Nghịch lý giá thuốc trúng thầu cao hơn giá thị trường

Đấu thầu thuốc được kỳ vọng sẽ không còn tình trạng chênh lệch giá thuốc khi đến tay người bệnh. Song thực tế giá thuốc vẫn còn 'nhảy múa'...

 

Giá thuốc nhảy múa ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh và gây thiệt hại cho người bệnh.

Vẫn tồn tại nhiều bất cập

Với phương án đấu thầu ngành y tế kỳ vọng, sẽ tạo hành lang thông thoáng cho bảo hiểm y tế khi thanh toán phí khám chữa bệnh, người dân cũng được hưởng một mức giá vừa phải khi sử dụng thuốc trong quá trình điều trị.

Việc đấu thầu thuốc nhằm mục đích một loại thuốc cùng nhà sản xuất, cùng hoạt chất có mặt trên thị trường cả nước sẽ có chung một mức giá, và sẽ không còn tình trạng chênh lệch giá thuốc khi đến tay người bệnh. Bên cạnh đó, đấu thầu thuốc cũng sẽ hạn chế tối đa những tiêu cực có liên quan như tình trạng đẩy giá thuốc lên cao do đi qua nhiều khâu trung gian.

Nghịch lý mua nhiều, số lượng lớn nhưng lại chịu giá đắt hơn thuốc bán lẻ số lượng nhỏ.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay công tác đấu thầu mua thuốc tại một số cơ sở y tế địa phương và trung ương vẫn còn tồn tại những bất cập, nhất là về giá thuốc, về danh mục thuốc.

Tình trạng một thuốc có nhiều giá, giá thuốc khác biệt giữa các tỉnh, thành phố, thậm chí giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong cùng một địa phương vẫn tồn tại. Một số nơi có tình trạng độc quyền, nhà phân phối tự định giá, áp đặt giá; lựa chọn thuốc biệt dược đắt hơn thuốc gốc với tỷ lệ lớn trong thị phần tỷ trọng thuốc trong nước sản xuất còn thấp…

Việc cung ứng thuốc kém hiệu quả dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc, hạn chế khả năng tiếp cận thuốc, lãng phí nguồn kinh phí bảo hiểm y tế vốn vẫn đang rất hạn hẹp và đặt người bệnh vào tình trạng rất khó khăn. Ví dụ, với dòng thuốc Zinnat 500mg giá trúng thầu 24,589/viên trong khi đó tại bệnh viện K thì thuốc này đang được bán với giá 23,679 đồng/viên?. Giá thuốc Diovan 80 mg/giá trúng thầu 9.966 đồng/viên, nhưng được Bệnh viện Đại học Y bán 10.660 đồng/viên, chênh 694 đồng/viên. Còn tại bệnh viện Bạch Mai loại 160mg giá trúng thầu 16.640 đồng/viên được bệnh viện này bán với giá 17.805 đồng/viên, chênh 1.165 đồng viên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi so sánh giá thuốc trúng thầu của cùng một loại thuốc, nhưng do nhiều hãng sản xuất tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau trong cùng một địa bàn thì giá thuốc không thống nhất ngay trên cùng một địa bàn, thuốc cùng một thành phần, hàm lượng nhưng giá rất khác nhau.

Thuốc cùng một hãng sản xuất nhưng giá thuốc chênh lệch giữa các bệnh viện, giữa giá bán trên thị trường và giá thuốc trong bệnh viện vẫn còn chênh lệch nhau. Thậm chí giá thuốc trúng thầu còn cao hơn giá thuốc bán lẻ trên thị trường.Cụ thể, với một số loại thuốc do Công ty cổ phần dược liệu TW2 nhập khẩu và phân phối cógiá trúng thầu cao hơn giá thị trường.

Đơn cử như thuốc Pulmicort Respules giá trúng thầu là 13.834 đồng/ống giá thị trường 13.100 đồng/ống. Thuốc Fastum Gel giá 47.500 đồng/hộp ở ngoài bán là 43.000 đồng/hộp, giá trúng thầu đắt hơn giá thị trường 4.500 đồng/hộp. Hay loại thuốc Arcoxia 60mg giá trúng thầu 14.222 đồng/viên, loại 90mg giá trúng thầu 15.645 đồng/viên còn giá trên thị trường là 13.900 đồng/viên và 15.266 đồng/viên chênh gần 400 đồng/viên. Tương tự là thuốc Diflucan 160.600 đồng/hộp (mỗi hộp chỉ có 1 viên) giá thị trường là 155.000 đồng/hộp chênh 5.600 đồng/hộp.

Người bệnh bị móc túi?

Tìm hiểu sâu hơn tại một số bệnh viện, sở y tế, phóng viên thấy tình trạng chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá bán trên thị trường không phải là ít.

Tại bệnh viện E, giá thuốc Polygynax mà bệnh viện E trúng thầu với số lượng 14.000 viên với giá 9.500 đồng/viên nhưng tại bệnh viện đa khoa trung ương Quảng Nam lại trúng thầu với giá 9.499 đồng/viên với số lượng chỉ 9000 viên.

Thuốc Gastropulgite giá trúng thầu của bệnh viện E là 3.053 đồng/gói trong khi đó giá thị trường là 89.000 đồng/hộp/30 gói tương đương 2.966 đồng/gói. Thuốc Nivalin 5mg giá thuốc trúng thầu năm 2019 tại Bệnh viện đa khoa trung ương Quảng Nam là 21.630 đồng/viên. Nhưng cũng loại thuốc đó thì giá trúng thầu tại Sở Y tế Phú Thọ là 21.714 đồng/viên. Trong khi giá thị trường là 17.750 đồng/viên.

Thuốc Fleet Enema giá trúng thầu tại bệnh viện E là 59.000 đồng/chai trong khi đó giá thị trường và giá trúng thầu tại Sở Y tế An Giang là 54.000 đồng/chai. Thuốc Indocollyre giá trúng thầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng và Sở Y tế Hòa Bình lại là 68.000 đồng/lọ nhưng giá bán trên thị trường chỉ 55.000 đồng/lọ.

Chỉ cần nhẩm tính thì giá trúng thầu tại hai cơ sở y tế này chênh so với giá thị trường 13.000 đồng/lọ. Thuốc Hydrocortison-Lidocain-Richter giá trúng thầu tại bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa là 32.445 đồng/lọ. Nhưng tại các bệnh viện khác thì lại có giá 35.000 đồng/lọ.

Tìm hiểu thêm chúng tôi thấy không chỉ có hiện tượng giá thuốc chênh giữa giá đấu thầu và thị trường mà còn có tình trạng một số loại thuốc chênh gấp cả hàng chục lần so với giá trúng thầu. Ví dụ như thuốc Boganic có giá trúng thầu là 620 đồng/viên nhưng tại một số bệnh viện giá thuốc này bán đến tay người bệnh là 1.980 đồng/viên gấp hơn 30 lần so với giá trúng thầu.

Trong khi đó, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thấu thuốc tại các cơ sở Y tế công lập do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký ngày 11/7/2019, có hiệu lực từ 1/10/2019. Bên cạnh các quy định về tiêu chí kỹ thuật, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ... thông tư này quy định về kiểm soát giá. Cụ thể: giá trúng thầu của từng thuốc không được cao hơn giá của thuốc đó trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được người có thẩm quyền phê duyệt và không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đó. Nếu chiểu theo thông tư này thì người bệnh đang bị “móc túi” không ít.

Như vậy, mục tiêu của việc đấu thầu thuốc tập trung là để công khai, minh bạch và lựa chọn thuốc tốt, giá hợp lý, lựa chọn nhà cung cấp có khả năng cung ứng, hướng tới giảm giá thuốc và người hưởng lợi cuối cùng là người bệnh. Song nếu với giá bán thuốc đang được bán tại một số bệnh viện như trên thì giá thuốc đấu thầu vẫn cao hơn giá thuốc trên thị trường. Mua nhiều, số lượng lớn nhưng lại chịu giá đắt hơn thuốc bán lẻ số lượng nhỏ, đây là điều hết sức bất hợp lý.

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận