Cô gái Tày mang cả 'mùa xuân' bên mình

Trang phục của người Tày không sặc sỡ, chỉ một sắc chàm. Vòng eo thắt dây xà tích càng tôn nét duyên dáng của người phụ nữ.

 

Giản dị sắc chàm
"Người Tày mặc áo chàm do người dân tự trồng, dệt sợi và nhuộm màu với nhiều công đoạn khác nhau. Áo có 5 tà, không trang trí họa tiết hoa văn. Điểm nhấn trên trang phục là vòng cổ, bộ xà tích bằng bạc và đầu quấn khăn"...
Niềm hãnh diện hiện rõ trên gương mặt tươi rói của chị Vũ Thị Nhung ở xã Dương Quang thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn khi rổn rảng giới thiệu chiếc váy chàm truyền thống của dân tộc.

Thiếu nữ Tày e ấp bên chiếc nón lá.

Nom chị mặc chiếc áo dài năm thân, xẻ nách, đính cúc vải cùng chiếc quần váy, thắt lưng thon càng tôn thêm vẻ dịu dàng, nữ tính của con gái Tày. Mái tóc dài vấn gọn quanh đầu bởi chiếc khăn chàm đen, để lộ khuôn mặt trái xoan, trắng hồng của cô gái đôi mươi. Cách vấn khăn ấy, ngoài để làm đẹp, sự nền nã thì đó còn là cách phụ nữ Tày giữ giữ gìn sức khỏe, nhất là khi họ đội thêm chiếc khăn vuông mỏ quạ. 

Bà Ma Thị Châm, người Tày ở Định Hóa Thái Nguyên bảo, ngày xưa đàn bà, con gái Tày đều quấn khăn bằng tóc thật. "Chiếc khăn vuông khoảng 80 phân hoặc 1m mình gấp lại, rồi đội trên đầu giữ ấm rất tốt. Mình tiếp khách không sợ tóc rơi vãi vào thức ăn của mình nữa". - Bà Châm thủng thẳng nói.
Công, dung, ngôn, hạnh gói trọn nơi bộ xà tích
Nhưng điều làm tôi ấn tượng đó chính là chiếc vòng cổ và bộ xà tích lấp lánh bạc, buông lơi bên hông khiến cho mỗi bước đi của Nhung càng thêm duyên dáng.
Bộ xà tích treo đủ thứ phụ kiện như cối giã trầu, hòm đựng trầu, chiếc liềm, cái cuốc, cào cỏ hay con cá… Tất cả đều nhỏ xinh với nét hoa văn tinh xảo được tạo nên bởi sự tài hoa của người thợ lành nghề.

Ông La Bảo Duy, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Kạn nói, bộ xà tích ấy gói trọn trong đó công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ. "Đó là công cụ cần thiết đi làm đồng, làm nương, việc nhà hoặc sinh hoạt cá nhân người phụ nữ hay dùng. Đeo tượng trưng như vậy, nhìn vào thấy được công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ. Ngày xưa chúng tôi đúc từ bạc chất liệu tốt nhất của người Tày. Ngoài bộ xà tích, họ còn chiếc khăn mùi xoa dắt bên trái để sử dụng".

Theo bà Nguyễn Thị Xuyến, bộ trang sức ấy còn là kỷ vật truyền đời từ bà, đến mẹ, rồi mẹ truyền cho con. Bởi khi lấy chồng đó là của hồi môn của mỗi người con gái. Nếu chẳng may túng thiếu, phải bán kỷ vật này, họ phải mua lại một bộ nhỏ hơn để dành cho con. Đó là truyền thống của người Tày ở Định Hóa, Thái Nguyên.
"Bộ xà tích có con cá là để nhắc nhở mình lúc nào cũng phải nhớ đến ngày ông Táo về trời. Họa tiết này là bông hoa, tượng trưng cho mùa xuân đấy. Mùa xuân là phải có hoa. Con gái Tày lúc nào mình cũng phải tươi như hoa. Cho nên đồ trang sức cũng phải thật tươi, thật đẹp để con gái Tày lúc nào cũng phải tươi, phải đẹp như hoa mùa xuân".
"Nét duyên ngầm" của con gái Tày
Dáng vẻ thướt tha trong sắc chàm yêu kiều đã trở thành niềm cảm hứng cho bao nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ. Nhưng vẻ đẹp của người con gái Tày không chỉ trong sắc chàm duyên dáng. Nết ăn, nết ở, sự chịu thương, chịu khó, tháo vát mới là nét duyên ngầm của con gái Tày. Cô gái nào hội đủ vẻ đẹp ấy sẽ có nhiều chàng trai để ý.

Người Tày mặc áo chàm do người dân tự trồng, dệt sợi và nhuộm màu với nhiều công đoạn khác nhauu
Điều đó thể hiện ở tài làm bông, se sợi, tự dệt cho mình một bộ quần áo truyền thống. Đó là nết siêng năng đồng áng, việc nhà, hay đơn giản thạo đan lát, như đan nón lá – một phụ kiện đặc trưng làm nên bản sắc của phụ nữ Tày.
"Ngày xưa, con gái dân tộc của chúng tôi khi được gia đình người ta đi hỏi và để ý đến mình, trước hết người ta hỏi có biết đường đan lát không. Nếu không biết đường đan lát người ta còn phải xem có học được hay không, dạy có biết tiếp thu, có biết làm hay không. Ưng người ta mới lấy đấy" - bà Xuyến cười vang miết từng lá cọ.
Nhìn chiếc nón trắng ngà, khum khum hình nấm với những mắt đan đều tay, bạn sẽ không khỏi trầm trồ nể phục sự khéo léo của người phụ nữ Tày. Để đan được một chiếc nón đẹp, phải mất cả tuần kiếm lá cọ, lựa giang, rồi hì hụi, tỷ mẩn chẻ, ngâm.
"Mùa xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang"... (Việt Bắc - Tố Hữu)
Có lẽ sợi nhớ, sợi thương đan dày trong tâm tưởng nhà thơ Tố Hữu là vẻ đẹp của người con gái Tày chăng?! Một vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết, tự nhiên trong những công việc tỷ mẩn hằng ngày.
Dù đó chỉ là phỏng đoán, nhưng hình ảnh đan nón, chuốt giang của bà Châm, bà Xuyến tôi gặp, chắc chắn sẽ thêm góp vào vẻ đẹp hồn hậu của những người Việt Bắc trên dải đất hình chữ S này.


Lâm Thanh/VOV4.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận