Lối thoát cho du lịch thời bão giá

Kết nối hàng không với đường thủy, đường bộ và đường sắt là lối thoát được doanh nghiệp lựa chọn, tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm hè năm nay, doanh nghiệp du lịch chuyên thị trường nội địa đang gồng mình, tìm đủ cách để xoay xở trước cơn bão giá vé máy bay tăng cao. Kết nối hàng không với đường thủy, đường bộ và đường sắt là lối thoát được doanh nghiệp lựa chọn, tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Nỗ lực xoay xở trong bão giá

Dù đã lựa chọn đi du lịch cự ly gần do giá vé máy bay tăng cao, nhưng trước thông tin dịp 30/4 - 1/5 được nghỉ 5 ngày, gia đình chị Ngọc Hà (Minh Khai, Hà Nội) quyết định thay đổi kế hoạch du lịch và chuyển sang cân nhắc về tour Thái Lan, Trung Quốc với mức chi phí hợp lý cho cả gia đình. Theo chia sẻ của chị Hà, giá tour trong nước cao hơn tour nước ngoài như Thái Lan, Malaysia hoặc vài nước khác trong khu vực, trong khi đi tour nước ngoài lại mới mẻ hơn, nhiều cơ hội khám phá hơn, bởi vậy nên với kỳ nghỉ 5 ngày, gia đình quyết định đi nước ngoài thay vì một tour ngắn trong nước với chi phí như nhau, thậm chí còn rẻ hơn tour trong nước.

Du lịch đường sắt Bắc - Nam là trải nghiệm ấn tượng đa sắc màu khi đến Việt Nam

Đang lên kế hoạch đi du lịch cùng nhóm bạn tại Phú Quốc vào kỳ nghỉ sắp tới, một nhóm bạn trẻ sinh viên Đại học Quốc gia có ý định thay đổi lựa chọn sau khi tham khảo giá tour Thái Lan. Chị Phúc, một thành viên trong nhóm cho hay, nếu vẫn đi Phú Quốc, riêng tiền vé máy bay khứ hồi đã mất khoảng 10 triệu đồng/người. “Nhóm đang cân nhắc lại, vì hiện tại giá vé bay trong nước quá cao. Còn giá tour nước ngoài lại giá rẻ hơn. Đi nước ngoài giá rẻ còn được di chuyển bằng máy bay thì sẽ tiết kiệm thời gian hơn, nếu lựa chọn các tour khác, đi bằng đường bộ để tránh áp lực giá vé máy bay cho một tour 5 ngày thì sẽ quá mệt mỏi, đường thuỷ thì di chuyển lâu và mệt hơn nữa mà lại không nhiều lựa chọn”, Phúc chi sẻ.

Theo khảo sát, trong dịp cao điểm du lịch 30/4 - 1/5 và hè, du khách Việt có xu hướng chọn các tour nước ngoài tầm trung giá 7 - 15 triệu đồng, vì du lịch trong nước đắt đỏ khi giá vé máy bay tăng. Ngành hàng không lý giải phải tăng giá để bù đắp chi phí, còn du lịch lại thiếu cơ chế từ điểm đến. Các chuyên gia trong ngành và doanh nghiệp nhận định đây không phải vấn đề của riêng ngành du lịch và hàng không mà cần một “nhạc trưởng” giúp liên kết, dung hòa lợi ích các bên.

Chuẩn bị cho cao điểm du lịch hè 2024, trước bối cảnh giá vé máy bay nội địa thiếu tính ổn định, các đơn vị lữ hành, du lịch đang “xoay xở” thiết kế sản phẩm bằng nhiều cách cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Trong đó, phương án rút điểm tham quan hay giảm ngày đi tour cũng được các đơn vị dự trù để áp dụng.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, trước hết, ngành du lịch sẽ phối hợp với ngành giao thông vận tải để có những sản phẩm du lịch mới thích ứng biến động của thị trường, “biến khó khăn thành cơ hội”.

Để thu hút khách di chuyển bằng tàu hỏa, cần nâng cấp hệ thống đường sắt, đầu tư nâng cao chất lượng toa tàu...

“Một trong các biện pháp là đa dạng hóa phương tiện giao thông, kết nối hàng không với đường thủy, đường bộ và đường sắt, để mở ra cơ hội cho điểm đến mới và kết nối các thành phố trung tâm đến những điểm đến vệ tinh. Xây dựng các sản phẩm là chùm tour, combo, hài hòa với túi tiền người dân nhưng vẫn tạo ra trải nghiệm mới”, ông Siêu nói.

Đồng quan điểm trên, nhiều doanh nghiệp lữ hành chọn phương hướng kết hợp các phương tiện đi lại với nhau là lối thoát cho thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, thực tế là du lịch đường sắt, đường thuỷ trong nước hiện nay không đáp ứng được nhu cầu, đường bộ thì quá tải vào các mùa cao điểm, nên không có nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Đường sắt, đường thuỷ đều yếu, không đồng bộ

Kết hợp đường sắt, đường thuỷ với hàng không là lối thoát chung được nhiều doanh nghiệp lữ hành lựa chọn trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao. Tuy nhiên, trên thực tế sản phẩm du lịch đường sắt, đường thuỷ ở thời điểm hiện tại cũng rất khó khăn do thiếu sản phẩm hấp dẫn, rời rạc và chất lượng không cao.

Phát triển du lịch đường sắt không phải là hướng đi mới. Trên thực tế, trong những năm qua, ngành đường sắt đã từng bước triển khai chiến lược kinh doanh dịch vụ theo hướng này. Mới đây, các chuyên gia của chuyên trang du lịch nổi tiếng Lonely Planet nhận định, khi du lịch bằng đường sắt Bắc - Nam, du khách sẽ được trải nghiệm một Việt Nam đa sắc màu với một hành trình hội tụ đầy đủ những tinh hoa của cảnh quan, nhiên nhiên và con người, tuy tiêu tốn nhiều thời gian di chuyển hơn các phương tiện giao thông khác. Năm 2022, tạp chí du lịch The Travel của Canada đã liệt kê 10 hành trình tàu hỏa đêm ấn tượng nhất thế giới, trong đó có tàu Bắc - Nam của Việt Nam.

“Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”

“Du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, du lịch trong nước vẫn còn nhiều thách thức, trong đó có vé máy bay tăng cao. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch phải tăng cường kết nối với các bên, từ đó sáng tạo thêm các sản phẩm bằng đường sắt, đường thủy, đường bộ... Đây là những sản phẩm đã từng làm, bây giờ cần phải làm tốt hơn nữa, có sản phẩm khác biệt và tránh trùng lặp. Cần kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ hơn, tương tự thành công của chương trình 'Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam' trước đây”,

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam

CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho rằng, du lịch bằng tàu hỏa là dòng sản phẩm trong chùm tour Hà Nội - Quảng Bình - Huế, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Sài Gòn - Ninh Thuận - Nha Trang. Các tuyến còn lại hầu như chưa được khai thác. Nguyên nhân là do tuyến đường sắt Bắc - Nam đã cũ kỹ, lạc hậu, thời gian di chuyển lâu do qua nhiều khu dân sinh, chất lượng dịch vụ trên tàu còn hạn chế.

“Để thu hút khách di chuyển bằng tàu hỏa, cần nâng cấp hệ thống đường sắt, đầu tư nâng cao chất lượng toa tàu. Đồng thời, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các đơn vị đường sắt, lữ hành, dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống để có chính sách về giá tốt hơn, cung cấp nhiều dịch vụ trải nghiệm mới cho du khách. Du lịch đường sắt cần thiết thực hơn để phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng. Bên cạnh du khách thông thường, cần hướng đến du khách hạng sang để thúc đẩy chi tiêu, thu về lợi ích kinh tế”, ông Nguyễn Văn Tài nói.

“Hiện nay, đường sắt vẫn đơn thuần là vận chuyển hành khách mà thiếu đi dịch vụ ở hai đầu và dịch vụ trên hành trình di chuyển. Chính điều này đã khiến du lịch đường sắt chưa thực sự thu hút”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, khoa Kinh tế vận tải, Trường Đại học Giao thông vận tải, đánh giá.

GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải, cho rằng: So với các loại hình vận tải khác, đường sắt làm du lịch có hạn chế lớn là không “door to door” được, không từ cửa tới cửa được, nên phải có sự phối hợp giữa đường sắt và đường bộ. Du lịch đường sắt vẫn hạn chế thời gian, thiết bị và chất lượng dịch vụ, nên chưa đáp ứng được nhu cầu du khách.

Du lịch đường thuỷ hiện cũng gặp phải những vấn đề tương tự du lịch đường sắt do thời gian di chuyển dài, mệt mỏi, sản phẩm dịch vụ thiếu và đơn điệu, không hấp dẫn du khách.

Theo ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel, hiện nay mảng du lịch đường thủy chủ yếu phát triển tại TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhưng còn quá tập trung vào khu vực trung tâm cửa biển và thiếu đồng bộ. Trong khi đó, dư địa về phía Tây và phía Bắc vẫn còn dồi dào và ít được quan tâm.

“Về cơ sở hạ tầng, địa phương nên tạo thêm điều kiện để doanh nghiệp được tham gia vào quá trình đầu tư. Trong đó, các đơn vị sẽ liên kết hệ thống sản phẩm, điểm đến để đầu tư bến, xây dựng khu trưng bày đặc sản,... và quản lý hoạt động. Như vậy sẽ tạo đa dạng sản phẩm du lịch cho địa phương, đồng thời gia tăng trải nghiệm của du khách, tránh di chuyển nhiều gây bí bách, nhàm chán”, ông Lê Thiên Tư đề xuất./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận