Nhiều hình thức vi phạm an toàn thực phẩm khó quản lý

Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, các hành vi vi phạm được cụ thể, rõ ràng hơn, mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm răn đe hơn…

 

Ths. Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết việc vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm xảy ra dưới nhiều hình thức dù chế tài xử phạt ngày càng mạnh.

Thưa ông, từ khi Nghị định 115/2018/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực, đến nay việc thực hiện Nghị định đạt được kết quả thế nào?

Trong Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ban hành ngày 4/9/2018, các hành vi vi phạm được cụ thể, rõ ràng hơn, mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) răn đe hơn, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.

Ths. Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Từ 1/1/2019 đến 31/12/2019, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 56 cơ sở với 81 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 3.718.633.581 đồng, số tiền phạt trung bình/cơ sở năm 2019 là 66.404.171 đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2018 (năm 2018 số tiền phạt trung bình/cơ sở là 53.703.247 đồng).

Cùng với phạt tiền, Cục ATTP đã thu hồi các Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Cục ATTP đã chuyển cơ quan điều tra 17 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến ngày càng nhiều vụ gian lận và vi phạm nêu trên?

Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, lãnh đạo quản lý về vai trò của ATTP chưa đầy đủ; lực lượng thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước còn yếu kém; nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về công tác đảm bảo ATTP còn hạn chế. Mặc dù đã được Chính phủ quan tâm nhưng đầu tư kinh phí cho công tác quản lý ATTP ở nước ta còn rất thấp.

Lực lượng cán bộ quản lý ATTP còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Lực lượng thanh tra hiện còn quá mỏng, đặc biệt là so với các nước khu vực châu Á như: Bắc Kinh, Trung Quốc có trên 5.000 thanh tra viên ATTP, Nhật Bản có trên 12.000 thanh tra viên ATTP, trong khi ở nước ta có khoảng trên 1.000 người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP (vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác).

Xuất phát điểm của công tác quản lý ATTP ở Việt Nam thấp hơn các nước trên thế giới và trong khu vực (Nhật Bản có quy định về ATTP từ năm 1947, Việt Nam năm 2010).

Khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người dân cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn cơ sở y tín.

Tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK): sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong TPBVSK (sản phẩm giảm cân, sinh lý nam, ăn ngon, ngủ ngon...); quảng cáo quá mức, quảng cáo mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, sử dụng hình ảnh, uy tín cơ sở y tế, nhân viên y tế...

Tình trạng bán hàng TPBVSK online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, chat... đang là hình thức khá phổ biến. Hình thức này người bán hàng không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, họ thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa nếu họ cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, việc giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về sản phẩm cần có cơ chế để kiểm soát.

Tình trạng kinh doanh thực phẩm chức năng “xách tay” chưa được kiểm soát tạo cơ hội cho kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái lưu hành. Một số cơ quan phát hành quảng cáo thực hiện chưa đúng quy định về quảng cáo dẫn đến tình trạng đăng tải một số nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký hoặc đăng tải những nội dung quảng cáo chưa được thẩm định của cơ quan y tế.

Để hạn chế tình trạng nói trên, theo ông có cần thiết bổ sung các chế tài mạnh?

Chế tài về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đã cơ bản đầy đủ, mức xử phạt răn đe hơn. Đặc biệt tại Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 1/1/2018 đối với những hành vi vi phạm về ATTP như: nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng… gây hậu quả làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây tổn hại cho sức khỏe...  tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm.

Thời gian tới Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước theo Chỉ thị số 13, thực hiện và chỉ đạo các địa phương thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm ATTP cho nhân dân, gồm cả giải pháp về mô hình quản lý ATTP, trước mắt sẽ thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận/huyện, xã/phường của 9 tỉnh/thành phố theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018. Kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan để áp dụng cho cả nước.

Thời gian tới, công tác quản lý ATTP sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Nghị định 115 sẽ thay đổi căn bản phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm (kiểm tra sau công bố, sau khi sản xuất kinh doanh). Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra kiểm tra theo Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý ATTP từ Trung ương đến địa phương; thời gian tới Bộ Y tế cùng với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT sẽ có những giải pháp về mô hình quản lý ATTP, trước mắt sẽ thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận/huyện, xã/phường của 9 tỉnh/thành phố, thực hiện và chỉ đạo các địa phương thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; đặc biệt phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an, Công Thương (quản lý thị trường, quản lý thương mại điện tử) thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm về quảng cáo, hàng giả, hàng nhái, không bảo đảm ATTP, hàng xách tay, bán hàng online vi phạm, xử lý các đơn vị phát hành quảng cáo sai quy định... Đồng thời nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp, nâng cao năng lực cho hệ thống thanh tra ở các địa phương đến cấp huyện, xã; đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý ATTP ở địa phương về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về  ATTP.

Xin cảm ơn ông!

Lưu Hường thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận