Tranh Kim Hoàng - hồi sinh từ ký ức

Sau nhiều thăng trầm, tranh dân gian Kim Hoàng những tưởng đã bị mai một, nhưng những năm gần đây dòng tranh này đã được phục hồi.

 

Tranh Kim Hoàng là một dòng tranh dân gian đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc bộ xưa. Sau nhiều thăng trầm những tưởng đã bị mai một, nhưng những năm gần đây, dòng tranh này đã được phục hồi. 

Tranh Kim Hoàng là một dòng tranh dân gian đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc bộ xưa kia.

Trong suốt thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, tranh dân gian Kim Hoàng được đón nhận và có đời sống riêng mạnh mẽ. Hình ảnh trong tranh thường miêu tả về cuộc sống mộc mạc, giản dị mà quen thuộc của người dân đồng bằng bắc Bộ. Một thời “vang bóng” là vậy, thế nhưng, trận lụt lịch sử năm 1915, khiến làng mạc ngập trắng, cuốn trôi nhiều ván in tranh của làng.

Tranh Kim Hoàng dần bị thất truyền, đến năm 1945, cùng với sự biến chuyển của xã hội thì hoàn toàn không còn được sản xuất. Người làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội cũng chỉ còn nhớ mang máng về những đường nét, những sắc màu tranh dân gian của làng mình. Ông Vũ Duy Sích, một người dân sinh sống tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội kể lại: “Khi còn trẻ tôi biết dòng tranh Kim Hoàng bán rất chạy trong dịp Tết. Gần Tết trong chợ phiên thường bán tất cả dòng tranh Tết. Ngày xưa đi ra chợ rất vui khi nhìn thấy những dòng tranh của làng mình”.

Câu chuyện tranh Kim Hoàng “tái xuất” nghe tưởng giản đơn. Nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện dài. Người xưa làm tranh thường giữ bí quyết riêng. Chính vì vậy mà tư liệu về kỹ thuật làm tranh cũng không còn nhiều. Những thông tin ít ỏi còn lại, như tranh Kim Hoàng dùng ván khắc in lên giấy, người thợ thường in nét đen, sau đó tô màu. Về mực, người Kim Hoàng dùng mực Tàu và các màu có nguồn gốc tự nhiên…

Sau bao khó khăn, bao thử thách, sắc đỏ và những nét vẽ của tranh Kim Hoàng được tái hiện…

Chỉ với những thông tin ít ỏi về cách làm ra dòng tranh đã thất truyền, chị Nguyễn Thị Thu Hòa, một nhà sưu tầm tranh và là người nặng lòng với tranh dân gian Việt Nam đã quyết tâm tìm và khôi phục tranh Kim Hoàng. Trong quá trình tìm những bản khắc cũ, chị Hòa gặp không ít khó khăn, song tiếc nuối luôn là cảm xúc thường trực trong chị bởi các nghệ nhân làm tranh dân gian Kim Hoàng giờ không còn, bản khắc thì đã thất truyền.

Chị Thu Hòa kể lại: “Chúng tôi quyết định về làng Kim Hoàng để tìm thêm thông tin, có ván khắc cổ nào nữa không. Những mẫu hiện nay còn ở Bảo tàng Mỹ thuật chỉ còn mẫu gà và mẫu lợn cũng đều là mẫu phục chế chứ hoàn toàn không biết có mẫu tranh nào để hoàn thiện. Qua tham khảo sách vở rất may có sách của ông Đu-răng người Pháp, trong đó có dòng tranh ông sưu tập được. Tuy nhiên, ông Đu-răng không phân biệt tranh Kim Hoàng và các tranh khác. Khi có bảng màu của sách, dựa vào đó, tôi đã lọc được khoảng 100 mẫu của tranh Kim Hoàng”.

Nếu như tranh Hàng Trống tinh tế, cầu kỳ, mang tính triết lý cao, phù hợp nhu cầu người dân thành thị; tranh Đông Hồ mộc mạc, khỏe khoắn, gắn với cuộc sống người nông dân; thì tranh Kim Hoàng giống như cái gạch nối giữa hai dòng tranh ấy. Gạch nối ấy mang đến cho tranh Kim Hoàng những đặc điểm, những dấu ấn chất chứa riêng biệt.

Nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền cho biết: “Trong các dòng tranh dân gian khác nhau đã có sự phân chia chức năng, phục vụ nhu cầu đời sống tín ngưỡng của tranh dân gian. Tranh Đông Hồ thiên về tranh chúc tụng, tranh Kim Hoàng mang tính phổ quát hơn. Những bức tranh về chúc tài chúc lộc. Có một đặc điểm người ta không thể nhầm lẫn tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ, chính là màu sắc của các tờ tranh. Tranh Đông Hồ là dòng tranh trắng, tranh Kim Hoàng là dòng tranh đỏ. Chính màu đỏ khiến người ta cảm nhận được hương xuân sắc Tết”.

Sau khi tìm hiểu qua các tài liệu cũ và nhờ các nghệ nhân của tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ phân tích được một số mẫu tranh của Kim Hoàng, chị Hòa nhờ các nghệ nhân “đồ” lại tranh với kích thước như thật, rồi từ bức tranh này, những nghệ nhân điêu khắc đã khắc lại trên ván gỗ.

Khi đã có mẫu tranh trên ván khắc, thì công đoạn tiếp đến là phải phục chế màu. Tranh Kim Hoàng có đặc điểm dùng màu sắc tự nhiên, như màu trắng tạo từ thạch cao, màu xanh chàm từ mực tàu hòa với nước chàm, màu đỏ lấy từ son, màu đen từ tro, rơm rạ, màu xanh từ gỉ đồng, màu vàng từ hoa dành dành...

Anh Phạm Quốc Đức - sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, một người bạn đồng hành cùng chị Hoà trong quá trình phục dựng chia sẻ: “Thực hành làm tranh vẽ trên giấy dó được nhuộm màu đỏ điều, hồng cánh sen, màu vàng cam. Nó ảnh hưởng nhiều lối cầm bút ngày xưa của các cụ dùng chữ Nho. Dòng tranh này cần phải đào sâu hơn nữa và tìm hiểu về chất liệu nhiều hơn nữa”.

Sau bao khó khăn, bao thử thách, sắc đỏ và những nét vẽ của tranh Kim Hoàng được tái hiện… Không chỉ dừng lại ở việc khôi phục kỹ thuật, chị Hòa còn mong muốn khôi phục nghề, phải làm sao để người dân ở Vân Canh biết làm nghề, từng bước sống được bằng nghề. Chị đã hỗ trợ một số người say mê tranh ở Vân Canh tìm hiểu thêm nghề tranh ở Đông Hồ, Bắc Ninh và cùng các họa sĩ hướng dẫn người thợ cách thực hành.

Ván khắc gỗ tranh Kim Hoàng.

Thô mộc trong chủ đề, thô mộc trong cách tô màu đưa bút, nhưng lại tinh tế trong từng nét khắc ván in, kỹ thuật in ván ngửa tài tình…. Tranh Kim Hoàng như sự hòa quyện độc đáo của nghệ thuật dân gian tạo nên những kí ức không thể phai mờ theo năm tháng.

Con đường hồi sinh dòng tranh Kim Hoàng vẫn còn vô vàn những khó khăn ở phía trước nhưng những sắc đỏ của dòng tranh tưởng đã thất truyền đang được thắm lại, được đón nhận, là minh chứng cho sự tồn tại, sự hồi sinh mạnh mẽ và trân trọng nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ mà thế hệ cha ông để lại.

Tú Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận