Gia Lai: Xuất khẩu lô chanh leo đầu tiên sang EU theo Hiệp định EVFTA

Hiện nay, Việt Nam đang thuộc danh sách 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới.

 

Chiều 16/9, 100 tấn chanh leo cô đặc tại tỉnh Gia Lai đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (gọi tắt là EVFTA). Buổi lễ công bố được Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức tại huyện Mang Yang, Gia Lai.

Với việc xuất khẩu theo Hiệp định thương mại EVFTA, lô hàng 100 tấn chanh leo cô đặc của tỉnh Gia Lai tới EU sẽ được miễn hầu hết các loại thuế. Tại buổi lễ, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay, Việt Nam đang thuộc danh sách 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới. Trong vòng 5 năm trở lại đây, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo đã tăng hơn 300%. Chanh leo Việt Nam đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như: Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Thụy Sĩ. Hiện Bộ NN&PTNT đang tiếp tục đàm phán mở thị trường lớn khác như Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại buổi lễ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, sau chanh leo, ngành hàng rau quả nói chung tại Gia Lai cần tận dụng thời cơ, lợi thế từ Hiệp định EVFTA, tiếp tục cải tiến công nghệ, đa dạng sản phẩm, đảm bảo và nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc để vươn tới thị trường EU. Thứ trưởng đề nghị tỉnh Gia Lai tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến rau quả đầu tư mở rộng nhà máy chế biến sâu, tham gia liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân.

Tại buổi lễ, ngài Ruben Saornil Minguez, đại diện phòng thương mại và Công nghiệp của Tây Ban Nha, thành viên phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho biết, Hiệp định thương mại tự do EVFTA mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho các sản phẩm nông sản Việt Nam, với những tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi cả doanh nghiệp và nông dân phải thực hiện nghiêm túc.

“Không chỉ đối với doanh nghiệp, mà cả nông dân, địa phương cần lưu ý thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của thị trường EU. Chỉ cần vài lần lặp lại không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng thì sản phẩm sẽ bị cơ quan quản lý châu Âu “tuýt còi”, không cho phép xuất khẩu nữa. Những cơ hội và thách thức luôn song hành. Đây là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu để tạo ra sự phát triển bền vững”, ngài Ruben Saornil Minguez nhấn mạnh./.

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận