Nỗi lo hàng giả, hàng nhái trong thời 4.0

Tết Nguyên đán đang cận kề, nỗi lo hàng giả, hàng nhái,… lại bủa vây người dùng. Đặc biệt là vi phạm hàng giả, hàng nhái với công nghệ 4.0 diễn ra ngày càng 'tinh vi' và phức tạp.

 

Tết Nguyên đán đang cận kề, nỗi lo hàng giả, hàng nhái,… lại bủa vây người dùng. Đặc biệt là vi phạm hàng giả, hàng nhái với công nghệ 4.0 diễn ra ngày càng “tinh vi” và phức tạp. Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng nạn hàng giả, hàng nhái vẫn ngang nhiên tồn tại “bất chấp” mọi thủ đoạn.

Hàng giả, hàng lậu vẫn diễn biến phức tạp

Tết Nguyên đán đang đến gần, đây là thời điểm hàng hóa được tiêu thụ nhiều nhất trong năm. Chính vì vậy, lượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng gia tăng. Hàng giả, hàng nhái hiện nay không chỉ có tại các trung tâm mua sắm, chợ đầu mối mà nó còn len lỏi vào khắp các chợ lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội và trên cả các trang mạng, trang thương mại điện tử.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho hay, hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa có chiều hướng suy giảm. Thủ đoạn sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi. Đặc biệt là trong thời điểm tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến phức tạp. Mặt hàng thường được làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thời trang may mặc, phụ kiện thời trang.... Các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật (rượu, xi măng, phân bón,…) hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác, niêm phong của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu. Ngoài ra, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhập lậu, nhất là hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Lacoste, Louis Vuitton, Gucci, Lancome, Apple… Các mặt hàng vi phạm nhiều nhất vẫn là đồng hồ, mắt kính, túi xách, giày dép, quần áo...  

Giày nhái các thương hiệu nước ngoài được bày bán công khai

Đánh giá về tình trạng hàng giả, hàng lậu, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng như: hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu, pháo nổ... Hoạt động của các đối tượng buôn lậu diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn như hợp thức hóa theo hình thức quay vòng chứng từ, hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không dưới hình thức hàng xách tay, hành lý ký gửi vận chuyển nhận sau; các đối tượng thường xuyên thay đổi cung đường, tuyến đường, thời gian, địa điểm xuất hàng và tập kết hàng hóa để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Năm nay, phương thức vận chuyển hàng lậu, hàng cấm có thay đổi so với các năm trước, thay vì tập kết trên xe có tải trọng lớn, hiện nay các đối tượng xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ.

Năm 2018, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã xử lý một số vụ việc vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điển hình như vụ sản phẩm VINACA giả thuốc chữa bệnh; vụ mỹ phẩm- thực phẩm chức năng Thanh Mộc Hương (đã chuyển cơ quan công an để điều tra); kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hệ thống cửa hàng MUMUSO; kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh đường nhập lậu, giả mạo xuất xứ hàng hoá tại Kiên Giang, Long An, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với sản phẩm mỹ phẩm và thuốc đông dược không rõ nguồn gốc xuất xứ của Công ty TNHH TM&DV Ngọc Tú;…

Hàng giả ứng dụng công nghệ 4.0

Theo các chuyên gia, trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến, do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...; đặc biệt là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... được bày bán công khai, tràn lan trên các website thương mại điện tử và trên mạng xã hội gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý. Các chuyên gia nhận định, nếu những vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ vốn đã phức tạp và khó khăn thì những vi phạm trong thương mại điện tử còn “tinh vi” và phức tạp hơn rất nhiều.         

Ngoài ra, trong thời đại công nghiệp 4.0, hàng giả nhanh chóng ứng dụng công nghệ để theo kịp hàng thật.Theo một số doanh nghiệp, thời đại công nghiệp 4.0 nên công nghệ làm hàng giả ngày càng hiện đại. Hàng giả không có sự khác biệt về mẫu mã so với hàng thật. Thậm chí, hàng giả hiện nay còn tinh vi đến mức có sự phân loại rõ ràng với hàng loại 1, loại 2, loại 3...

Đại diện Công ty tem chống giả (Vina CHG) cho hay, với sự hỗ trợ của công nghệ 4.0, mô hình kinh doanh hàng giả, hàng nhái đã thay đổi nhiều. Hiện có không ít đối tượng làm hàng giả chủ động đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc, khuôn mẫu đầy đủ. Không chỉ xuất hiện tại trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng..., hàng giả cũng xuất hiện ở cửa hàng trực tuyến, website thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram...

Các loại bánh kẹo, mứt không có nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan ở các chợ.

Lý giải về nguyên nhân hàng giả hàng nhái vẫn tồn tại, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã thắng thắn nhìn nhận, công tác nắm thông tin, dự báo tình hình thị trường của lực lượng QLTT còn bị động, dự báo chuyên sâu còn yếu, thiếu cả về đầu mối và chất lượng thông tin. Đáng chú ý, đạo đức công vụ của QLTT đang là một vấn đề nổi cộm, đáng lo ngại.

Để khắc phục tình trạng này, năm 2019, lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng khác nhằm ngăn chặn hàng hóa nhập lậu vào thị trường nội địa. Nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, rà soát lại chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm công vụ, suy thoái đạo đức… Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung đẩy mạnh số hóa, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành, kiểm tra, xử lý vi phạm.

 

Năm 2018, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra 155.583 vụ; phát hiện, xử lý 91.867 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 490,27 tỷ đồng; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 92,5 tỷ đồng.

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận