Tín hiệu văn hóa của người Hà Nhì Hoa

Nhìn trang phục, cách vấn tóc, đội khăn hay đeo trang sức... người Hà Nhì Hoa ở Mường Tè, Lai Châu sẽ nhận ra tộc người mình.

 

Nhìn mái tóc biết phụ nữ có chồng hay chưa
Bản Thu Lũm, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, Lai Châu nằm chênh vênh lưng chừng núi Con Ngựa. Lẩn trong sương mù, những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì hoa vàng ươm màu đất sét thoắt ẩn, thoắt hiện.
Sống ở nơi núi cao, khí hậu lạnh, ngôi nhà như những pháo đài kiên cố bao đời nay đã giúp họ tránh được những đợt giá rét, sương muối của mùa đông khắc nghiệt. 3-4 chục nóc nhà Hà Nhì quần tụ dưới tán rừng. Thu Lũm đẹp như một bức tranh.
Trong không gian tĩnh lặng, tiếng hát lảnh lót của cô gái Hà Nhì Chu Xừ Xó gieo vào tâm trí của khách đường xa một niềm vui phơi phới. "Dân ca ngày xưa của chúng em đấy ạ. Lúc đi nương, các chị em đông vui thì hát với nhau thôi. Thỉnh thoảng, các chị em ở với nhau vừa hát, vừa thổi sáo. Nếu mình đi làm nương mình vừa hát, vừa thổi kèn lá".
Xó cười, để lộ hàm răng trắng bóc và đôi má lúm đồng tiền duyên dáng. Trong bộ trang phục ngập tràn sắc đỏ, trông cô rạng rỡ như đóa hoa rừng. Những dây mây đỏ nhỏ xinh, lấp lánh hàng cúc bạc quấn quanh trán, ôm trọn mái tóc rẽ ngôi.

Pờ Gia Vân bảo, chiếc dây mây này người Hà Nhì gọi là hu nhi. Chỉ có những cô gái chưa chồng mới quấn hu nhi mà thôi. Theo quan niệm của người Hà Nhì, cái đẹp phải nằm ở giữa, đặt ở trung gian nên mới có mái tóc chẻ ngôi giữa. Sau đó lấy hu nhi giữ tóc, tôn thêm vẻ đẹp của thiếu nữ Hà Nhì.
"Thường phụ nữ đã có con hoặc có tuổi họ không đeo. Vì cái này thể hiện cho tuổi trẻ, thanh xuân của mình ấy. Cái hu nhi phân biệt người có chồng và chưa có chồng. Hu nhi làm từ dây mây, nhuộm bằng lá cây rừng, ngâm một tháng mới ra màu đỏ. Phải là màu đỏ mới tượng trưng cho tuổi trẻ của chúng mình".
Giờ tôi đã hiểu, vì sao phụ nữ Hà Nhì Hoa luôn có mái tóc dài chẻ ngôi, bởi nó gói trọn trong đó vẻ đẹp của những người phụ nữ ở cuối trời Tây Bắc này.

Chiếc mũ làm duyên sặc sỡ sắc màu.Chiếc mũ làm duyên sặc sỡ sắc màu
Điểm trang cho mái tóc ấy còn có chiếc khăn mỏng chụp nơi phần thóp, chi chít cúc bạc, có dây cài ngang cằm. Hai bên đầu chiếc khăn ở vị trí ngang tai còn có hai tua bông đỏ, càng tôn thêm đường nét thanh tú cho gương mặt phụ nữ Hà Nhì Hoa.
Sau khi tỉ mỉ vấn tóc, đội khăn đính bạc, Pờ Gia Vân quấn quanh đỉnh đầu những lọn len hồng, đỏ, xanh lá mạ. Sau hai vòng quấn, phần cuối lọn len cô để xõa rồi vén sang mang tai trái.
Hỏi để làm gì? Cô tủm tỉm: “Để làm duyên đấy. Quấn len xong, cuối cùng là đội chiếc khăn quấn bao nhiêu là vòng cườm màu. Mình càng nổi bật”. Miệng nói, tay làm. Chiếc khăn vuông cô đội cơ man túm bông len đủ màu làm đường diềm, rồi gắn dây cườm lúc lắc hai bên đầu và sau gáy, trông đến bắt mắt.
"Mũ bọn em làm rất cầu kỳ. Em suốt ngày đội quen rồi, nhưng bắt đầu đội 30 phút mới xong. Bọn em phải quấn từ tóc lên, từng cái một rất là lâu, rất kỳ công. Hai bên mũ có hai quả bông thả xuống làm cho khuôn mặt lộng lẫy. Hôm làm dâu trùm một cái khăn ở trên đầu, che nửa mặt của mình đi". - Cô gái Chu Mỳ Nhung rũ rũ từng sợi bông, hóm hỉnh bắt chuyện.

Chỉnh lại dây đeo, Pờ Gia Vân thở dài đánh thượt, ngập ngừng trong giọng nói. "Cái mũ này không đội quen thì nặng và đau đầu. Phong tục người Hà nhì khi đi lấy chồng phải luôn che khăn. Nhưng từ hội em ít người buộc khăn ấy. Buộc khăn ra nhiều mồ hôi, đầu bị hôi. Rồi lại liên quan đến mũ bảo hiểm. Nhưng các bà già còn đội. Còn từ độ tuổi bọn em ít người đội rồi. Khi có hội, mình tham gia giao thông bắt buộc phải xin phép các anh, các chú cảnh sát giao thông"...
Nhớ lời dạy tổ tiên qua trang phục
Điều góp phần làm nổi bật nét rạng ngời trên gương mặt người phụ nữ với bộ khăn mũ rực rỡ là bộ váy áo vải đen nền nã. Chiếc áo xẻ tà tựa áo tân thời. Tà áo trước ngắn, cong cong hình đuôi tôm có gắn 5 – 6 đồng bạc. Mỗi khi chuyển động, chúng va vào nhau kêu leng keng, leng keng, đứng xa cũng đã hút hồn kẻ ngắm. Bộ trang phục ấy cũng chính là lời nhắc nhở của tổ tiên dành cho con cháu.

Bộ trang phục ấy được người Hà Nhì gìn giữ như một vật quý.Ở viền áo trước ngực, người nghệ nhân tài hoa đã đính hàng cúc bạc nối nhau từ ngực trái xuống dưới mép áo thành những hình tam giác. Người già bảo đó là dáng đồi, hình núi, nơi người Hà Nhì sinh sống. Dù đi bất cứ nơi đâu, người Hà Nhì cũng phải nhớ đến gốc gác, cội nguồn của mình. Đó là món quà của tổ tiên trao tặng cho con cháu. Vì thế, bộ trang phục ấy được người Hà Nhì gìn giữ như một vật quý. Ngày Tết, ngày hội, ngày cưới hoặc như khi làm lễ trước bàn thờ tổ tiên, người Hà Nhì nhất thiết phải mặc bộ trang phục truyền thống của mình.
"Áo rất cầu kỳ kết hợp nhiều màu sắc khác nhau. Nhiều người khen đẹp. Em thấy rất tự hào về trang phục của mình. Chu Mỳ Nhung ở bản Pa Thắng, xã Thu Lũm hào hứng đưa hai cánh tay khoe những đường vòng hoa văn sặc sỡ từ bả vai kéo dài xuống ống tay áo.
Hàng trăm chi tiết nhỏ được thêu thùa khéo léo như bản hòa tấu của màu sắc. Màu xanh của mạ non, màu vàng của lúa chín, màu nâu vàng của mật ong, màu đen của tóc người con gái, màu đỏ của mặt trời… hiện lên sống động trong từng đường kim, mũi chỉ của người con gái đảm.
"Không có nhiều màu đỏ như thế này thì nó không đẹp, không nổi lên được. Mình nhiều màu đỏ, kết hợp màu xanh, màu vàng mình mới nổi bật giữa núi rừng chứ"... Nhung cười giòn tan. Dưới nắng chiều trông cô thật rực rỡ./.

                                                                                                                          Đỗ Quyên/VOV4.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận