'Chuyến tàu di sản miền Trung' tìm cách thu hút khách

Thay đổi rõ rệt của thị trường khách nội địa trong hè năm nay là xu hướng đi du lịch bằng tàu hỏa...

 

Thay đổi rõ rệt của thị trường khách nội địa trong hè năm nay là xu hướng đi du lịch bằng tàu hỏa. Điều đó thể hiện sự chuyển mình khá mạnh mẽ của những người làm du lịch đường sắt khi nắm bắt xu thế, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ và được du khách đón nhận.

Nắm bắt xu thế

Mới đây, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã thống nhất việc hợp tác, thúc đẩy hoạt động du lịch bằng đường sắt và liên tiếp ra mắt các sản phẩm mới. Ngành đường sắt tân trang lại toa tàu, đổi mới cách phục vụ, cung cấp tiện ích trên tàu. Ngành du lịch có các chương trình giảm giá tour cho khách du lịch đường sắt, ra mắt sản phẩm du lịch mới… Trước đây tàu chỉ là phương tiện vận chuyển, nhưng nay, đi tàu đã trở thành hành trình khám phá, trải nghiệm đối với du khách với nhiều sản phẩm dịch vụ như: ẩm thực, trải nghiệm sản vật địa phương, xem biểu biễn nghệ thuật...

Đi tàu đã trở thành hành trình khám phá, trải nghiệm đối với du khách.

Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Công ty WorldTrans (chi nhánh Đà Nẵng) cho rằng: “Đây là thời cơ thuận lợi của đường sắt khi giá vé máy bay khá cao, việc máy bay có giá cao đã ăn sâu vào ấn tượng của khách, kể cả khi có những chuyến bay đêm, bay giờ thấp điểm với giá vé rẻ giảm từ 30 - 40%, nhưng khách vẫn chọn đi tàu như phương án tối ưu. Ngành đường sắt cũng đã nhanh chóng thay đổi cách phục vụ, cơ sở hạ tầng, phòng ốc, nhà vệ sinh, thái độ tác phong đem lại sự hài lòng cho du khách”.

Đơn cử, trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm 2024, ngành du lịch Đà Nẵng đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng khách di chuyển bằng tàu hỏa. Số khách du lịch đến Đà Nẵng bằng tàu hỏa đã đạt hơn 16.000 lượt, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch quốc tế đi tàu hỏa đạt 1,5 triệu lượt, tăng 20%.

Trong thời gian này, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã khai trương nhiều tuyến tàu hỏa 5 sao chất lượng cao, kết nối các địa phương trên cả nước như Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Đà Nẵng; Đà Nẵng - Huế - Đồng Hới; Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang; Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Thuận; Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng...

“Sản phẩm này phù hợp với thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng (khách inbound), đặc biệt dòng khách từ thị trường Tây Âu ưa trải nghiệm, khám phá. Bên cạnh đó, với các nhóm khách nhỏ như gia đình, nhóm bạn bè, có thời gian đi tour trải nghiệm thì sản phẩm này cũng là một lựa chọn hay”, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Hồ Thanh Tú đánh giá.

Nhiều trải nghiệm thú vị dành cho du khách trên “Chuyến tàu di sản miền Trung”

Khảo sát thị trường cho thấy việc tăng giá vé máy bay đã dẫn đến giá cả các tour du lịch tăng từ 10 - 15%, du khách phải cân nhắc khi chọn lựa phương tiện di chuyển. Điều này mở ra cơ hội cho du lịch bằng tàu hỏa, với giá vé rẻ hơn và tiết kiệm hơn cho người dùng.

Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội nhìn nhận, sau thời gian khai thác, số lượng khách đi tàu có nhiều tín hiệu khả quan, trong đó nhiều khách quốc tế lựa chọn đây là phương tiện đi lại.

Bà Tạ Thị Tú Uyên, Công ty Vietravel đề xuất: “Đường sắt nên có chính sách giá hợp lý cho các doanh nghiệp lữ hành, bởi vì hàng không sắp tới sẽ có tăng cường thêm các chuyến bay đêm, có giá tiết kiệm lên tới 40%, trong khi đó thì những chuyến tàu cũng có giá vé tương đương với vé hàng không nên chưa thực sự hấp dẫn lắm. Ngoài ra khách sẽ trải qua thời gian ở trên tàu khá dài, cần thiết kế thêm sản phẩm cho khách giải trí, để đi tàu không chỉ là hành trình mà còn là trải nghiệm đáng nhớ”.

Kết nối “Chuyến tàu di sản miền Trung”

Phương án chạy tàu kết nối “Chuyến tàu di sản miền Trung” giữa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam sẽ góp phần gia tăng nguồn khách du lịch đến Quảng Nam, tăng cường mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và ngành du lịch tỉnh Quảng Nam. Đây là kết quả buổi họp, bàn phương án chạy tàu phục vụ khách du lịch đến Quảng Nam; phương án kết nối “Chuyến tàu di sản miền Trung” giữa đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VHTTDL) Quảng Nam mới đây.

Cần thiết kế thêm sản phẩm cho khách giải trí để đi tàu không chỉ là hành trình mà còn là trải nghiệm

Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, phương án chạy tàu kết nối “Chuyến tàu di sản miền trung” giữa các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam góp phần gia tăng nguồn khách du lịch đến Quảng Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho khách nội địa và khách quốc tế đến, đi từ Quảng Nam bằng đường sắt, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và ngành du lịch tỉnh Quảng Nam.

Kết nối “Chuyến tàu di sản miền trung” đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương nói trên, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đường sắt, góp phần phục hồi và phát triển mạnh mẽ du lịch.

Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhận định, với nỗ lực của các bên liên quan dự kiến trong năm 2024 sẽ vận hành thử nghiệm việc mở rộng “chuyến tàu di sản miền Trung” từ ga Đà Nẵng đến ga Trà Kiệu, tiến độ thời gian vận hành phụ thuộc rất nhiều vào sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam.

Từ nay đến hết ngày 31/12, VinWonders Nam Hội An sẽ áp dụng ưu đãi cho các khách hàng sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng tàu hỏa của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có điểm đến bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam. Theo đó, khách hàng nhận được ưu đãi giảm giá lên đến 10% cho tour Thám Hiểm Rừng Xanh hoặc vé vào cửa tiêu chuẩn (tặng kèm voucher ẩm thực Wonder Ngon), áp dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng tàu hỏa của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có điểm đến bao gồm: Đà Nẵng (ga Đà Nẵng), Quảng Nam (các ga Núi Thành, Tam Kỳ, Trà Kiệu).

Theo Sở VHTTDL Quảng Nam, việc mở rộng “chuyến tàu di sản miền Trung” đang chạy giữa Huế - Đà Nẵng, trước mắt đến ga Trà Kiệu (Duy Xuyên) để lan tỏa đến các điểm du lịch lân cận ga như Hội An, Mỹ Sơn có nhiều triển vọng và giao các đơn vị liên quan sớm xúc tiến, làm việc với phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để chốt phương án khả thi trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Lãnh đạo Sở VHTTDL Quảng nam cũng đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu sớm xúc tiến tuyến tàu nối miền di sản miền Trung với Ninh Bình để đa dạng hóa sản phẩm trải nghiệm du lịch đường sắt, gắn với các miền di sản.

Tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Quảng Nam dài 91,5km gồm 8 ga: Nông Sơn, Trà Kiệu, Phú Cang, Tam Thành, An Mỹ, Tam Kỳ, Diêm Phổ, Núi Thành. Trong đó có 3 ga có tác nghiệp đón trả khách là: Trà Kiệu, Tam Kỳ và Núi Thành. Khoảng cách từ ga Trà Kiệu (Duy Xuyên) đến TP Hội An gần 20km, còn từ ga Trà Kiệu đến Khu đền tháp Mỹ Sơn khoảng hơn 23km.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận