Để chanh leo trở thành nông sản xuất khẩu bền vững

Bộ NN&PTNT cam kết đồng hành cùng các địa phương, các doanh nghiệp và nông dân trồng chanh leo để phát triển tốt và bền vững đối với loại nông sản này.

 

Đây là nội dung quan trọng được bàn thảo trong Hội nghị Thúc đẩy phát triển sản xuất chanh leo bền vững được Bộ NN&PTNT tổ chức tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai hôm 3/7.

Hiện nay, cây chanh leo được trồng tại 36/63 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Năm 2019, tổng diện tích chanh leo cả nước là khoảng 10.500ha, sản lượng ước tính đạt hơn 222.000 tấn, là cây ăn trái đứng thứ 17 về diện tích và sản lượng. Trong đó, Tây Nguyên và một số tỉnh Bắc Trung bộ có diện tích và năng suất lớn nhất. Gia Lai, Sơn La, Đăk Nông, Lâm Đồng, Đăk Lăk là 5 tỉnh có diện tích chanh leo lớn nhất cả nước hiện nay.

Toàn cảnh hội nghị.

Giá trị xuất khẩu chanh leo vẫn tiếp tục tăng trưởng rất nhanh, từ 19,5 triệu USD năm 2015, lên 66 triệu USD vào năm 2019. Tiềm năng lớn, thị trường xuất khẩu rộng mở, tuy nhiên, hiện nay chanh leo là ngành hàng đang đối mặt nhiều thách thức do phát triển tự phát. Bộ NN&PTNT chưa có quy trình sản xuất, quy trình phòng trừ sâu bệnh cho cây chanh leo. Phần lớn diện tích được trồng trong nước có nguồn gốc giống từ Đài Loan, đang bị nhiễm các loại virus, bệnh hại. Liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp đã bước đầu được hình thành, nhưng chưa chặt chẽ.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho rằng, để chanh leo trở thành ngành hàng xuất khẩu bền vững, các địa phương cần xác định là cây trồng chủ lực. “Chúng tôi đang đề xuất UBND tỉnh cho xây dựng chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng chanh leo Gia Lai. Nếu phát triển bền vững thì chanh leo Gia Lai có thể đại diện cho chanh leo Việt Nam. Sự tham gia của doanh nghiệp và người dân, tất cả các bên cùng có lợi; Thứ hai là có bộ giống chuẩn cho từng vùng; Thứ ba là có quy trình chuẩn để sản xuất theo tiêu chuẩn mà quốc tế ghi nhận”.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nafoods Group, một trong những nhà xuất khẩu chanh leo lớn nhất cả nước cho rằng, hiện nay các mặt hàng từ chanh leo chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu. Để chanh leo không đi vào vết xe đổ của một số mặt hàng nông sản khác, đảm bảo chất lượng sản phẩm là yếu tố cực kỳ quan trọng.

Cây chanh leo đang mang lại giá trị xuất khẩu cao, không ngừng tăng.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, dự kiến, giai đoạn 2025 - 2030 diện tích chanh leo cả nước sẽ đạt từ 12.000 - 15.000ha, sản lượng quả tươi hàng năm đạt 300.000- 400.000 tấn. Chanh leo sẽ trở thành một mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị cao. Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ cam kết đồng hành cùng các địa phương, các doanh nghiệp và nông dân trồng chanh leo để phát triển tốt và bền vững đối với loại nông sản này. Trước mắt, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện xây dựng quy trình sản xuất, quy trình phòng trừ sâu bệnh; đồng thời, yêu cầu các viện đẩy mạnh nghiên cứu các giống chanh leo thuần chủng, kháng sâu bệnh và cho năng suất cao./.

Nguyễn Thảo

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận