Cao Bằng: Hiệu quả nuôi dúi của hợp tác xã Ngọc Dương

Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, vợ chồng anh Bàn Văn Dương và chị Nguyễn Thị Ngọc ở xã Vĩnh Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực vượt khó và thành công với mô hình nuôi dúi. Mô hình đã vinh dự đoạt giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng lần thứ 8 (2022 - 2023) và được nhân rộng tới nhiều địa phương.

 

Nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình

Anh Bàn Văn Dương công tác tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Lâm, vợ anh - chị Nguyễn Thị Ngọc là giáo viên Trường THPT Lý Bôn, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm. Họ sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Vĩnh Quang, Bảo Lâm, cách Trung tâm thành phố Cao Bằng 147km, trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp. Thu nhập của người dân ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với hình thức canh tác nhỏ lẻ, tự cung tự cấp.

May mắn được bố mẹ cho đi học và có công việc ổn định tại địa phương, nhưng đồng lương viên chức chỉ đủ chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình. Qua quá trình tìm hiểu các mô hình chăn nuôi của một số địa phương, vợ chồng anh Dương nhận thấy nuôi dúi rất có tiềm năng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi dúi trong tự nhiên đang cạn kiệt do người dân săn bắt. Vì vậy, để vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn loài động vật này, đầu năm 2021 anh chị đã mạnh dạn đưa mô hình nuôi dúi áp dụng trong gia đình, bước đầu đã có những kết quả khả quan.

Đầu tiên gia đình anh mua 50 cặp dúi giống, mỗi cặp có giá là 800.000đ, tổng số vốn là 40.000.000đ. Từ năm thứ hai sau khi nuôi, gia đình đã xuất bán ra thị trường mỗi năm khoảng 200kg đến 400kg dúi thương phẩm và khoảng 50 - 100 cặp dúi giống. Hiện nay, anh Dương có khoảng 200 con dúi mẹ, trong đó có 150 con giống, 200 con thương phẩm (trọng lượng từ 800g trở lên) và 300 con nhỏ (mới sinh đến con có trọng lượng 700g).

Anh Bàn Văn Dương thành công với mô hình nuôi dúi của mìnhTheo tính toán của anh chị, nuôi dúi thương phẩm lãi gấp 4 lần nuôi ga ta (gà địa phương). Từ năm thứ ba trở đi, với 50 con dúi mẹ, cứ trung bình mỗi năm xuất bán khoảng 300kg dúi thương phẩm và 75 cặp dúi giống. Sau khi trừ chi phí thức ăn, nhân công, điện nước và các chi phí khác, tiền lãi thu được là 150.000.000đ.

Anh Dương tâm sự: “Sau gần ba năm nuôi dúi tôi nhận thấy đây là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế đối với gia đình tôi cũng như bà con nhân dân ở địa phương. Vì con dúi ít bị bệnh, không chết hàng loạt như các loại gia súc, gia cầm khác, thức ăn có sẵn trong tự nhiên dễ tìm kiếm như tre, nứa, vầu và các loại thức ăn dễ trồng như mía, cỏ voi, ngô, sắn… không tốn nhiều công chăm sóc, hiệu quả kinh tế lại cao hơn so với nuôi các loại gia súc, gia cầm”.

Thành lập hợp tác xã, bao tiêu đầu ra

Ngoài những hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật và xã hội thì nuôi dúi như anh Dương là giải pháp không gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, góp phần làm giảm nạn săn bắt dúi tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo việc cung ứng thực phẩm đặc sản cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương.

Anh Dương cho biết, dúi là động vật hoang dã thuộc loài gặm nhấm, môi trường sống của chúng là đào hang sống trong lòng đất, ưa bóng tối và những nơi yên tĩnh, thích hợp với khí hậu ôn hoà, mát mẻ, thức ăn chủ yếu của dúi là rễ và thân các loại cây tre, vầu, nứa, mía, cỏ voi, ngô, khoai, sắn là những thức ăn dễ trồng và có sẵn ở địa phương. Thịt dúi thơm, ngon, mát, giàu dinh dưỡng, được nhiều người ưa chuộng. Dúi sống ở môi trường thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, chuồng trại phải được quét dọn thường xuyên, thức ăn cũng phải sạch sẽ, không ôi thiu, ẩm mốc. Vì vậy, nếu người chăn nuôi không để ý dúi sẽ mắc các bệnh về đường ruột khó chữa. Mùa hè cần làm mát chuồng trại, có nhiệt kế theo dõi nhiệt độ, nhiệt độ thích hợp khoảng 25 - 30oC, mùa đông dúi rất dễ bị viêm phổi, nên cần che chắn kín không cho gió lùa vào chuồng trại.

Từ hiệu quả và lợi ích đem lại từ mô hình nuôi dúi, mong muốn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, anh chị đã quyết tâm thành lập Hợp tác xã Ngọc Dương tại Km22, Chợ Bò, xóm Nà Tốm, xã Vĩnh Quang, huyện Bảo Lâm, hướng dẫn bà con ở địa phương kỹ thuật nuôi và chăm sóc dúi, hỗ trợ đầu ra, nhân rộng mô hình, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Hiện mô hình đang được nhân rộng ở các xã trong trong huyện, tỉnh Cao Bằng và một số tỉnh lân cận, thông qua việc trao đổi, buôn bán trên thị trường như bán con giống, bán thương phẩm. Vốn đầu tư ít, dễ chăm sóc, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn, có có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nên hiện nay mô hình nuôi dúi đang phát triển tại nhiều địa phương trong cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Chọn giống là khâu quan trọng nhất trong quá trình nuôi dúi. Trên thị trường có nhiều loại giống như: Mốc đại Trung Quốc, Má đào Thái Lan, Dúi mốc Việt Nam… nên khi mua giống bà con nên mua tại ở các cơ sở chăn nuôi uy tín, có giấy chứng nhận kiểm lâm đầy đủ, nguồn gốc rõ ràng. Hiện nay gia đình tôi đang nuôi loại dúi mốc Việt Nam, vì giống này rất phù hợp với khí hậu ở địa phương, có trọng lượng vừa phải, dễ nuôi và giá cả phù hợp”.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận