Tái bản Tủ sách Vàng: Nuôi dưỡng tình yêu văn chương cho độc giả thiếu nhi

Kỷ niệm 25 năm ra đời 'Tủ sách Vàng' (1995 - 2020), NXB Kim Đồng tái bản 10 ấn phẩm tiêu biểu cho các dòng sách khác nhau trong Tủ sách Vàng 'thuở ban đầu" ấy.

 

Mười ấn phẩm này gồm: tiểu thuyết lịch sử “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và “Sừng rượu thề” của nhà văn Nghiêm Đa Văn; tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, tập thơ “Góc sân và khoảng trời” của nhà thơ Trần Đăng Khoa; tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng, tập tùy bút “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng; hai truyện dài “Đợi mặt trời” của nhà văn Phạm Ngọc Tiến, “Bỏ trốn” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn; và tiểu thuyết “Rô-bin-xơn Cơ-ru-xô” (Robinson Crusoe) của nhà văn Đa-ni-en Đê-phô (Daniel Defoe), “Hoàng tử nhỏ và chú bé nghèo khổ” của đại văn hào Mác Tu-ên (Mark Twain).

Tủ sách Vàng - bản kỷ niệm 25 năm.

Truyện dài “Đợi mặt trời” của nhà văn Phạm Ngọc Tiến là tác phẩm đoạt giải A trong cuộc vận động sáng tác do NXB Kim Đồng tổ chức năm 1993 – 1995, là cuốn sách đầu tiên được gắn logo Tủ sách Vàng. Cùng đoạt giải A trong cuộc vận động sáng tác năm đó là truyện dài “Bỏ trốn” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Nếu “Đất rừng phương Nam” là một trong những tác phẩm văn học được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng “đặt hàng” cho NXB Kim Đồng, ra mắt ngay trong năm đầu tiên thành lập Nhà xuất bản (năm 1957), thì “Lá cờ thêu sáu chữ Vàng” là tác phẩm cuối cùng, với bao tâm huyết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, được ông hoàn thành trên giường bệnh (năm 1960). Tiểu thuyết lịch sử “Sừng rượu thề” của nhà văn Nghiêm Đa Văn là tác phẩm để lại dấu ấn đặc biệt sâu đậm, với việc xây dựng hình tượng người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt vừa anh dũng, vừa bi tráng, tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc khi triều đình nhà Lý bắt đầu sự nghiệp xây dựng vương quốc Đại Việt sau một ngàn năm Bắc thuộc. Tập thơ “Góc sân và khoảng trời” gắn với tên tuổi của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa. “Bỉ vỏ” là tiểu thuyết đầu tay gây tiếng vang lớn của nhà văn Nguyên Hồng, được Tự Lực Văn Đoàn tặng giải Nhì năm 1937. Tùy bút “Thương nhớ mười hai” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách trữ tình Vũ Bằng. “Rô-bin-xơn Cơ-ru-xô” là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của văn học Anh. “Hoàng tử nhỏ và chú bé nghèo khổ” là tác phẩm viết riêng cho độc giả thiếu nhi của đại văn hào Mark Twain, đánh dấu thể nghiệm của ông trong thể loại tiểu thuyết lịch sử... 

Tủ sách Vàng tái bản 2020 (theo bản in lần đầu xuất bản.

10 tác phẩm ở các thể loại khác nhau, nhưng đều là những tác phẩm mang dấu ấn đầu tiên, đặc biệt, gắn với tên tuổi của các tác giả nổi tiếng, gắn với thương hiệu sách Kim Đồng.

Tủ sách Vàng ấn bản này do các họa sĩ tên tuổi của Việt Nam như Nguyễn Bích, Ngô Mạnh Lân, Phan Cẩm Thượng, Lương Xuân Đoàn, Đoàn Hồng, Nguyễn Công Hoan... vẽ bìa.

Năm 1995, Tủ sách Vàng ra đời với mục đích tuyển chọn những tác phẩm văn học xuất sắc của các tác giả trong và ngoài nước giới thiệu cho độc giả thiếu nhi. Phiên bản Tủ sách Vàng đầu tiên có hình thức sách bỏ túi, phát hành mỗi tuần một tập trong suốt 6 năm, từ 1995 - 2001.

Tủ sách Vàng phiên bản năm 2012.

Tủ sách Vàng khi ấy được chia thành 5 dòng sách chính, tương ứng với mỗi dòng là một màu bìa riêng: Các tác phẩm lịch sử, truyền thống có bìa màu nâu; Các phẩm nổi tiếng có bìa màu xanh lá cây; Các tác phẩm văn học mới sáng tác có bìa màu hồng; Các tác phẩm văn học Việt Nam có bìa màu vàng; Các tác phẩm văn học nước ngoài có bìa màu xanh dương. Ngoài ra, có một bộ sách đặc biệt trong Tủ sách Vàng với màu tím học trò riêng biệt, chính là bộ “Kính Vạn Hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Tủ sách Vàng từng phát hành định kỳ, mỗi tuần một tập, trong suốt 9 năm từ khi ra mắt cho tới năm 2004. Kể từ đó, tuy không tiếp tục phát hành định kỳ, nhưng hàng trăm tác phẩm mới và tái bản hình thức mới vẫn tiếp tục ra mắt độc giả những năm sau đó.

Tủ sách Vàng phiên bản năm 2016.

Tủ sách Vàng là nguồn suối mát trong nuôi dưỡng tinh thần trẻ em Việt Nam suốt một phần tư thế kỉ qua. Với phần lớn các cuốn sách trong Tủ sách Vàng là các tác phẩm văn học Việt Nam, có thể nói, Tủ sách Vàng chính là cầu nối để các thế hệ thiếu nhi tìm đọc và yêu thích tác phẩm văn học trong nước./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận