Từ các quốc gia ở châu Âu tới các nước gần gũi hơn về mặt địa lý như Hàn Quốc, Nhật Bản, số hóa đã được áp dụng rộng rãi trong việc lưu giữ và bảo tồn di sản, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật cũng như khiến các kiến thức về lịch sử trở nên sống động.
Trong bối cảnh này, các nhà quản lý văn hóa, các kỹ sư công nghệ cũng như các nghệ sĩ - những người trong cuộc - ở nước ta đã thay đổi ra sao để bắt kịp xu hướng này?
Số hóa - phương tiện để “sống cùng lịch sử”
Việc tham quan di tích, bảo tàng ở nước ta thường hay bị coi là “buồn tẻ”, “nhàm chán”, “không có gì thú vị”. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi, ít nhất là với một số địa chỉ được giới trẻ cho vào danh sách không thể bỏ qua trong thời gian gần đây. Từ năm 2015, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã được đầu tư hệ thống âm thanh, máy chiếu và thuyết minh tự động, giúp cho trải nghiệm của khách tham quan thêm phần sống động. Từ tháng 7 năm ngoái, tour trải nghiệm Đêm thiêng liêng tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã được ra mắt, đưa du khách ngược thời gian để sống cùng với lịch sử.
Quả thực, sự kết hợp giữa âm thanh và ánh sáng đã giúp khách tham quan có trải nghiệm sâu hơn về những câu chuyện mà trước kia chỉ tìm hiểu qua sách vở. Bên cạnh đó, theo bà Lại Thị Minh Thu, Phó trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm, Ban Quản lí Di tích Nhà tù Hỏa Lò, việc áp dụng công nghệ cũng đã cá nhân hóa trải nghiệm của người xem: “Số hóa phục vụ cho khách tham quan được thể hiện qua hệ thống audio guide. Thiết bị này có 35 câu chuyện, giới thiệu về những hiện vật ở trong di tích, những tấm gương những chiến sĩ cách mạng yêu nước đã hi sinh trong nhà tù Hỏa Lò”.
Cũng với câu chuyện số hóa di sản, ông Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) cho rằng đây là một xu thế tất yếu. Bởi thông qua số hóa, việc lưu trữ và sử dụng tư liệu mới trở nên dễ dàng, thuận tiện: “Từ năm 1997, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã thực hiện một chương trình mục tiêu quốc gia về sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Đây là những tư liệu rất quý mà nếu không số hóa thì sẽ rất phí. Đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo mà tôi nhận được thì Viện đã số hóa được 480 phim khoa học trên tổng số 672 phim. Đồng thời đã số hóa được 10.000 ảnh và khoảng hơn 1.000 băng tư liệu. Trong giai đoạn công nghệ thông tin như thế này, chúng tôi luôn quan niệm rằng dữ liệu là tiền, thậm chí nó còn quý hơn vàng.”
Cũng theo chia sẻ của ông Bùi Hoài Sơn, chính nhờ quá trình tư liệu và số hóa di sản, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Tuy nhiên, với những trở ngại về công nghệ, cũng như băn khoăn về bản quyền, có lẽ cần thêm thời gian để cổng thông tin của Viện là vicas.org.vn được hoàn thiện, giúp đông đảo mọi người có thể tiếp cận với kho dữ liệu đồ sộ này.
Số hóa - đa dạng trải nghiệm nghệ thuật
Trong lĩnh vực bảo tàng - địa hạt mà số hóa đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, thì ở nước ta, cũng bắt đầu có sự chuyển dịch. Hai năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Công ty Cổ phần Phần mềm Ứng dụng Di động Việt Nam (VINMAS) đã bắt tay hợp tác, để cho ra đời Ứng dụng Thuyết minh đa phương tiện Imuseum VFA. Chị Cai Thái Hoàng Uyên, Quản lí dự án này cho biết: “Để xây dựng được ứng dụng này thì chúng tôi đã nghiên cứu học hỏi rất là nhiều bảo tàng lớn trên thế giới như The Met Museum của Mĩ, Louvre Museum của Pháp, Rijksmuseum của Hà Lan và Bảo tàng Quốc gia Singapore. Trong giai đoạn đầu tiên này, ứng dụng Imuseum VFA đang số hóa 100 hiện vật là những tác phẩm đặc sắc nhất của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Mỗi hiện vật đều có mã QR và một số định danh riêng dán bên cạnh. Khi tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, du khách chỉ cần mở tính năng quét mã, lập tức thông tin tác phẩm được hiển thị, bao gồm audio, ảnh chất lượng cao, text và vị trí trưng bày của hiện vật. Đối với những du khách tham quan online thì các bạn có thể xem thông tin toàn bộ album 100 hiện vật, đồng thời cũng có thể nhập các từ khóa để tìm kiếm thông tin về tác giả, tác phẩm và chất liệu bằng công cụ tìm kiếm của ứng dụng.”
Chỉ với số tiền khoảng 2 USD, du khách đã có thể tự mình tìm hiểu 100 tác phẩm tiêu biểu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sự kết hợp giữa nghe – xem – đọc trong một ứng dụng đa ngôn ngữ cũng giúp họ thêm phần thoải mái, hòa mình vào không gian nghệ thuật. Hơn nữa, bằng ứng dụng này, mọi người cũng có thể tham quan bảo tàng từ xa đúng như thông điệp ở bất cứ đâu, ở bất cứ thời điểm nào.
Khoảng cách về công nghệ giữa nước ta và thế giới là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, công nghệ cũng chính là chìa khóa rút ngắn khoảng cách, đồng thời là giải pháp khả thi cho việc thưởng thức văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh dịch bệnh. Với thế mạnh này, “cây cầu” số hóa ở nước ta chắc chắn sẽ được nối nhịp./.
Theo VOV.VN