Nghề đậu bạc ở làng Định Công (Hà Nội) có từ thế kỷ thứ VII, thời Tiền Lý, do ba ông Tổ nghề là Trần Điền - Trần Điện - Trần Hòa truyền lại cho dân làng nhưng đến nay đã gần như mai một.
Đứng trước làn sóng đô thị hóa, làng nghề đậu bạc Định Công vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết, quyết tâm gìn giữ nghề cổ cha ông để lại.
Đến thăm xưởng đậu bạc của nghệ nhân Quách Văn Hiểu mới thấy hết sự công phu, khéo léo của nghệ nhân để tạo nên những sản phẩm bạc mỹ nghệ vô cùng tinh xảo. Những sản phẩm đậu bạc ở Định Công có nét đặc trưng riêng và được làm hoàn toàn thủ công, tay nghề cao với 4 kỹ thuật cơ bản: trơn, đấu, chạm, đậu. Trong đó, kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và nhỏ nhắn, tỉ mỉ.
Sản phẩm đậu bạc đạt yêu cầu phải đậu đều tay, hàn nuột, không đọng vảy và các chi tiết hài hòa, cân xứng. Mỗi một sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật khắt khe về kỹ thuật nhưng lại tinh tuý ở giá trị thẩm mỹ và sử dụng.
Những sản phẩm đậu bạc ngày trước thường là những mặt hàng nhỏ xinh như: cành hoa, con bướm, lắc, xuyến, nhẫn... Nghệ nhân Quách Văn Hiểu cho biết, để đào tạo được một người thợ đậu bạc lành nghề phải mất 3-5 năm.
4 kỹ thuật cơ bản trong nghề bạc:
- Trơn: làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn.
- Đấu: lắp ráp các chi tiết hài hòa, cân đối.
- Chạm: khắc hình vẽ, hoa văn, hoạ tiết lên đồ trang sức.
- Đậu: kéo bạc đã nung chảy thành sợi chỉ, sau đó se thành sợi mảnh, tạo những họa tiết hoa văn, chim muông, hoa lá... gắn vào đồ trang sức.