Nghệ nhân Nguyễn Văn Phong: Người 'thợ gốm' tìm cái đẹp cho Bát Tràng

Tâm niệm mạch nguồn để Bát Tràng tồn tại và ngày càng phát triển chính là bàn tay của nghệ nhân nơi đây

 

Tâm niệm mạch nguồn để Bát Tràng tồn tại và ngày càng phát triển chính là bàn tay của nghệ nhân nơi đây, hơn 20 năm qua, anh Nguyễn Văn Phong ở thôn 1 Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, đã không ngừng học hỏi với khát khao cháy bỏng tiếp nối mạch nguồn ấy. Anh đã thành công trong việc tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc, khác biệt.

Kiên trì với phương thức thủ công truyền thống

Tìm hiểu câu chuyện bình hoa gốm dáng que họa tiết hoa sen được “săn lùng” trên nhiều hội nhóm của những người mê gốm Bát Tràng thời gian qua, chúng tôi đến cơ sở sản xuất gốm Phong tại xã Bát Tràng vào ngày dỡ lò. Nằm sâu trong con ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo, không hề thuận tiện cho việc di chuyển, thế mà mới sáng sớm các đầu buôn đã nhộn nhịp, người đứng lò “xí phần”, người bê hàng ra chụp. Ngõ vào có bờ tường gạch rêu bám đầy, lơ thơ vài cây dương xỉ, rau rêu… lại trở thành nơi “tác nghiệp” lý tưởng của người mua kẻ bán. Sau này chúng tôi mới biết họ dặn nhau cứ ai đến lò nhớ lấy một xô nước té lên tường để cho rêu mọc.

Ấn tượng hơn nữa, anh Phong - nhân vật mà chúng tôi tìm kiếm - trong bộ quần áo lem nhem đất nặn, ngồi khom khom trên một cái ghế thấp vừa, một tay cầm sản phẩm mới ra lò, tay kia cầm que tăm với mảnh giấy lau nhỏ, ngón tay tỉ mỉ lướt trên bề mặt gốm để tìm lỗi và chau chuốt nó. Dáng người hơi thấp, vẻ mặt đăm chiêu, chắc hẳn ai gặp cũng đều chung cảm nhận khác với tưởng tượng ban đầu về một nghệ sĩ.

“Cảm giác như ôm một khối ngọc thực thụ vào lòng. Màu xanh ngọc dịu dàng đến khó cưỡng. Không biết diễn tả cảm xúc ra sao?  Nhưng những món đồ màu men ngọc ấy như đến từ miền quá khứ, theo gót chân người sáng chế đến với hiện tại. Làm con người chợt muốn dừng bước vội vã để ngắm nhìn nhiều hơn một chút những vẻ đẹp ấy”, khách hàng Trương Linh trước đó chia sẻ về men ngọc gốm Phong như vậy.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phong đến với gốm như mối duyên “tiền định”. Anh sinh năm 1983, trong gia đình ở Bắc Ninh có 4 anh chị em, bố mất sớm, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Năm 1994, cả gia đình anh phải vào Sài Gòn để làm ăn. Không có điều kiện ăn học tới nơi tới chốn, năm 10 tuổi anh đã phải lăn lộn khắp các con phố bán vé số phụ giúp gia đình. Năm 1999, anh được người chú, có xưởng làm gốm tại Bát Tràng, đón về dìu dắt để có nghề lâu dài ổn định.

Dấu mốc đó đã làm cuộc đời anh rẽ sang hướng khác. Làm quen với gốm, anh đam mê vô cùng. Thế là anh thức khuya, dậy sớm, mày mò, thử nghiệm làm hết sản phẩm này tới sản phẩm khác. Những hòn đất vô tri vô giác qua đôi bàn tay khéo léo của anh nhào nặn thành những tác phẩm mang hồn cốt, được những vị khách yêu thích. Người cùng làm trong xưởng khi ấy kể lại rằng, những chuyên gia đến từ Nhật, Pháp rất yêu thích Phong. Anh còn được chụp một bức ảnh trưng bày tại xưởng từ đó cho đến tận bây giờ.

Anh Phong chia sẻ “Chú tôi Nguyễn Văn Chinh, Nguyễn Văn Chế - người góp phần tạo ra dòng gốm cao cấp Bát Tràng xuất khẩu sang nhiều nước, người gạo cội trong nghề. Làm trong xưởng chú Chinh, tôi may mắn được tiếp xúc và làm việc với nhiều nghệ nhân, khách hàng người Nhật, người Pháp. Đó là vốn kinh nghiệm quý giá cho tôi trong quá trình lập nghiệp sau này”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phong thả hồn vào từng sản phẩm.

Tiếp cận và gắn bó với gốm đưa anh đến thành công. Năm 2020, thấy chồng là người có tay nghề, vợ anh là chị Đào Thị Thu đã động viên anh đứng ra mở xưởng và chọn lối đi riêng theo dòng gốm thủ công truyền thống. Dự định của anh “chung thuỷ” với dòng gốm này và cố gắng để sản phẩm ngày một đa dạng.

Không ngừng tìm kiếm cái đẹp mới lạ

Nếu như trước đây động lực vượt qua mọi khó khăn để lập nghiệp là tình yêu khôn cùng đối với gốm, thì giờ đây để thương hiệu gốm Phong bền vững trên thị trường, với nghệ nhân Nguyễn Văn Phong đam mê thôi chưa đủ, cần hơn nữa là sự không ngừng tìm tòi sáng tạo ra những sản phẩm vừa mới lạ vừa mang đậm văn hoá truyền thống người Việt.

Khi mới lập nghiệp, vợ chồng anh rất khó khăn. Vốn liếng phải đi vay. Chị Đào Thị Thu còn nhớ rõ, anh chị chỉ có số vốn ít ỏi. May nhờ có anh em bạn bè giúp đỡ anh chị từ chỗ sản phẩm khi hoàn thiện phải gửi và thuê lò nung, đến nay gốm Phong đã có quy mô với hai xưởng sản xuất, cung cấp ra thị trường hàng nghìn sản phẩm mỗi tháng, tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên. Quy trình làm gốm sáng tạo được anh Phong thực hiện với sự tính toán chặt chẽ, chuẩn xác. Sản phẩm của xưởng được khách hàng yêu thích và đánh giá cao. Nhất là đối với men ngọc trong men, men tiêu vàng (hổ phách), hay thạch anh.

Gốm Phong đã có quy mô với hai xưởng sản xuất, cung cấp ra thị trường hàng nghìn sản phẩm mỗi tháng

Khách hàng Hà Huy Hoàng cho biết: “Mình mới bước chân vào môn nghệ thuật thưởng thức gốm. Mình là người khá đơn giản, mình thích món gì là mua món đấy. Mình cũng không biết tại sao lại thích gốm Phong nữa? Có lẽ là cảm giác cầm, nắm đồ gốm Phong rất chắc tay và đầm. Hay có thể do chất men của Phong có một sự quyến rũ lạ kỳ, càng ngắm càng thấy cuốn hút. Cũng có thể do sản phẩm của Phong được tạo nên từ sự trau chuốt, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ được ký thác bởi tinh hoa thẩm mỹ của nghệ nhân. Mỗi một yếu tố đấy kết hợp với nhau tạo nên một nét độc đáo rất riêng của gốm Phong”.

Khi nhắc đến hai từ thành công, nghệ nhân Nguyễn Văn Phong nói với chúng tôi rằng: “Tôi nhận mình là một “thợ gốm” và tôi tự hào với điều đó. Là một người thợ nên tôi thấu hiểu những vất vả của người đang đồng hành cùng tôi để tạo ra sản phẩm. Hơn ai hết chúng tôi mong muốn không chỉ làng nghề gốm Bát Tràng được duy trì và phát triển, mà còn mong rằng có nhiều hơn nữa các chính sách tạo điều kiện, khuyến khích cho người làm nghề và các làng nghề”.

Trên con đường lập nghiệp, nghệ nhân Nguyễn Văn Phong luôn luôn thấy mình rất may mắn. Anh may mắn bởi dòng sản phẩm anh chọn sản xuất là ấm chén, bình hoa vuốt tay, đúng thời điểm mà thị hiếu khách hàng bắt đầu hướng tới. Anh mong muốn hai cậu con trai của anh hiện đang chập chững những nét vẽ đầu tiên nhưng đâu đó có sự cứng cỏi, sau này sẽ có được tình yêu gốm như bố mẹ. Với anh, thành công là phải có thế hệ tiếp nối, giữ gìn nghề của mình./.

“Sau một thời gian “chơi gốm”, hiện tại 95% lựa chọn của tôi là sản phẩm gốm Phong. Lần đầu tiên cầm 1 chiếc bình gốm Phong trên tay, tôi khá bất ngờ vì một chiếc bình nhỏ xíu mà cầm rất nặng. Gốm Phong có sự kỹ lưỡng trong từng chi tiết vẽ cùng với lớp men không lẫn đi đâu được. Không những vậy, gốm Phong luôn luôn nghiên cứu cải tiến sản phẩm, cho ra đời những chiếc bình gốm với kiểu dáng độc lạ, nước men mới ấn tượng - những sản phẩm chứa đựng đời sống văn hoá tinh thần của người Việt Nam”.

Chị Nguyễn Trang, Hà Nội

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận