Có dấu kiểm dịch, người tiêu dùng không 'tẩy chay' thịt lợn

Đến nay, lượng mua thịt lợn tăng nhẹ trở lại bởi người tiêu dùng phần nào yên tâm sản phẩm đã qua kiểm dịch của các cơ quan chức năng.

 

Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi lan rộng tại một số địa phương, nhiều người tiêu dùng lo ngại giảm mua các sản phẩm thịt lợn, thay vào đó là các loại thực phẩm. Do đó, sức tiêu thụ thịt lợn ở các chợ dân sinh chậm lại. Tuy nhiên, ở các siêu thị, việc tiêu thụ thịt lợn tăng hơn so với bình thường.

Khu vực thành phố Hà Nội, tại một số chợ tạm, chợ dân sinh ở quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, nhiều tiểu thương cho biết, số lượng thịt lợn nhập về những ngày gần đây giảm đáng kể so với cuối tháng 2. Số lượng thịt lợn bán ra mỗi ngày giảm từ 20 - 40% so với trước khi có dịch. Thậm chí, một số gian hàng bán nội tạng lợn cũng giảm lượng hàng nhập do tình trạng ế ẩm diễn ra khoảng chục ngày nay. Chị Nguyễn Thúy Hạnh, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nhân Chính cho biết, trước đây bình thường mỗi ngày nhập 2 con lợn bán cả sáng và chiều, nhưng khi có dịch tả lợn châu Phi, chị Nhân chỉ lấy cầm chừng, giá cũng giảm hơn trước (khoảng 5.000 - 10.000đ/kg) nhưng rất ít người mua. Một số gian hàng thịt lợn khác đã phải tạm nghỉ kinh doanh do tình trạng ế ẩm diễn ra khoảng chục ngày nay.

“Trước, mỗi này tôi lấy 30-40kg nhưng chỉ bán được một nửa, số còn lại tôi phải đưa nhà hàng bún chả, hàng cơm. Nhưng bây giờ, số lượng thịt lợn tôi lấy vào giảm đi nhiều vì người dân sợ thịt lợn không dám ăn. Hiện tại, nhiều người bán thịt lợn phải nghỉ, nhưng tôi vẫn cố duy trì và bán thêm thịt bò, thịt gà”, chị Hạnh chia sẻ.

Trái ngược với lượng tiêu thụ giảm ở các chợ dân sinh, nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua thịt lợn tại các siêu thị do tin tưởng hơn vào công tác kiểm dịch cũng như bảo quản thịt lợn, do vậy, sức mua mặt hàng này tại các siêu thị có phần tăng hơn trước.

Thịt lợn sản xuất theo công nghệ sạch, đóng gói theo tiêu chuẩn châu Âu được người tiêu dùng tin dùng.Chị Nguyễn Thanh Nga, ở quận Đống Đa cho biết, những ngày gần đây biết có dịch tả châu Phi xuất hiện ở Hà Nôi, nhiều người dân chuyển sang mua thịt lợn trong siêu thị dù biết giá đắt hơn nhiều so với chợ dân sinh. “Trước đây, ngày nào tôi cũng ăn thịt lợn nhưng từ khi có dịch tả lợn châu Phi, mỗi tuần tôi chỉ ăn 2 lần và phải vào siêu thị hoặc các cửa hàng tiện ích để mua. Bởi thịt trong đó rõ nguồn gốc xuất xứ, được kiểm định, mặc dù hơi đắt so với ngoài chợ”, chị Nga cho hay.

Trong khi các chợ dân sinh, lượng tiêu thụ giảm thì tại các siêu thị, sức mua của mặt hàng này vẫn đều bởi người mua tin tưởng hơn vào công tác kiểm dịch cũng như bảo quản. Ông Gia Minh Hiếu, Trưởng Cửa hàng Meat Deli trên phố Trung Kính, Cầu Giấy cho biết, tuần qua, số lượng người mua thịt lợn tại cửa hàng đã tăng lên 40% so với trước. Giá thịt của cửa hàng đắt hơn 15 - 20% so với chợ truyền thống nhưng người tiêu dùng vẫn mua bởi nguồn gốc và quy trình đóng gói đảm bảo và an toàn

 “Cửa hàng chúng tôi không chỉ đảm bảo thịt tươi, sạch mà còn truy xuất nguồn gốc cho khách hàng. Thịt ở đây được bảo quản lạnh từ khâu sản xuất, đóng gói, vận chuyển, được quản lý trong hệ thống từ 0 - 4 độ C nên giá thành sẽ đắt hơn bên ngoài. Tuy nhiên, mức giá này là hợp lý và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân”, ông Gia Minh Hiếu khẳng định.

Các tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ truyền thống cho biết, dù dịch tả châu Phi đã xuất hiện ở Hà Nội nhưng nguồn lợn thịt được cam kết đảm bảo. Thịt vận chuyển về đến cổng chợ đã có lực lượng kiểm dịch kiểm tra chặt chẽ từ mã vạch truy xuất nguồn gốc, có đóng dấu kiểm dịch của cán bộ thú y. Bản thân người tiêu dùng cũng hiểu và phân biệt được thịt chất lượng và có thể hoàn toàn yên tâm khi mua thịt lợn ngoài chợ.

Chị Phạm Khánh Vi, tiểu thương chợ Nam Trung Yên, Cầu Giấy, cho hay: “Mặc dù có dịch nhưng lượng khách giảm ít vì cửa hàng tôi có giấy tờ kiểm dịch và được đóng dấu. Ở đây họ kiểm tra nghiêm lắm, buổi sáng có cả Chủ tịch phường và kiểm dịch đi kiểm tra suốt, nếu không an toàn là họ tịch thu luôn”, chị Vi cho hay.

Những ngày vừa qua, thông tin “dịch tả lợn châu Phi không lây sang người”" truyền thông mạnh mẽ, công tác kiểm soát an toàn dịch bệnh tại các lò mổ, các chợ khá chặt chẽ. Người tiêu dùng có thể yên tâm khi sử dụng thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn bởi tại các lò mổ và chợ truyền thống. Cán bộ thú y và chính quyền địa phương kiểm tra, lấy mẫu thường xuyên và test nhanh tại chỗ, nếu sản phẩm có biểu hiện bệnh thì sẽ bị đề nghị tiêu hủy và dừng bán. Tại tất cả lò mổ lớn đều có đội kiểm dịch liên ngành kiểm tra, lợn nhập vào đều phải có giấy kiểm dịch từ cơ quan thú y các địa phương. Do đó, đến nay, lượng mua của người tiêu dùng tăng nhẹ trở lại bởi phần nào yên tâm các sản phẩm thịt lợn được đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng và đã qua kiểm dịch của các cơ quan chức năng.

Kim Thanh/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận