Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Gỡ khó để đổi mới

Đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam....

 

Đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để Làng thực sự là một điểm đến văn hóa, du lịch hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội là yêu cầu được đặt ra từ nhiều năm qua, tuy nhiên đang là bài toán không dễ đối với những người quản lý.

Tìm điểm nghẽn để tháo gỡ

Theo đánh giá tại báo cáo của Ban quản lý (BQL) Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam về kết quả công việc đã thực hiện trong năm 2020 cũng như xác định kế hoạch và nhiệm vụ trong năm 2021, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã được triển khai thực hiện hiệu quả, trong đó phải kể đến việc xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình quản lý và có văn bản số 4306/BVHTTDL-LVHDL gửi Thủ tướng Chính phủ về mô hình tổ chức và hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tái hiện Lễ hội Kate của đồng bào Chăm tại quần thể Tháp Chăm, Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam. Ảnh: T.C

Cũng theo báo cáo, công tác quản lý, vận hành, khai thác và tổ chức hoạt động tại Làng được triển khai một cách chủ động và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo Bộ giao. Ngoài các sự kiện thường niên, Làng đã chủ động phối hợp với các đơn vị, nhà hát thuộc Bộ cùng với bà con của 16 cộng đồng dân tộc đang sinh sống tại Làng tổ chức các hoạt động hằng tháng, cuối tuần và hằng ngày theo những chủ đề của từng tháng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc, phát triển du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên lượng khách đến Làng giảm so với các năm trước. Đây là tình trạng chung ở các bảo tàng, di tích và các điểm du lịch.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VH-TT&DL Trần Hoàng cho rằng, vướng mắc lớn nhất của Làng liên quan đến vị trí, chức năng, quyền hạn được ghi trong Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều này chi phối đến nhiều hoạt động của Làng, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng. Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc, phải được ngân sách đảm bảo đầu tư, hoàn thiện. Đây cũng là một trong những khó khăn rất lớn đối với Làng.

Giao lưu văn hóa các dân tộc trong chương trình Phiên chợ vùng cao phía bắc tại Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam. Ảnh: T.C

Vấn đề đặt ra là, với chức năng, nhiệm vụ như vậy thì ngân sách Nhà nước cần tiếp tục đầu tư nốt phần còn lại để hoàn thiện các dự án của Khu các làng dân tộc. Còn đối với những khu vực đã được cho phép xã hội hoá thì đó là “cái gậy” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ có liên quan để có phương án tháo gỡ những vướng mắc cũng như có cơ chế phù hợp nhằm thu hút được các nhà đầu tư.

Thay đổi để các hoạt động phong phú hơn

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng xác định, phải khẩn trương làm rõ mô hình tổ chức và hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó, làm việc với Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi Quyết định số 39/QĐ-TTg. Cùng với đó, Làng phải khẩn trương xây dựng bộ máy bên trong phù hợp với mô hình tổ chức trình Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần hết sức chặt chẽ, khoa học, không bỏ sót nhiệm vụ. “Phải tìm điểm nghẽn, phải nhìn thấy cái khó để tháo gỡ”, ông Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo.

Du khách tham quan, trải nghiệm phiên chợ vùng cao tại Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam. Ảnh: T.C

Một trong những nhiệm vụ thường xuyên là phải có biện pháp thúc đẩy các khu các làng dân tộc tiếp tục giữ gìn, tôn tạo, đổi mới phương thức vận hành và hoạt động của cộng đồng các dân tộc để không bị mai một mà phải phong phú thêm. Muốn làm phong phú thì phải có sự thay đổi, phải có sản phẩm mới và để làm được điều đó, Làng phải nghiên cứu, phải hiểu sâu về văn hoá của các dân tộc, phải tìm ra cái tinh tuý nhất để làm đẹp thêm văn hoá bản địa của các dân tộc.

“Đưa một nhóm nghệ nhân về Làng hoạt động, nếu không biết cách quản lý, không biết cách vun đắp thì vô hình chung chúng ta cổ vũ cho việc ăn xổi ở thì và cuối cùng là đánh mất văn hoá”, ông Nguyễn Văn Hùng lưu ý vấn đề dị bản văn hoá trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc.

Để làm tốt nhiệm vụ này, ông Nguyễn Văn Hùng đề nghị BQL Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ với Vụ Văn hoá dân tộc, các sở VH-TT&DL, cộng đồng và nghệ nhân của các dân tộc. Ông Nguyễn Văn Hùng yêu cầu BQL Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong năm 2021 phải đề xuất ký được quy chế phối hợp giữa Bộ với địa phương, trước mắt làm thí điểm với 1-2 tỉnh. “Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam muốn tồn tại, hoạt động thì không phải chỉ một mình Làng, mà phải gắn liền với các địa phương”, ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận