương.
Từ quê hương, con người vùng đất Cao Bằng, nhà thơ Y Phương đến với đất nước, con người Việt Nam. Ông gửi gắm tình cảm về đất nước một cách khéo léo trong "Tiếng gọi trong rừng": "Mười tám tuổi lần đầu lo gạo muối / Cõng nước lên lưng / Giữ Nước cao vời...". Chữ nước viết thường là nước uống, chữ Nước viết hoa là Đất nước - Tổ Quốc. Y Phương lúc nào cũng thấy làng bản quê mình, dân tộc mình hoà trong cái chung của cả đất nước và cả dân tộc Việt Nam.
"Sống và viết như tờ giấy để không mất lề"
Nhà thơ Y Phương luôn tâm niệm: "Cuộc đời tôi sống và viết như tờ giấy, có thể nhàu nát và rách nhưng không mất lề. Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình" vì thế ý thức về quê hương, về cội nguồn, mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc trong ông rất lớn.
“Riêng tôi, tôi tự phải có trách nhiệm với việc bảo tồn văn hóa và chữ viết của dân tộc mình nên dẫu nhuận bút có thấp, thậm chí không có thù lao, tôi vẫn tiếp tục sáng tác bằng cả hai thứ tiếng". Ông bắt tay vào sáng tác song ngữ với các ấn phẩm gồm tập thơ “Thất tàng lồm” (Ngược gió, 2006), "Tủng Tày" (Vũ khúc Tày, 2015), "Bjooc ăn lình" (Hoa quả chuông),... Kể cả khi sức khoẻ đã giảm sút, ông ấp ủ và đang thực hiện tác phẩm về chữ Nôm Tày - chữ viết của người Tày.
Bảo tồn và phát huy gia trị văn hoá dân tộc không chỉ in dấu sâu đậm trong các sáng tác mà còn thể hiện trong lối sống hàng ngày của nhà thơ. Sống giữa Thủ đô mà Y Phương vẫn có thói quen giao tiếp với vợ con bằng tiếng Tày để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Với ông: “Người ta phải yêu tiếng mẹ đẻ cái đã. Yêu hết mình mới có thơ ca. Yêu từ tim gan bên trong xương thịt mình. Khi con tim không rung, đôi tay không buồn, cầm cây bút sao nổi. Cầm bút không nổi lấy đâu ra thơ ca”.
Dù ở chốn thị thành với điều kiện sống tốt hơn, nhưng ông từng phải kêu lên trong buồn bã bởi nhớ quê nhà: "Người thì ở Hà Nội, nhưng hồn lại trở về làng...". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đồng cảm với người bạn thơ thân thiết, đã nói: "Những ngọn gió và những câu hát tháng Giêng từ núi cao cố hương Y Phương cũng theo ông về chốn thị thành. Những ngọn gió và những câu hát tháng Giêng ấy ban ngày như bị chìm khuất trong ồn ĩ của người và xe nơi thành phố, nhưng đêm đêm lại trỗi dậy thổi qua ngôi nhà ông, thổi qua tâm hồn ông làm ông nhiều lúc khóc như một cậu bé Tày ba tuổi, và đưa ông về nơi chôn nhau cắn rốn của ông...".
Trong giờ phút thiêng liêng tiễn đưa người bạn thơ về nơi an nghỉ cuối cùng, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Không một thứ gì có thể thay đổi con người ông, không gì có thể làm mờ đi những vẻ đẹp Tày trong những câu thơ và cả trong cuộc sống hàng ngày của ông. Và những vẻ đẹp ấy mỗi ngày lại lớn lên và bất diệt trong tâm hồn ông và trong tác phẩm ông. Văn hóa của dân tộc ông chính là hơi thở ông, là máu chảy trong huyết quản ông, là tôn giáo của ông và là đạo sống của ông. Bởi thế mà thơ ca của ông là giọng nói của thời đại ông sống nhưng ngập tràn tinh thần văn hóa Tày huyền ảo và thẳm sâu...
Giờ đây, ông đã trút bỏ mọi thứ để thanh thản trở về làng Hiếu Lễ, Trùng Khánh để gặp tổ tiên, ông bà, cha mẹ ông và để chìm đắm trong những câu hát tháng Giêng thánh thiện của xứ sở mình"./.
Theo VOV.VN