Khi nào thì giá rau xanh 'hạ nhiệt'?

Tại các chợ truyền thống Hà Nội, giá rau xanh vẫn luôn là chủ đề thời sự được những người nội trợ cập nhật mỗi ngày.

 

Sự khan hiếm, tăng giá rau xanh và các nhu yếu phẩm khác đã xảy ra cục bộ tại một số nơi và trong một thời gian ngắn trước và sau bão. Còn hiện nay, theo ghi nhận của phóng viên chương trình tại một số địa phương chịu ảnh hưởng của bão và ngập úng, các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã tương đối ổn định về số lượng, đáp ứng nhu cầu người dân. Tuy nhiên, giá có phần tăng nhẹ, nhất là nhóm mặt hàng rau xanh.

Tại các chợ truyền thống Hà Nội, giá rau xanh vẫn luôn là chủ đề thời sự được những người nội trợ cập nhật mỗi ngày. Hiện nay, giá rau trung bình là 20 nghìn đồng/bó. Thậm chí có những chợ bán đồng giá với các loại rau khác nhau.

Nếu như giá thịt cá chỉ nhích nhẹ một chút thì hiện giá rau xanh cao gấp đôi so với trước bão. Thế nhưng, người tiêu dùng đều hiểu là do hoàn cảnh và chỉ trong một thời gian ngắn nữa giá sẽ ổn định trở lại.

Thành phố Hạ Long nơi tâm bão đi qua, người dân cũng đã phải trải qua những ngày rất khó khăn. Chị Nguyễn Thị Hợp cho biết cùng với dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, thì chị cố gắng duy trì nếp ăn uống, sinh hoạt của cả gia đình để mọi người cảm thấy cuộc sống đã bình thường trở lại. Và chuyện đi chợ những ngày sau bão cũng có đôi chút khác:

"Sau bão, tuần đầu giá tăng nhẹ, sau đó 1 tuần rau xanh tăng nhanh nhất, gấp 2-3 lần như rau gia vị, rau cải vì sau bão dập nát nhiều, phải nhập rau từ nơi khác. Còn thịt lợn tăng nhẹ, như thịt ba chỉ trước bão 100 nghìn/kg giờ 120 nghìn/kg, sườn trước bão 140 nghìn/kg giờ là 170 nghìn/kg. Các loại như thịt bò, thịt gà, gia cầm tăng không nhiều lắm. Cái loại rau gia vị là tôi thấy bất ngờ nhất, dân biển nấu cá ai cũng mua thì là, trước chỉ cần mua 10 nghìn thì được một mớ, còn giờ được 2 cây", chị Hợp thông tin.

Chợ vỉa hè tại thành phố Hạ Long những ngày sau bão.Cái gì tăng giá thì hạn chế mua, chị Hợp cũng cho biết: Hạ Long nổi tiếng với các loại cá và bữa cơm của người dân miền biển cũng không thể thiếu món này. Vì thế, cá là sự lựa chọn thay thế của nhiều gia đình lúc này.

"Giá các loại cá gần như là ổn định. Tuy nhiên, không có nhiều loại cá như trước mà hiện cá song là nhiều nhất, cá chim cũng nhiều nhưng chủ yếu là loại bé. Cá đông lạnh như các vực, cá thu thì ít hơn trước do các tàu đánh bắt chưa hoạt động trở lại", chị Hợp nói.

Ghi nhận các khu chợ truyền thống tại thành phố Yên Bái hiện đã tấp nập, nhộn nhịp. Đây là dấu hiệu cho thấy đời sống sinh hoạt của người dân sau nhiều ngày ngập sâu trong nước lũ đã trở lại bình thường. Theo một số tiểu thương cho biết, giá cũng có tăng nhẹ ở một số mặt hàng như thịt lợn, vì hiện các lò mổ hoạt động cầm chừng do nguồn cung từ các hộ chăn nuôi không ổn định.

Mặc dù giá nhập thịt lợn đắt hơn trước nhưng các tiểu thương đều không tăng giá nhiều để cùng chia sẻ với người dân trong khó khăn sau bão lũ.

Hiện nay, theo đánh giá chung, giá rau xanh tăng là do nguồn cung rau từ các địa phương như Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định… giảm 50% so với trước đó. Hơn nữa đây là thời điểm giao mùa nên rau vụ Đông chưa thu hoạch rộ, trong khi đó rau vụ Hè sắp hết mùa như rau muống, mùng tơi, rau dền cũng giảm, sản lượng khiến cung không đủ cầu. Hiện nhiều vùng trồng rau đang gieo trồng lại bù vào những diện tích rau màu đã bị hỏng do mưa.

Dự báo nếu thời tiết như tạnh ráo như hiện nay thì khoảng nửa tháng đến 20 ngày nữa, khi các loại rau vụ đông được thu hoạch, chắc chắn nguồn cung rau xanh sẽ được bổ sung nhiều hơn, dồi dào thì lúc đó giá rau xanh sẽ hạ nhiệt, thị trường sẽ ổn định trở lại.

Tình hình giá cả các mặt hàng như rau, củ qua, thực phẩm, nước uống tại một số địa bàn các tỉnh đã được cơ quan chức năng nắm bắt kịp thời. Bộ Công Thương đã ban hành công điện hoả tốc, yêu cầu các địa phương tăng cường kết nối, tìm kiếm thêm nguồn hàng từ các địa phương khác để hoạt động cung ứng không bị gián đoạn.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình của địa phương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo cụ thể đối với các Sở Công thương ở từng địa phương trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng cũng như các hệ thống phân phối, các nhà cung ứng hàng hóa quy mô lớn để có thể điều tiết và vận chuyển hàng hóa để phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Hiện nay, thông qua các hệ thống phân phối lớn, thực phẩm đã được vận chuyển liên vùng, liên tỉnh. Theo thông tin, hệ thống GO!, Big C đã tăng 100% sản lượng cung ứng hàng hóa rau củ so với ngày thường. Trong khi đó, đại diện siêu thị WinMart cho biết, mỗi ngày WinEco cung ứng 100 tấn rau củ sạch phục vụ cho thị trường miền Bắc, giá cả bình ổn, không tăng so với thời điểm trước bão lũ.

Tương tự, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tập trung nguồn lực tiếp ứng cho hệ thống phân phối và kho vận miền Bắc.

Ông Lê Văn Liêm - Giám đốc khu vực miền Bắc - Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết: "Sau khi cơn bão đi qua chúng tôi đã cung ứng hơn 100 tấn hàng rau xnah từ Dà Lạt chuyển ra. Bên cạnh đó, có 1 số nguồn rau lá từ các địa phương không bị ảnh hưởng lớn của Bão như Phú Thọ,Vĩnh Phúc và Sơn La. Việc thực hiện công tác bình ổn giá được thực hiện xuyên suốt trong các năm, việc làm như vậy góp phần cho thị trường được bình ổn và người dân yên tâm mua sắm".

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại và các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam đang liên kết chặt chẽ với hệ thống phân phối, bán lẻ có mạng lưới phủ sóng rộng tại miền Bắc để kịp thời cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến với người dân. Những doanh nghiệp này cũng đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương tham gia hỗ trợ, cứu trợ đồng bào bị thiệt hại bởi bão lũ.

"Saigon Co.op được Hội chứ thập đỏ chọn làm cung ứng thiết yếu cho bà con vùng bão lũ. Và Saigon Co.op cũng nhận được các đơn hàng của 1 số tổ chức từ thiện phía Nam cung ứng 1 số hàng thiết yếu như gạo, bánh, nước uống, sữa để cho bà con bị ảnh hưởng bão lũ. Chúng tôi đã cung ứng gần 5000 phần quà cho 9 tỉnh bị ảnh hưởng… Chúng tôi cũng chia sẻ với các doanh nghiệp và hỗ trợ những chuyến xe miễn phí đến các tỉnh", ông Lê Văn Liêm nói.

“Không để xảy ra thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Các đơn vị phải giám sát kê khai, niêm yết, công khai thông tin về giá. Các hành vi vi phạm pháp luật về giá sẽ bị xử lý nghiêm” - đây là yêu cầu Chính phủ với mục tiêu không để người dân khó khăn chồng khó khăn.

Thanh Phượng/VOV2

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận