Gặp 'Những cô nàng màu xanh'

'Những cô nàng màu xanh' là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Lương Huyên. Trước đó, anh từng tham gia nhiều triển lãm nhóm.

 

Triển lãm “Những cô nàng màu xanh” cho thấy tư duy nghệ thuật mở mà họa sĩ Nguyễn Lương Huyên muốn hướng tới, ghi dấu chặng đường mới trong quá trình sáng tác không ngừng nghỉ của mình: Vẫn luôn hướng tới vẻ đẹp của con người, đặc biệt thổn thức trước vẻ đẹp của người phụ nữ, nhưng cách thể hiện phong phú hơn, sáng tạo hơn.

Họa sĩ Nguyễn Lương Huyên.

25 bức tranh được triển lãm lần này đều vẽ chân dung những người phụ nữ. Những cô nàng trong “Suối mơ”, “Chốn đào nguyên”, “Danh phận”, “Bản giao hưởng màu đỏ”… thoạt nhìn là những hình ảnh thục nữ yểu điệu, duyên dáng và đài các. Nhưng ẩn sâu trong đó là nội tâm phức tạp được biểu hiện qua những khoảng đậm, những bóng mờ u uất, sâu thẳm; hay những mảng màu trong sáng, tinh khiết, uyển chuyển…

Trong mỗi tác phẩm, các mảng màu này hoặc hòa quyện lẫn nhau hoặc tương phản gay gắt, đúng như những góc cạnh khác nhau trong tính cách, nội tâm con người. Họa sĩ Nguyễn Lương Huyên chia sẻ: “Tôi tôn thờ cái đẹp, làm nghệ thuật là ngợi ca cái đẹp, mà đẹp nhất vẫn là con người. Chỉ con người mới tạo ra những kỳ quan của nhân loại”.

Hội họa của Nguyễn Lương Huyên không có quy tắc hay trường phái chính xác nào, mà hơi hướng từ hiện thực chuyển dần sang tân biểu hiện và Pop Art, luôn luôn chú trọng đến hình họa trong tranh. Anh không định diễn tả chỉ ở bề mặt, mặc dù các hình mẫu đều sử dụng hình họa căn bản làm gốc. Những mảng màu loang chảy vô thức, khi thì nứt nẻ, khi lại uốn lượn.. nhưng lại nằm trong những hình họa có chủ đích được chắt lọc nghiên cứu kỹ lưỡng, đã tạo nên những bố cục lạ hấp dẫn. Họa sĩ muốn người xem nhìn sâu vào bên trong bức tranh, đưa họ vào cuộc đối thoại với những người phụ nữ trong tranh. Từ đó, dẫn lối người xem lạc bước vào thế giới bên trong, nơi chỉ có ta đối diện với chính mình, để tự khám phá nội tâm bản thân.

Họa sĩ Nguyễn Lương Huyên thực hiện bộ tranh này chỉ trong 2 năm gần đây nhưng phải mất tới 5 năm chuẩn bị để cho ra cuộc triển lãm này. “Mỗi người có một cảm nhận riêng về cái đẹp. Cá nhân tôi mong muốn qua triển lãm này sẽ gửi tới người xem những cảm xúc tích cực, vui vẻ, nhẹ nhàng và đầy sức sống”.

Tham dự buổi khai  mạc triển lãm “Những cô nàng màu xanh”, họa sĩ Trần Thắng (TTXVN) chia sẻ: “Họa sĩ Nguyễn Lương Huyên muốn đưa vào tranh một phong cách hội họa hiện đại, gần gũi như Pop Art. Anh khai thác tối đa kỹ thuật phun, đổ loang của chất liệu acrylic tạo ra những hiệu ứng màu sắc đặc biệt ngẫu hứng mà không thể vẽ lại được. Nhiều tranh cộng hưởng thêm sắc ánh của vàng quỳ rất gần như thời trang của phái đẹp. Tôi thích nhất tranh Suối mơ, tranh khổ lớn 3mx3m vẽ những thiếu nữ mềm mại, uyển chuyển, mắt xếch tân thời nhưng diễm lệ và kín đáo của phụ nữ Việt truyền thống. Anh thành công ở kỹ thuật điêu luyện, đa màu sắc, đa trạng thái, đậm chất đồ họa. Đứng giữa phòng tranh như đứng giữa nhộn nhịp chợ hoa Tết, như được trò chuyện với những bóng áo dài tha thướt từ tranh bước ra”.

Họa sĩ Nguyễn Lương Huyên (người ôm hoa) trong ngày khai mạc triển lãm.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Đồ họa Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: "Hội họa của Nguyễn Lương Huyên không có quy tắc hay trường phái chính xác nào, luôn luôn chú trọng đến hình họa trong tranh. Những mảng màu loang chảy vô thức nhưng lại nằm trong hình họa có chủ đích được chắt lọc nghiên cứu kỹ lưỡng, đã tạo nên những bố cục lạ hấp dẫn. Họa sĩ muốn người xem nhìn sâu vào bên trong bức tranh, đưa họ vào cuộc đối thoại với những người phụ nữ trong tranh. Từ đó, dẫn lối người xem lạc bước vào thế giới bên trong, nơi ta chỉ đối diện với chính mình, để tự khám phá nội tâm bản thân, hay tự chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người".

Họa sĩ Nguyễn Lương Huyên tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Hiện anh là họa sĩ tự do, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội./.

Triển lãm diễn ra tại Trung tâm Phát triển và sáng tạo nghệ thuật - Art space (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội, từ ngày 13 - 18/3/2021.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận