Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế xanh bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ngày 26/11, Báo Điện tử Đài TNVN VOV.VN đã tổ chức “Diễn đàn kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.
Đây là nơi để các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng cùng thảo luận, trao đổi thông tin và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa cũng như những thách thức khó khăn, vướng mắc, đồng thời chỉ ra cơ hội, đề xuất chính sách mới trong phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Kinh tế tuần hoàn, hướng phát triển xanh bền vững
Phát triển bền vững là xu thế toàn cầu, với kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn (KTTH) được nhiều quốc gia ưu tiên. Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, là hướng đi tích cực để giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, đặt câu hỏi: “Việc chuyển đổi sang xe điện là khuynh hướng chung toàn cầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, xe điện nhưng lại sử dụng nguồn điện được sản xuất từ nguyên liệu hoá thạch như dầu, than… Vậy việc sử dụng xe điện như vậy có làm giảm phát thải, có phải là xanh, bền vững?”.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, áp dụng KTTH trong quản lý chất thải carbon ở Việt Nam cần tập trung vào mô hình tuần hoàn của sản phẩm ngay từ giai đoạn thiết kế. Thiết kế tiết kiệm vật liệu, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng và giao thông, góp phần giảm phát thải carbon đáng kể. Thiết kế sản phẩm hỗ trợ các chiến lược kinh tế tuần hoàn khác, kéo dài tuổi thọ sản phẩm và tăng khả năng tái chế, giúp giảm thiểu lượng chất thải và bảo vệ tài nguyên. Ủy ban châu Âu đã đề xuất quy định về thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững, yêu cầu các sản phẩm phải có độ bền cao, có thể sửa chữa và tái chế.
Áp dụng KTTH trong quản lý chất thải carbon ở Việt Nam, đặc biệt trong chuỗi giá trị năng lượng sạch, là một lĩnh vực còn mới mẻ nhưng đầy tiềm năng. Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ nhưng còn nhiều thách thức cần vượt qua. Hiện nay, các nỗ lực chủ yếu tập trung vào tái chế ở cuối vòng đời sản phẩm, nhưng chưa tận dụng hết các lợi ích môi trường và xã hội mà các chiến lược kinh tế tuần hoàn có thể mang lại trong toàn bộ chuỗi giá trị.
KTTH là phương pháp tiếp cận đột phá nhằm thay đổi cách chúng ta quản lý tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (GHG). Các chiến lược hiện tại về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả năng lượng chỉ giải quyết được 55% lượng khí thải toàn cầu, KTTH mang lại giải pháp bổ sung giúp giải quyết 45% lượng khí thải còn lại. Điều này đặc biệt quan trọng khi các lĩnh vực vật liệu chiếm phần lớn lượng phát thải như xi măng, nhựa, thép, nhôm và thực phẩm.
Cần chính sách đột phá
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, khái niệm về kinh tế xanh không mới, nhưng trong xã hội, dư luận hiểu thế nào về kinh tế xanh hay quan hệ giữa kinh tế xanh với phát triển bền vững, KTTH ra sao cũng là vấn đề đáng bàn.
Theo ông Phạm Mạnh Hùng, để phát triển một nền kinh tế hiện đại cần dựa vào rất nhiều các yếu tố trong đó có quản trị hiện đại, hạ tầng hiện đại thông minh, nền kinh tế sử dụng bền vững tiết kiệm tài nguyên, không ảnh hưởng đến môi trường. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản về phát triển kinh tế, chính sách về phát triển kinh tế xanh, nhưng để thực hiện hiệu quả cần những hành động cụ thể, rất quyết liệt, cũng như những chính sách hoàn toàn mới, mang tính đột phá.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Viện Nguyên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong bối cảnh toàn cầu chú trọng phát triển kinh tế xanh, doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn từ các rào cản thương mại như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). “Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư tại Việt Nam cho biết, nếu Việt Nam không có chính sách đồng bộ để đáp ứng yêu cầu về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn không chỉ về xuất khẩu mà còn có nguy cơ thu hẹp đầu tư. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang cần giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và được sở hữu “chứng chỉ xanh”, chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, bên cạnh thực hành đầy đủ các yếu tố bao gồm cả trách nhiệm xã hội và các hành động bảo vệ môi trường”, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Còn ông Hà Đông Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh lại băn khoăn rằng, khi giải quyết tăng trưởng xanh, KTTH, Việt Nam chưa chưa có “kiến trúc sư trưởng” cho một công trình vô cùng lớn. Để thực hiện hiệu quả kinh tế xanh, trước tiên cần xác định rõ đề bài từ đầu, trả lời câu hỏi muốn đi đâu, cần làm gì?
Từ những thực tế trên, chuyên gia này cho rằng, các chiến lược chung đến các chính sách của bộ ngành đều cần hướng đến phát triển xanh cũng như thích ứng với những rào cản quốc tế.
Công nghệ sẽ hiện thực hoá mục tiêu Net Zero năm 2050
Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển, tổng lượng phát thải rác sinh hoạt cả nước hiện nay là 65.000 tấn/ngày. Khoảng 30% lượng rác này được đốt, phát thải gần 10 triệu tấn CO2 mỗi năm, còn 70% chôn lấp phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), kinh tế xanh là một mô hình phát triển không chỉ giảm phát thải carbon mà còn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo công bằng xã hội. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh đã được Đảng và Nhà nước xác định là chiến lược quan trọng, thể hiện qua các chính sách như chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và cam kết net zero vào năm 2050.
|
Các doanh nghiệp Việt Nam đã sở hữu công nghệ khí hóa chất thải rắn (bao gồm rác thải sinh hoạt) hầu như không phát thải CO2 (75kg CO2/1 tấn rác). Công nghệ này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công nhận thực nghiệm thành công ở quy mô thương mại. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xác nhận kết quả môi trường: không có chất thải rắn phải chôn lấp (như tro bay, tro xỉ từ công nghệ đốt rác phát điện), không có nước thải và khí thải, đạt chất lượng cao hơn so với tiêu chuẩn phát thải của EU, Nhật Bản. Hơn nữa, chi phí xử lý chỉ bằng một nửa so với công nghệ đốt rác phát điện, do không cần bù lỗ qua giá bán điện cao (10,05 cents USD/kWh).
Với công nghệ này, Việt Nam có thể quy hoạch các nhà máy xử lý rác phân tán ở cấp quận, huyện, thay vì xây dưng các nhà máy quy mô lớn hàng ngàn tấn sẽ gây ra “vết chân carbon rất dài” do chi phí vận chuyển rác thải khổng lồ. Theo đó, ông Đông đưa ra đề xuất Việt Nam cần bắt đầu bằng việc quy hoạch đô thị ưu tiên giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân, hạn chế dần và đi đến cấm xe chạy xăng, dầu trong đô thị. Việc quy hoạch nhà máy xử lý rác thải đô thị theo mô hình phân tán, ứng dụng công nghệ khí hóa, sẽ giúp giảm phát thải hàng trăm triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.
“Việc quản lý quy hoạch, giao thông, chất thải rắn, nước thải, với những công nghệ hiện hữu, chúng ta đã góp phần giảm được hàng trăm triệu tấn CO2 mỗi năm. Vì vậy, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng, mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết quốc tế là có thể”, ông Đông kết luận./.