Nhiều giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế

Ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch...

 

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải được giao nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, điều phối giờ hạ, cất cánh tại cảng hàng không, sân bay theo hướng sử dụng linh hoạt, hỗ trợ các hãng bay trong việc trao đổi với các nhà chức trách hàng không nước ngoài trên cơ sở có đi có lại, để phục vụ tốt nhất nhu cầu phát triển du lịch. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét điều chỉnh khung giá trần trong ngắn hạn, đưa giá vé máy bay về đúng cơ chế thị trường.

Nghịch lý từ giá vé máy bay

Mặc dù đã có nhiều giải pháp cụ thể ngay từ khi mở lại hoạt động du lịch bình thường vào ngày 15/3/2022, nhưng đến thời điểm hiện tại, lượng khách quốc tế - nhất là những khách có khả năng chi trả cao - đến Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến mục tiêu phục hồi ngành du lịch không được như kế hoạch.

Trong khi đó, du khách Việt đang trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất của các nền du lịch lớn trong khu vực. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Corporation, phân tích: Sau đại dịch, thói quen du lịch của người Việt có nhiều thay đổi. Họ chi tiêu ít hơn, không đi nước ngoài để mua sắm những đồ xa xỉ, đắt tiền như trước mà tập trung vào trải nghiệm, tận hưởng điểm đến. Tuy nhiên, họ vẫn sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn để mua tour xuất ngoại do giá vé máy bay trong nước cao hơn đi nước ngoài. Trong khi đó, giá dịch vụ trong nước tốt nhưng khách quốc tế đến Việt Nam rất ít. Và nguyên nhân vẫn là giá vé máy bay.

“Thực tế, thời gian vừa qua, du khách Việt đi du lịch Thái Lan, Campuchia rất nhiều, trong khi du khách chiều ngược lại chưa tương xứng. Nguyên nhân đầu tiên là do giá vé máy bay từ Thái Lan, Campuchia đến Việt Nam cao, trong khi giá vé máy bay chiều ngược lại rẻ, thậm chí còn rẻ hơn vé máy bay nội địa tại Việt Nam dẫn đến khách Việt qua Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia nhiều hơn chiều ngược lại. Nghịch lý từ giá vé máy bay không chỉ dẫn tới thực tế là người Việt Nam đi du lịch nước ngoài nhiều hơn, mà còn làm cho lượng khách quốc tế đến Việt Nam không được như mong đợi. Ngay cả với thị trường châu Âu, Ấn Độ cũng vậy, chúng ta mở các đường bay thẳng nhưng cũng chỉ túc tắc đón được rất ít khách” - ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.

Khảo sát thị trường cho thấy, vé máy bay khứ hồi từ Đà Nẵng, Hà Nội đi Phú Quốc dịp lễ 30/4 -1/5 của các hãng hàng không có giá bình quân khoảng 10 triệu đồng, đắt hơn nhiều so với giá từ 6,9 - 7,9 triệu đồng/người cho tour du lịch trọn gói 5 ngày 4 đêm tại Thái Lan vào dịp Tết Songkran, là thời gian cao điểm du lịch trên đất Thái. Tương tự, giá tour du lịch trọn gói 5 ngày 4 đêm đi Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… của một số đơn vị lữ hành cũng chỉ trên dưới 10 triệu đồng/khách.

“Chúng tôi đều là những người trẻ, thu nhập trung bình nên thường đi du lịch tự túc hoặc mua các gói combo và tính toán chi tiêu khá chặt. Đơn cử như canh vé máy bay giá rẻ, canh khách sạn giảm giá, đi bộ và sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn để tiết kiệm chi phí… Song, một chuyến đi Sapa 5 ngày hoặc gần hơn là đi Hạ Long 3 ngày thôi, cả tiền ăn uống cũng phải tốn khoảng 5 - 6 triệu đồng/người, một chuyến đi TP.HCM có giá khoảng 8 - 9 triệu đồng/người. Cùng số tiền đó, tôi có thể đi Thái Lan hoặc Malaysia 4 - 5 ngày, hoặc “nhịn” 2 chuyến đi trong nước để đi nước ngoài thoải mái chơi”, Ngọc Diệp, một bạn trẻ Hà Nội chia sẻ sau chuyến du lịch Thái Lan đầy hào hứng.

Tương tự, Anh Thư - một fan của ban nhạc Hàn Quốc Super Junior (SuJu) - cho biết: “Đầu năm nay, SuJu có chuyến lưu diễn ở TP.HCM, tôi định đi “đu idol” (từ của giới trẻ nói về việc chạy theo thần tượng), nhưng sau khi tham khảo thì chỉ 1 đêm “đu idol” ở TP.HCM sẽ tốn khoảng 7 - 8 triệu đồng, đó là không có thời gian tham quan, du lịch gì. Vì thế tôi quyết định để dành tiền đi Hàn Quốc, vừa được du lịch nước ngoài vừa “đu idol” mà chi phí cũng chỉ gấp đôi, thời gian thì gấp 4 - 5 lần”.

Tạo điều kiện thu hút “khách sộp”

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, du khách quốc tế mang đến 421.000 tỷ đồng cho ngành du lịch Việt Nam trong năm 2019. Trong đó, chi tiêu cao nhất là du khách Nga, cứ mỗi du khách từ nước này mang đến cho Việt Nam hơn 1.830 đô la Mỹ, kế đó là khách Anh, Mỹ, Úc và Pháp.

Theo Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2019, báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch, tổng thu từ du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng, tương đương 32,8 tỷ đô la Mỹ trong năm 2019. Trong đó, mảng du lịch quốc tế đóng góp 55,7%, tương đương 18,3 tỷ đô la Mỹ.

Năm 2019, cả nước đón hơn 18 triệu lượt khác quốc tế, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2018. Bình quân mỗi vị khách đi du lịch theo tour sẽ lưu lại Việt Nam trong khoảng 8,06 ngày, trong khi khách đi du lịch tự do sẽ có số ngày nghỉ ít hơn với 7,98 ngày.

Năm 2019, du lịch quốc tế đóng góp 55,7% trong tổng số 755 nghìn tỷ đồng thu từ du lịch.

Những dịch vụ nào khiến du khách nước ngoài tiêu tiền nhiều nhất? Đầu tiên là dịch vụ lưu trú, trung bình mỗi khách chi hơn 357 đô la Mỹ, tức gần 33% trong tổng chi phí cho chuyến đi để thuê phòng khách sạn, resort; kế đến là chi cho ăn uống với gần 258 đô la; hơn 167 đô la Mỹ dùng để mua hàng; chi phí đi lại hơn 162 đô la Mỹ; các khoản khác như tham quan, văn hóa, giải trí… có mức chi không đáng kể.

Các số liệu cho thấy, một trong những giải pháp thu hút khách quốc tế, đối tượng “khách sộp” có khả năng chi trả cao là phải có chính sách visa phù hợp các thị trường có tiềm năng, có lượng khách đông đảo, có nhu cầu chi tiêu lớn cho các dịch vụ và thời gian lưu trú dài. Chú trọng phát triển phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề thế mạnh.

Để giải quyết những vấn đề này, cùng với những giải pháp đưa giá vé máy bay về đúng cơ chế thị trường, giải quyết nghịch lý giá vé máy bay nội địa và quốc tế nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về mở rộng diện áp dụng miễn thị thực đơn phương. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán Hiệp định miễn thị thực với các nước, đặc biệt là các đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam.

Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách du lịch quốc tế; nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (E-visa); đánh giá, tổng kết chính sách cấp thị thực điện tử, nghiên cứu mở rộng diện được cấp thị thực điện tử để báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo hướng bảo đảm tính thống nhất về quy định cấp thị thực điện tử, thị thực truyền thống và kéo dài thời gian lưu trú cho người nước ngoài vào Việt Nam; cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh tại các cửa khẩu đường hàng không, bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam; đồng thời có biện pháp quản lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận