Thị trường cà phê 'đóng cửa'

Ngành cà phê gần như tê liệt khi hàng loạt chuỗi cà phê trên thế giới bị đóng cửa. Giá cà phê trong nước sụt giảm khiến người nông dân đã khó càng thêm khó.

 

Thu không đủ bù chi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 tháng đầu năm, khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam lần lượt đạt 474 nghìn tấn và 801 triệu USD, giảm 3% về khối lượng và giảm 5,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến hết 15/3, Đức, Mỹ và Ý tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 15,1% (121,29 triệu USD); 10% (80,62 triệu USD) và 9,5% (76,91 triệu USD).

Giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm đạt 1.692 USD/tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. So với thời điểm mức giá cà phê xuất khẩu đạt cao 2.300 USD/tấn vào năm 2014, thì hiện tại giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm 43%.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) phân tích, Brazil bước vào chu kỳ được mùa của cây cà phê Arabica, đóng góp vào nguồn cung dồi dào trong những tháng còn lại của niên vụ 2020 - 2021, đã gây áp lực giảm giá lên thị trường cà phê thế giới.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến về Kinh tế ứng dụng Brazil (Cepea), vụ thu hoạch cà phê Robusta niên vụ 2020 - 2021 đã bắt đầu ở bang Rondonia, bang sản xuất cà phê lớn thứ 2 ở nước này. Công ty Phân phối thực phẩm của Brazil (Conab) ước tính, sản lượng cà phê Robusta của nước này đạt từ 13,9 đến 16,1 triệu bao 60 kg, thậm chí có thể sẽ đạt từ 16 đến 18 triệu bao nhờ thời tiết thuận lợi.

Ngân hàng Đầu tư đa quốc gia (Goldman Sachs) dự báo nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ giảm 10% do đại dịch Covid-19. Dù mức tiêu thụ tại nhà có thể cao hơn, nhưng cũng không bù đắp được cho việc tiêu thụ tại các quán và nhà hàng giảm.

Đại dịch Covid - 19 khiến ngành ca phê trong nước thêm khó khăn

Ông Trần Quang Hưng, Quản lý sản xuất Công ty cổ phần Bản cafe, chia sẻ: “Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị cách ly toàn xã hội, các quán cà phê đóng cửa, hệ thống khách hàng hầu như không có đơn đặt hàng mới. Doanh thu của công ty sụt giảm 70%”. Công ty này chuyên sản xuất các mặt hàng cà phê bột, cà phê hạt, và các chế phẩm lắc cà phê như cà phê sầu riêng, dừa... cung cấp chủ yếu thị trường trong nước, nhưng thời điểm này mọi hoạt động tạm ngưng, công nhân nghỉ việc.

Nguồn cung lớn, xuất khẩu ngưng trệ khiến giá sụt giảm. Cụ thể, cà phê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên ngày 20/4 giữ mức giá 29.400 - 29.900 đồng/kg sau khi sụt giảm 300 đồng trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Giá thấp nhất tại Lâm Đồng và cao nhất tại Đắk Lắk.

Ông Uông Minh Trường, xã Dray sáp, huyện Krong Ana, tỉnh Đắk Lắk tính toán, chi phí đầu vào như phân bón, nhân công...vào khoảng 35.000/kg. Như vậy với giá bán hiện tại người trồng cà phê đang bị lỗ.

Một số chuyên gia dự báo, dịch bệnh gia tăng đã buộc nhiều cảng giao nhận hàng hóa phải đóng cửa sẽ khiến giá cà phê chưa thể phục hồi nhanh chóng.

Loay hoay tìm hướng đi mới

Thị trường trầm lắng, giá thấp kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của nông dân. Theo ông Trường, tại xã Dray sáp cứ 10 hộ trồng cà phê có tới 7,8 hộ phải vay vốn ngân hàng. Giá thấp bán thì lỗ, giữ hàng chờ giá thì nợ chồng nợ. Cà phê không bán được, lãi ngân hàng không thể không trả, nợ cũ từ việc mua các sản phẩm chăm sóc cây trồng không thanh toán được, các đại lý không bán hàng cho nữa khiến nhiều vườn trồng cà phê bị “bỏ đói”. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới tại nhiều địa phương gây thiệt hại lớn cho cây cà phê. Nếu tình trạng khô hạn vẫn diễn ra dự báo trong tháng 4 và tháng 5, hàng chục nghìn ha cây trồng tại đây thiếu nước tưới. Khó khăn chồng chất, giảm sút về năng suất cũng như chất lượng là điều khó tránh khỏi.

Trước thực trạng các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, người trồng nỗ lực tìm kiếm thị trường. Ông Trần Quang Hưng cho biết, để duy trì khách hàng truyền thống, sắp tới Công ty cổ phần Bản cafe sẽ triển khai việc lắp đặt hệ thống bán hàng tự động ngay tại các cơ quan công sở, nhà hàng khách sạn... Khách hàng sẽ không phải di chuyển ra các quán mà có thể được đáp ứng nhu cầu ngay tại chỗ, rất tiện lợi và phòng tránh sự lây lan dịch bệnh do tập trung đông người.

Nhiều người lựa chọn trồng cà phe sạch theo hướng hữu cơ

Nhận thấy bán sản phẩm nhân thô giá thấp, anh Phạm Duy Hưng ở Gia Nghĩa, Đắc Nông đã kết hợp với các cơ sở chế biến để tiến hành rang xay trước khi cung cấp ra thị trường. Hưng lựa chọn sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ không sử dụng hóa chất từ khâu trồng đến chế biến. Sản phẩm cà phê được giữ hương vị nguyên bản vốn có. Hiện tại Hưng có nhiều khách hàng ưa dùng dòng sản phẩm mà anh đang sản xuất nên dù tiêu thụ hiện tại chậm so với thời điểm trước dịch nhưng giá cả không bị ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, với quan điểm không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, Hưng cho rằng người trồng cafe nên kết hợp trồng nhiều loại nông sản ngắn ngày trong cùng một vườn ngoài cà phê như sầu riêng, chuối, chanh leo, các loại đỗ...tiện lợi trong việc chăm sóc và cải thiện thu nhập.

Nhiều chuyên gia cho rằng ngành cà phê chỉ có thể phục hồi khi các chuỗi bán hàng mở cửa trở lại. Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, với diện tích hơn 650.000 ha, sản lượng 1,6-1,7 triệu tấn/năm, chỉ đứng sau Brazil. Nguồn cung lớn đang là áp lực đối với ngành cà phê khi mà cả thị trường xuất khẩu và nội địa gần như ngưng trệ. Cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước về lãi suất, tín dụng để doanh nghiệp và nông dân trồng cà phê để duy trì sản xuất./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận