Bình ổn giá thịt lợn dịp Tết: Sao không làm sớm hơn?

Bình ổn giá thịt lợn sẽ rất khó khăn khi chưa chủ động dự trữ, nắm lực lượng hàng hóa ngay từ khi mới có dịch tả lợn châu Phi xảy ra.

 

Trong những ngày đầu năm 2020, giá lợn hơi đang có xu hướng tiếp tục giảm nhẹ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại các tỉnh phía Bắc. Giá lợn hơi tại Hưng Yên giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống 94.000 đồng/kg; tại Hà Nam giảm còn 92.000 - 93.000 đồng/kg; giá thịt lợn tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Sơn La phổ biến ở mức 93.000 đồng/kg.

Nhìn chung, dù giá lợn tại khu vực miền Bắc vẫn ở mức cao nhất cả nước, dao động 90.000 - 95.000 đồng/kg, nhưng đà tăng đã chững lại và bắt đầu đang điều chỉnh giảm. Các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đều khẳng định tiếp tục đồng hành trong việc bình ổn mặt hàng thịt lợn.

Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Big C có đã cam kết bán giá vốn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết; Sài Gòn Co.Op sẽ bán mặt hàng thịt ba chỉ với giá thấp hơn thị trường 20%, sườn non thấp hơn 8%, xương đùi thấp hơn 25%, xương ống thấp hơn 35%...

Bộ NN&PTNT đã cho phép khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn từ 19 quốc gia.

Việc các doanh nghiệp cùng chung tay với cơ quan quản lý nhà nước trong cân đối nguồn cung thịt lợn trong thời điểm hiện nay sẽ góp phần không nhỏ để khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng để tránh tình trạng “găm hàng, tăng giá”, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để góp phần bình ổn nguồn cung và giá thịt lợn tại thị trường trong nước ở thời điểm hiện nay, đặc biệt là trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Bộ NN&PTNT cũng đã cho phép khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn từ 19 quốc gia có thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm.

Các Sở Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường tại khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép lợn sống và các sản phẩm từ lợn qua biên giới trên địa bàn. Theo dõi sát diễn biến hoạt động thương mại và trao đổi cư dân biên giới đối với hàng hóa nông, thủy sản nói riêng cũng như đối với lợn sống và các sản phẩm từ thịt lợn để phối hợp với cơ quan chức năng như Hải quan, Biên phòng, Thú y... trên địa bàn chủ động ứng phó với hiện tượng vận chuyển, mua bán trái phép, chống đầu cơ, tích trữ, gây bất ổn đến tình hình thị trường thực phẩm trong nước.

Bình ổn giá thịt lợn quá chậm

Nhận xét về diễn biến của thị trường thịt lợn trong nước thời gian qua, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, bằng nhiều biện pháp phối hợp trong hoạt động cung cầu, giá thịt lợn trong những ngày qua đã có phần “giảm nhiệt”. Tuy nhiên, khó khăn chính để làm tốt công tác bình ổn giá hiện nay chính là nguồn cung thịt lợn trong nước vẫn còn quá thiếu hụt do cơn “bão” dịch bệnh xảy ra trong năm 2019. Một số nơi đến nay dù hết dịch cũng vẫn rụt rè để tái đàn, trong khi đó nguồn thịt nhập khẩu cũng chỉ có hạn và chưa tạo được thói quen tiêu dùng của người dân.

“Nếu nếu không được khắc phục một cách cơ bản, để tình trạng giá thịt lợn kéo dài và vẫn tiếp tục tăng cho đến Tết và sau Tết thì quả là không ổn. Giá lợn tăng nhanh sẽ gây khó khăn trong chăn nuôi và kinh doanh thịt lợn, tác động đến túi tiền của người tiêu dùng và kéo theo việc tăng giá của hàng loạt các hàng hóa dịch vụ khác như thịt gà, thịt bò, cá tươi, trứng, bún, bánh phở tăng hơn so với trước. Một sự tăng giá dây chuyền sẽ không có lợi cho công tác bình ổn giá của nhà nước, gây biến động bất lợi đến chỉ số CPI năm 2019 và cả năm 2020”, ông Phú nói.

Nêu rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này, ông Phú cho rằng, cần phải có những phân tích thấu đáo để rút ra những bài học cần thiết cho những thời kì phục vụ tiếp theo, trước hết cho Tết 2020 và những năm sau.

“Chúng ta đều biết dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện rất sớm, từ tháng 2/2019 với số lượng heo tiêu hủy hàng triệu con và đa số các địa phương đều có dịch. Tuy nhiên trong những tháng qua, không có những đề xuất một cách cụ thể để bù đắp lượng thịt heo bị tiêu hủy của Bộ NN&PTNT, khiến tình hình giá cả thịt lợn có diễn biến bất lợi. Chính phủ đã có công văn phê bình và Bộ NN&PTNT cần phải rút ra những bài học sâu sắc trong công tác này, nhằm giải quyết tốt những biến động về giá cả thịt heo và giá cả những mặt hàng thiết yếu ở thị trường Việt Nam trong thời gian tới”, ông Phú cho biết.

Cũng theo nhận định của ông Phú, vấn đề bình ổn giá thịt lợn sẽ rất có thể không đạt được những kết quả ngay như mong muốn. Bởi lẽ, để việc bình ổn giá thành công nhất định phải có tính chủ động dự trữ, nắm lực lượng hàng hóa từ khi chưa có dịch xảy ra, không phải bình ổn giá chủ yếu bằng những công văn giấy tờ mà không tổ chức thực hiện một cách kiên quyết, mạnh mẽ và hiệu quả./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận