Tại địa bàn tỉnh Tiền Giang, Bến Tre giá lợn hơi loại tốt chỉ ở mức khoảng 8 triệu đồng/tạ, loại thường chỉ ở mức từ 7,5-7,8 triệu đồng/tạ, giảm hơn tháng trước gần 1 triệu đồng/tạ. Trong khi đó, thương lái còn mạnh tay ép giá người nuôi, mặc cả khi đàn lợn không đạt chất lượng hoặc quá lứa.
Bà Lê Thị Mười Hai, hộ nuôi lợn tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Lợn thịt mấy ngày nay giảm giá, thương lái đè dân dữ lắm. Cụ thể, chúng tôi nghe tin giá lợn 7,4 - 7,5 triệu đồng/tạ, nhưng thương lái vào chỉ trả 7,2 - 7,2 triệu đồng/tạ. Lợn giảm giá như vậy, thương lái không mất gì, người chăn nuôi bị thiệt thòi chứ thương lái lại hưởng lợi”.
Giá lợn thịt sụt giảm do ảnh hưởng của thị trường thịt lợn thế giới, nhất là gần đây, nước ta đẩy mạnh việc nhập khẩu mặt hàng thịt gia súc. Tuy giá giảm, nhưng với mức giá này, người chăn nuôi vẫn có lãi hơn 2 triệu đồng/tạ. Điều đáng nói, dù giá lợn hơi tại chuồng giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các chợ, cửa hàng vẫn còn cao.
Tại tỉnh Tiền Giang, thịt lợn chỉ giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Tiểu thương ở một số chợ tại địa bàn Thành phố Mỹ Tho, bán thịt đùi giá 140.000 đồng/kg, ba rọi rút xương, thịt sườn 170.000 đồng/kg. Tại thành phố Cần Thơ, giá thịt lợn bán tại các chợ, siêu thị cũng ở mức cao.
Bà Nguyễn Thị Lệ, người dân ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều cho rằng, gần đây, nghe thông tin trên Báo, Đài giá lợn hơi đã giảm xuống nhưng không hiểu lý do tại sao giá thịt lợn tại chợ vẫn chưa hạ nhiệt.
"Lúc đầu giá lợn khoảng 170.000 đồng/kg, bây giờ sụt xuống còn 160.000 đồng/kg, nếu mua chỗ quen thì giá khoảng 150.000 đồng/kg đối với thịt ba rọi, còn giò lợn giá khoảng 130.000 - 140.000 đồng/kg, vẫn ở mức cao và giá không giảm nhiều. Ngày trước, mỗi kg thịt có 50.000 - 60.000 đồng nhưng bây giờ giá đã tăng gấp mấy lần. Giá thịt ở siêu thị cũng cao như vậy”, bà Lệ nói.
Dạo một vòng tại các chợ trên địa bàn thành phố Cần Thơ, giá thịt lợn các loại hiện vẫn dao động ở mức từ 110.000 - 200.000 đồng/kg. Tại chợ Tân An, quận Ninh Kiều, các tiểu thương ở đây cho biết, giá thịt lợn bây giờ ổn định hơn, giảm khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg, tùy loại. Điều khác biệt so với lúc trước là lượng tiêu thụ tăng mạnh hơn.
Thực tế, nhiều người tiêu dùng chia sẻ, giá thịt lợn tại chợ vẫn ở mức cao, trong khi thu nhập của họ lại giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thế nên, để cân bằng chi tiêu, họ buộc phải cắt bớt khẩu phần thịt lợn trong các bữa ăn, thay vào đó chọn ăn các thực phẩm có giá thành rẻ hơn như cá, tép, gà, trứng.
Từ sau dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn ở khu vực ĐBSCL giảm hơn nữa. Tỉnh Tiền Giang, Bến Tre là 2 địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất vùng ĐBSCL, nhưng hiện nay, mỗi địa phương này chỉ có vài trăm nghìn con lợn. Riêng tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, mới tái đàn lợn được gần 300.000 con, bằng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, toàn xã mới tài đàn được khoảng 15.000 con, giảm 70% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, người chăn nuôi gặp rất khó khăn, do giá thức ăn tăng, con giống ở mức gần 3 triệu đồng/con. Giá lợn sụt giảm, người nuôi bị thiệt thòi chứ thương lái, doanh nghiệp thu mua lợn vẫn lãi cao.
“Hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Đông, giá lợn hơi từ 80.000 - 82.000 đồng/kg. Thịt lợn bán đắt như tôm tươi. Ở chợ thì thấy bán giá cũng vậy, thịt lợn dù sụt giá nhưng ở chợ giá giảm không nhiều. Tái đàn thì có một số hộ không có khả năng, số hộ nuôi lớn thì đang tái đàn nhưng cũng rất thận trọng”, ông Nguyễn Văn Mười cho hay.
Có thể nói giá lợn hơi đang sụt giảm nhưng người tiêu dùng mua thịt lợn tại các chợ vẫn chưa giảm tương xứng; thương lái, tiểu thương vẫn ép giá người chăn nuôi và khách hàng khi tiêu thụ thịt lợn.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, chủ trang trại lợn ở xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho rằng, vấn đề đầu ra con lợn là rất quan trọng. Người chăn nuôi cần có sự liên kết, hợp đồng chặt chẽ với doanh nghiệp hay hợp tác xã trong vấn đề bao tiêu sản phẩm để tránh sự ép giá khi có biến động của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng chia sẻ: “Đúng ra lái ép giá, lời 2 -3 lần so với đầu vào. Hướng tới chăn nuôi lợn quan trọng nhất là phải có đầu ra, đầu ra của mình phải làm sao có hợp tác xã mua tận nơi, bán tận gốc. Như vậy không phải qua 2-3 lần trung gian”.
Để đảm bảo công bằng cho người chăn nuôi, thương lái hay doanh nghiệp thu mua lợn và người tiêu dùng, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là việc niêm yết giá bán thịt lợn ở các chợ cho hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp ép giá, nâng giá bất thường, găm hàng, tạo giá tăng ảo, buộc người chăn nuôi lợn bán giá thấp nhưng người tiêu dùng lại mua giá cao./.
Nhóm PV/VOV-ĐBSCL